Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dành tình yêu cho những người bên cạnh mình

Giao lưu với bạn đọc Việt, nhà văn Hàn Quốc Jeong Ho Seung nói ông viết "Cá trong chuông" với thông điệp mỗi người tự tìm bình yên và tình yêu ở những điều quanh mình.

Cá trong chuông kể về hành trình phiêu bạt của cô cá trong chuông gió tên Mắt Ngọc. Mắt Ngọc có nhiều tâm tư và tò mò về tình yêu và thế giới như một đứa trẻ. “Nửa kia” của Mắt Ngọc là Mắt Huyền. Hàng ngày, đôi cá chăm chỉ ngân lên những âm thanh tuyệt diệu cho thế gian.

Cả hai cùng chờ đợi ngọn gió từ rừng thông thổi tới, cùng ngắm nhìn cuộc sống yên bình nơi cửa Phật. Rất nhiều người yêu thích tiếng chuông, và Mắt Ngọc rất vui khi biết âm thanh của mình có thể làm người khác hạnh phúc và cảm thấy được an ủi khi nghe.

Nhưng rồi một ngày, Mắt Ngọc cảm thấy cuộc sống trở nên vô vị, nhàm chán, mọi sự cứ quanh co, không có gì mới mẻ. Mắt Ngọc cảm thấy bất an với Mắt Huyền và khao khát mọc được cánh để bay khỏi chùa Unjusa, đi tìm hạnh phúc đích thực.

Cá trong chuông là một câu chuyện đậm chất ngụ ngôn và tràn ngập tính thơ của Jeong Ho Seung. Các áng văn đan xen những đoạn thơ, gợi sự lãng mạn cổ điển nhưng cũng rất trong trẻo, gần gũi với độc giả hiện đại.

Nhà thơ, nhà văn Jeong Ho Seung đã có nhiều tập thơ được dịch ra thế giới (Anh, Nhật, Tây Ban Nha, Nga, Trung Quốc). Ông cũng viết nhiều truyện cổ tích hiện đại, tản văn.

tac pham co tich hien dai anh 1

Tác phẩm Cá Trong Chuông. Ảnh: NXB Phụ Nữ Việt Nam.

Một góc nhìn khác về tình yêu và cuộc sống

Tại buổi tọa đàm K-Literature Talk diễn ra chiều 21/7, Jeong Ho Seung (từ Hàn Quốc, tham gia tọa đàm trực tuyến) chia sẻ rằng ông nghĩ tình yêu là một trong những giá trị quan trọng nhất trong cuộc sống. Đây là một chủ đề muôn thuở trong văn chương nói riêng và nghệ thuật nói chung. Tình yêu luôn là một đề tài để người nghệ sĩ khai phá, khắc họa.

Jeong Ho Seung tin rằng ta luôn có một ai đó để yêu thương trong đời, nhờ có họ, ta không đánh mất giá trị cuộc sống. Con người không bao giờ sống đơn độc mà luôn trong một cộng đồng. “Khi ta sinh hoạt trong một cộng đồng, ta luôn phải để ý tới cảm xúc của người khác. Tôi luôn nghĩ văn học đem đến sự an ủi trong cuộc sống”, tác giả nói.

Dịch giả Trần Hải Dương nhận định Cá trong chuông có thể đem lại một góc nhìn khác về tình yêu và cuộc sống cho độc giả. Anh cho biết vì tính chất công việc, anh tiếp xúc với nhiều bạn trẻ hiện đại và cảm nhận được guồng quay gấp gáp của thời đại. Anh nhận ra rằng giống như cô cá Mắt Ngọc trong tác phẩm, người trẻ luôn sợ sự nhàm chán, sợ cô đơn và luôn hướng đến tự do.

“Mùa xuân lại đến, cơn rét nàng Bân lại ùa về, rồi mùa đông qua, cho dù bão tuyết có quật dữ dội đến đâu thì cũng không có gì thay đổi, tôi vẫn ngày ngày ở đây.

Mặc dù ở cùng Mắt Huyền nhưng tôi vẫn thấy cô đơn. Vì cô đơn mà tôi đung đưa theo làn gió".

Câu hỏi về hạnh phúc gây ám ảnh, làm Mắt Ngọc bồn chồn, thổn thức. Và tới khi cô cá mọc được cánh, cô háo hức bay đi, chẳng hề hay biết sự tự do ấy lại đi liền với những hiểm nguy, trắc trở.

Chia sẻ về nguồn cảm hứng cho tác phẩm, Jeong Ho Seung kể rằng trong một lần đi chùa, ông bắt gặp hình ảnh một cặp chuông gió treo hai bên chính điện. Thông thường, dưới mỗi chuông luôn có một con cá mở mắt để nhắc người tới chùa không được đánh mất bản chất con người. Tuy nhiên, hôm đó, ông phát hiện ra có một cái chuông bị mất cá.

Ông tự hỏi: “Hay nó bay lên trời mất rồi?”. Hình ảnh cá bay lên trời, tiếng Hán gọi là “phi ngư”. Trong cuộc sống, khi bắt gặp một hiện tượng khác thường, người ta có xu hướng muốn tìm cách lý giải. “Tôi cứ tự hỏi nó bay đi đâu? Bay đi tìm gì? Và từ hình ảnh ấy, tôi viết nên tác phẩm”, Jeong Ho Seung chia sẻ.

tac pham co tich hien dai anh 2

Nhà thơ, nhà văn Jeong Ho Seung. Ảnh: Seoul Selection

Tác phẩm viết theo lối cổ tích mới

Biên tập viên Lê Thu Ngọc của Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam nhận xét Cá trong chuông mang trong mình sự ngây thơ non trẻ của truyện cổ tích hiện đại, nhưng cũng phản ánh sát với hiện thực, cho thấy tác giả là một người có mắt quan sát và một trái tim nhạy cảm.

Tác giả Jeong Ho Seung thừa nhận rằng đó là chủ đích của ông. “Trong trái tim của một con người luôn có sự thuần khiết của một đứa trẻ”, ông nói. Tình cảm, sự trong sáng, thơ trẻ là nền tảng để ông viết. Thơ hay văn, khác biệt về mặt thể loại không quan trọng. Với Jeong Ho Seung, quan trọng là khơi gợi được cảm xúc, truyền đạt được giá trị, tình cảm tới độc giả.

Dịch giả Trần Hải Dương nhận xét rằng tác phẩm có bối cảnh hiện đại nhưng viết theo lối cổ tích mới. Đó là sự đan xen, giao thoa giữa cái lãng mạn và cái hiện thực.

Ngoài ra, ý nghĩa câu chuyện còn gần với triết lý đạo phật, với người Việt Nam và hơn hết là phù hợp với các bạn trẻ. Trần Hải Dương cho rằng tác phẩm này có thể đem sự bình yên tới độc giả trong dòng đời hối hả. Cá trong chuông thôi thúc độc giả tới phương trời tự do, nhưng cũng nhắc họ về những sợi dây thân thuộc đời thường của họ.

Độc giả có thể nhận thấy rõ yếu tố cổ tích ở nhân vật chính của câu chuyện - hai con cá. Jeong Ho Seung hay nhân hóa sự vật. Ở tác phẩm khác, ông còn nhân hóa cây cối, hoa lá.

Ông chia sẻ rằng lý do ông lựa chọn đối tượng thiên nhiên để viết truyện vì ông luôn nghĩ những sự vật, con vật ấy có đời sống riêng, câu chuyện riêng muốn kể. Theo ông, chính nhà thơ, nhà văn là người có thể lắng nghe chúng.

Sự tò mò về câu chuyện của các loài vật đã truyền cảm hứng cho ông viết truyện theo hướng cổ tích. Ông đã mượn câu chuyện của thiên nhiên để kể câu chuyện của loài người.

Cũng trong buổi giao lưu, ông bày tỏ quan điểm văn học phải phản ánh hiện thực cuộc sống. “Tác phẩm không phản ánh đúng hiện thực thì không phải văn học”, Jeong Ho Seung nói.

Jeong Ho Seung muốn mượn câu chuyện thiên nhiên, thông qua những vần thơ để kể với độc giả trải nghiệm của mình. Ông vẽ nên chuyến du ngoạn cho một con cá treo chuông đang băn khoăn về ý nghĩa hạnh phúc. Một hành trình đưa cô cá trải qua những chia cắt, đớn đau, thậm chí có lúc phải đối diện với cái chết. Những biến cố ấy như những phần tất yếu trong hành trình đi tìm hạnh phúc, và cũng từ đó, Mắt Ngọc có cơ hội khám phá bản thân và hiểu hơn về nội tại.

Với Cá trong chuông, Jeong Ho Seung muốn truyền thông điệp: Hãy dành tình yêu cho những người ngay cạnh mình. Nhiều khi trong cuộc sống, ta hay mơ tưởng, nghĩ đến điều gì đó xa xôi mà không nhận ra thứ giá trị nhất bên mình.

“Có cuộc sống nào mà không có khổ đau. Đừng mong chờ sống mà không có khổ đau. Đó là điều thường nhật như hơi thở.

Không có vết thương thì cái đẹp không tồn tại. Ngọc trai nên hình nên dạng từ vết thương. Cánh hoa cũng mang vết thương xây xước", trích Cá trong chuông.

Giá trị của cuộc sống chính là sự bình yên trong tâm hồn

Cuộc sống còn nhiều điều quan trọng hơn chuyện thắng hoặc thua một trận đấu.

'Hãy chăm sóc mẹ' - thông điệp từ hào quang của tình mẫu tử

Thời khắc 4 đứa con đi tìm mẹ mất tích, họ mới nhận ra sự hy sinh của bà cho gia đình. Câu chuyện giản dị khiến chúng ta rơi nước mắt vì những sự thật đầy ám ảnh.

Minh Hùng

Bạn có thể quan tâm