Bà Ko Ji-hyeong - Viện trưởng Viện Giáo dục Hàn Quốc tại TP.HCM (Bộ Giáo dục Hàn Quốc) - cho rằng văn học là một lĩnh vực giúp hiểu sâu hơn về nền văn hóa Hàn Quốc.
“Tuyển tập Truyện ngắn đương đại Hàn Quốc sẽ mang đến cơ hội để độc giả Việt Nam tiếp cận và nâng cao hiểu biết về văn hóa Hàn Quốc thông qua văn học”, bà Ko Ji-hyeong nói.
Tiếp nối Truyện ngắn đương đại Hàn Quốc tập 1, mới đây, tập 2 (do Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM ấn hành) giới thiệu tới độc giả trong nước những truyện ngắn đặc sắc với chủ đề đa dạng, trải rộng cả về bối cảnh thời gian và không gian của đất nước Hàn Quốc.
Lễ ra mắt Truyện ngắn đương đại Hàn Quốc tập 2 cùng những giao lưu về văn hóa Việt - Hàn được đưa ra thảo luận sáng 25/11 với sự tham gia của đại diện Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM; đội ngũ dịch giả, chủ biên bộ sách; đại diện Tổng lãnh sự quán Hàn Quốc, tạp chí Koreana, Quỹ Giao lưu quốc tế Hàn Quốc và một số giảng viên, sinh viên ngành Hàn Quốc học và Văn học của các trường đại học, cao đẳng ở TP.HCM.
Lễ ra mắt bộ sách nằm trong khuôn khổ lễ kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc.
Sách Truyện ngắn đương đại Hàn Quốc tập 2. Ảnh: NXB Tổng hợp TP.HCM. |
Du lịch Hàn Quốc qua những trang truyện
Theo bà Định Thị Thanh Thủy - Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM - những năm gần đây, giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và Hàn Quốc không ngừng diễn ra thông qua một số tác phẩm văn học. Tuyển tập Truyện ngắn đương đại Hàn Quốc nằm trong số đó.
Được tuyển chọn từ tạp chí Koreana (Hàn Quốc), tác phẩm do các giảng viên tiếng Hàn tham gia dịch thuật, GS.TS Phan Thị Thu Hiền và TS Nguyễn Thị Hiền đồng chủ biên với sự tài trợ bản quyền và xuất bản của Quỹ giao lưu quốc tế Hàn Quốc (Korea Foundation).
Bộ sách đưa độc giả du hành tới Hàn Quốc. Đọc từng trang truyện, bạn đọc sẽ trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, chứa đựng tính nhân văn sâu sắc.
Tại chương trình, GS.TS Phan Thị Thu Hiền - Phó Chủ tịch Hội Nghiên cứu Khoa học về Hàn Quốc, nguyên Trưởng khoa Hàn Quốc học (ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM), chủ biên cuốn sách - bày tỏ niềm vui khi đến nay đã có trọn vẹn bộ sách giới thiệu 22 truyện ngắn xuất sắc trong văn học đương đại Hàn Quốc tới độc giả trong nước.
Độc giả Việt Nam có thể du lịch bằng nhiều cách khác nhau cùng Truyện ngắn đương đại Hàn Quốc tập 2.
Ông Choi Jae-jin
Theo chủ biên, trong văn chương đương đại "xứ sở kim chi", truyện ngắn là một thể loại nổi bật, đạt nhiều thành tựu quan trọng cả về số lượng lẫn chất lượng. Đặc biệt, các nhà văn có tác phẩm được tuyển chọn trong bộ sách này đều từng giành giải thưởng văn học danh giá của Hàn Quốc.
“22 truyện ngắn thể hiện nhiều phương diện hiện thực Hàn Quốc qua các mối quan hệ nhân sinh, cách những người trẻ tuổi tiếp nhận và thích ứng với thay đổi về kinh tế, chính trị cũng như văn hóa, xã hội trong thời đại này”, GS.TS Phan Thị Thu Hiền nói.
Bên cạnh đó, Truyện ngắn đương đại Hàn Quốc còn nói lên sắc điệu tâm hồn người dân nơi đây một cách đầy tinh tế, nặng tình, không nguôi trăn trở về sinh tử, thiện ác, hạnh phúc cùng những mất mát, giá trị truyền thống và hiện đại.
Cũng trong chương trình, ông Choi Jae-jin - đại diện Quỹ Giao lưu quốc tế Hàn Quốc tại Hà Nội (Bộ Ngoại giao Hàn Quốc) - cho rằng thời điểm càng khó khăn, sức mạnh của những câu chuyện nhân văn càng lớn.
“Thông qua từng câu chữ, chúng ta có thể di chuyển đến nơi diễn ra câu chuyện bởi trí tưởng tượng của mình và nhìn thấy thế giới đa dạng cùng nhân vật chính. Hiện, dịch bệnh khiến việc đi lại tự do còn hạn chế, nhưng tôi tin độc giả có thể du lịch bằng nhiều cách khác nhau cùng với Truyện ngắn đương đại Hàn Quốc tập 2”, ông Choi Jae-jin bày tỏ.
Một số diễn giả tham dự sự kiện trực tiếp tại ĐH Văn Lang (TP.HCM). Ảnh: Quỳnh My. |
Giao thoa văn hóa Việt - Hàn
TS Nguyễn Thị Hiền - Phó Viện trưởng Viện Ngôn ngữ (ĐH Văn Lang, TP.HCM), đồng chủ biên bộ sách - chia sẻ: “Văn học là cánh cửa để chúng ta thấy được những nét đặc trưng về văn hóa, xã hội của một quốc gia. Một tác phẩm về bất kỳ quốc gia nào cũng như một mật mã giúp ta bước vào tìm hiểu vùng đất đó”.
Khi thực hiện tác phẩm này cùng các cộng sự của mình, TS Nguyễn Thị Hiền cho biết bà như được đắm chìm trong từng câu chuyện.
Một điều thú vị trong các truyện ngắn được tuyển chọn để đưa vào bộ sách lần này là hình ảnh “một thoáng Việt Nam” đâu đó đan cài giữa những tình tiết truyện. Đó là một quán ăn Việt Nam mà nhân vật thường ghé qua hay cô dâu Việt trong lời thoại của các nhân vật.
Theo TS Nguyễn Thị Hiền, tập 1 của bộ sách ít chứa bóng dáng Việt Nam. Đến tập 2, yếu tố Việt Nam “ồ ạt xuất hiện”. Điều đó được thể hiện qua những câu chuyện về văn hóa.
Nhưng có lẽ, vượt lên trên hết, thông điệp mà các tác giả muốn truyền tải là tầm quan trọng của sự giao tiếp giữa con người với nhau. Trong những tháng ngày chúng ta đang trải qua, thông điệp này càng trở nên ý nghĩa.
Với việc ra mắt Truyện ngắn đương đại Hàn Quốc tập 2, GS.TS Phan Thị Thu Hiền hy vọng rằng bộ sách sẽ tìm được những niềm tâm đắc từ đông đảo độc giả Việt Nam, góp phần tăng cường hiểu biết lẫn nhau, xúc tiến quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam và Hàn Quốc.