Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đảo chính chết yểu tại Thổ Nhĩ Kỳ

Cuộc đảo chính quân sự đêm 15/7 đẩy hai thành phố lớn Ankara và Istanbul ở Thổ Nhĩ Kỳ rơi vào hỗn loạn, nhưng không tránh khỏi thất bại.

Trực thăng nã đạn xuống đường phố ở Thổ Nhĩ Kỳ Trực thăng của lực lượng đảo chính Thổ Nhĩ Kỳ nhả đạn liên tiếp xuống đường phố để giải tán đám đông ủng hộ Tổng thống Erdagan.

Tác giả Nguyễn Ngọc Hùng là một chuyên gia về các vấn đề Trung Đông. Đây là bài viết ông gửi riêng cho Zing.vn.

Đứng đầu nhóm đảo chính là đại tá Muharram Kusa- cố vấn pháp luật của tổng tham mưu trưởng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ. Đồng lõa với Kusa là một nhóm sĩ quan hạng trung, gồm 1 đại tá, 1 trung tá và 1 thiếu tá.

Thủ tướng Binali Yildirim cáo buộc nhà truyền giáo Fathullah Gulen (đang định cư ở Mỹ) đứng sau vụ này, nhưng tổ chức của Gulen đã tuyên bố lên án vụ đảo chính và bác bỏ cáo buộc của thủ tướng.

Vụ đảo chính bất ngờ nổ ra tại thành phố Istanbul. Ngay những giờ phút đầu tiên, phe đảo chính bắt giữ tổng tư lệnh quân đội, rồi tuyên bố “kiểm soát đất nước” bằng một “hội đồng hòa bình”, ra lệnh thiết quân luật trên toàn quốc, bãi bỏ hiến pháp… Họ chiếm được sân bay quốc tế Ataturk ở Istanbul, làm ngưng trệ kênh TRT của đài truyền hình nhà nước…

Những kẻ cầm đầu thấp kém

Nhưng chỉ vài giờ sau, hồi rạng sáng 16/7, thủ tướng Yildirim đã tuyên bố kiểm soát được đất nước, âm mưu đảo chính thất bại. Tổng thống Erdogan đã đáp máy bay hạ xuống sân bay Ataturk, chứng tỏ lực lượng của chính phủ đã khôi phục quyền kiểm soát đối với sân bay này. Kênh truyền hinh TRT hoạt động trở lại. Tổng tham mưu trưởng quân đội cũng xuất hiện tại nhiệm sở…

Ngay khi có tin nổ ra đảo chính và những thông tin đầu tiên về danh phận thấp kém của người cầm đầu, phạm vi địa lý hạn hẹp của vụ việc và sự an toàn của các nhân vật đứng đầu chính thể như tổng thống, thủ tướng, bộ trưởng quốc phòng… những người am hiểu chính trường Thổ Nhĩ Kỳ đã có thể đoán trước số phận chết yểu của âm mưu phiến loạn này.

Dao chinh quan su that bai tai Tho Nhi Ky anh 1
Xe tăng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ ở Istanbul Ảnh: Getty Images

 

Tuyên bố đầu tiên của nhóm đảo chính, nhân danh một “hội đồng hòa bình” lên án chính quyền đương nhiệm của tổng thống Erdogan là “phản dân chủ và phản bản chất thế tục” của Thổ Nhĩ Kỳ đã cho thấy xu hướng của những người cầm đầu nhóm này. Đó là những quân nhân bất mãn với đường lối ngày càng có thiên hướng Hồi giáo của đảng Công lý và Phát triển (AKP) mà tổng thống Erdogan là đại diện.

Họ cũng bất mãn với các chính sách của Erdogan trong nhiều năm qua đã dần dần loại bỏ uy quyền của giới quân nhân đối với chính trường Thổ Nhĩ Kỳ. Rất nhiều tướng lĩnh uy vũ một thời đã bị Erdogan loại khỏi chính trường, thậm chí đưa ra tòa án xét xử về các tội danh như “âm mưu đảo chính chống chính phủ”, “tham nhũng”…

Những người cầm đầu âm mưu đảo chính đã chọn thời điểm lúc này để khởi sự, bởi họ cho là chính quyền Erdogan đang rơi vào tình thế khó khăn nhiều mặt cả trong nước và quan hệ quốc tế. Chính quyền Erdogan đang phải đối phó với các hoạt động vũ trang chống đối ngày càng “nóng” từ phía Đảng Công nhân người Kurd (PKK) ở khu vực đông- nam đất nước.

PKK và IS còn thực hiện được không ít vụ tấn công khủng bố nhắm vào cả Istanbul và thủ đô Ankara, gây nhiều thiệt hại về nhân mạng, vật chất và tạo ra tâm lý bất ổn diện rộng.

Đảo chính đã lỗi thời

Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ cũng tạo ra một không khí bất mãn đáng kể trong xã hội khi thực thi các chính sách kiểm soát ngày càng hà khắc đối với giới truyền thông; thậm chí đưa nhiều nhà báo ra xét xử vì các tội danh kiểu như “xúc phạm chính quyền”.

Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đã phải lên tiếng cảnh báo chính quyền Erdogan “vi phạm nhân quyền” và “bóp nghẹt tự do ngôn luận”…

Về đối ngoại, Thổ Nhĩ Kỳ lâm vào khó khăn vì tình trạng đoạn tuyệt ngoại giao - kinh tế với Nga từ tháng 11/2015; đình trệ quan hệ với Israel từ năm 2010 và với Ai Cập từ 2013; không ổn định trong quan hệ kinh tế - thương mại với Iran vì bất đồng nghiêm trọng tại Syria; không đạt được sự tin cậy của EU khiến tham vọng của Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập Liên minh châu Âu vẫn chưa thấy hi vọng.

Dao chinh quan su that bai tai Tho Nhi Ky anh 2
Tổng thống Erdogan bị chỉ trích là phản dân chủ Ảnh: Reuters

 

Trong khi đó, cuộc nội chiến tại Syria mà Thổ Nhĩ Kỳ là một bên dính líu trực tiếp vẫn dằng dai phức tạp với nhiều rủi ro nghiêm trọng đe dọa chính Ankara... Tất cả những khúc mắc ngoại giao này đẩy Thổ Nhĩ Kỳ vào tình trạng khó khăn, bức bối cả về chính trị và kinh tế.

Tất cả buộc tổng thống Erdogan phải đưa ra những quyết sách bất ngờ chủ động làm lành với Nga và Israel mà trong đó Thổ Nhĩ Kỳ chấp nhận vị thế của bên nài nỉ.

Nhưng nhóm cầm đầu âm mưu đảo chính hồi đêm 15/7, với những cái đầu “cấp thấp” đã không đủ tầm để toan tính “đại sự”. Thân phận của một đại tá cố vấn làm sao điều binh khiển tướng cả một quân đội quy mô- thành viên của NATO, mà các tướng lĩnh hàng đầu đều đã là người của Erdogan?

Họ cũng không nhận thức được rằng thời đại làm mưa làm gió của giới quân nhân đã trở thành quá khứ tại Thổ Nhĩ Kỳ, sau khi đảng AKP thiên hướng Hồi giáo của Erdogan lên cầm quyền và trụ vững hơn chục năm nay.

Mặt khác, ở tầm thế giới văn minh, việc dùng đảo chính quân sự để xóa bỏ một chính quyền hợp pháp, đã trở nên lỗi thời, không thể được cộng đồng quốc tế chấp nhận.


Nguyễn Ngọc Hùng

Bạn có thể quan tâm