Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sức hút của văn học Hàn Quốc

“Xứ sở kim chi” không chỉ thu hút giới trẻ Việt Nam bằng Kpop hay những series phim tình cảm, mà còn bởi một số tác phẩm văn học phản ánh hiện thực, giàu tính nhân văn.

Năm 2021, Viện Dịch thuật Văn học Hàn Quốc (tiền thân là Quỹ Dịch thuật văn học Hàn Quốc - LTI Korea) kỷ niệm 25 năm thành lập. Sứ mệnh của tổ chức này là quảng bá văn chương của đất nước ra thế giới.

Những năm gần đây, độc giả Việt Nam cũng tỏ ra thích thú với nhiều tác phẩm văn học dịch từ “xứ sở kim chi”. Ngày càng có nhiều cuốn sách được mua bản quyền, chuyển ngữ và xuất bản trong nước, giúp bạn đọc khám phá văn hóa, văn học Hàn Quốc dễ dàng hơn.

Van hoc Han Quoc anh 1

Tuyển tập những truyện ngắn đặc sắc của văn học đương đại Hàn Quốc. Ảnh: Quỳnh My.

Đưa văn chương Hàn Quốc về Việt Nam

Trộm hay lời thú tội của một chiếc gai, Thang cao màu xanh, Chuyện đời Sương hay Hoàng hôn đỏ rực là những tác phẩm văn học Hàn Quốc nhận được sự chú ý của độc giả khi có mặt tại thị trường Việt Nam.

Là đơn vị mua bản quyền nhiều cuốn sách từ đất nước này, Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam còn tổ chức cuộc thi “Điểm sách văn học Hàn Quốc” với sự tài trợ của Viện Dịch thuật Văn học Hàn Quốc. Hình thức dự thi là bài viết, vẽ, clip hoặc audio. Cuộc thi nhận được sự hưởng ứng đông đảo của bạn đọc trong nước, là minh chứng cho sức hút của văn học Hàn Quốc.

Cuối tháng tư vừa qua, Hội đồng Văn học dịch chính thức ra mắt tại TP.HCM. Dịch giả, nhà văn Hiền Nguyễn - Chủ tịch Hội đồng Văn học dịch - nói một trong số nhiệm vụ đầu tiên của hội đồng chuyên môn này là lập nên đội ngũ và hỗ trợ các dịch giả tại Việt Nam, từ đó thúc đẩy việc quảng bá văn chương bằng cách dịch các tác phẩm nổi bật, tổ chức chương trình giao lưu, tọa đàm văn học.

“Việc xây dựng thư viện văn học dịch là điều cần thiết, góp phần tạo tiền đề phát triển các nền tảng giới thiệu văn học như một kênh giao lưu hiệu quả”, dịch giả Hiền Nguyễn chia sẻ.

Trong buổi giao lưu trực tuyến với độc giả Việt Nam về tuyển tập Truyện ngắn đương đại Hàn Quốc, bà Ko Ji-hyeong - Viện trưởng Viện Giáo dục Hàn Quốc tại TP.HCM (thuộc Bộ Giáo dục Hàn Quốc) - nói văn học là một lĩnh vực giúp bạn đọc thế giới nâng cao hiểu biết về nền văn hóa của “xứ sở kim chi”.

Cũng trong buổi giao lưu này, bà Đinh Thị Thanh Thủy - Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM - cho biết những năm gần đây, giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và Hàn Quốc không ngừng diễn ra thông qua các tác phẩm văn học.

Van hoc Han Quoc anh 2

Cuốn sách kể về hành trình hòa nhập cuộc sống của một cô dâu Việt Nam ở Hàn Quốc. Ảnh: NXB Phụ nữ Việt Nam.

Khám phá văn hóa, xã hội Hàn Quốc

Trong số các tác phẩm văn học Hàn Quốc có mặt tại Việt Nam, có một số cuốn đã giành được giải thưởng danh giá trước đó. Chẳng hạn Người ăn chay (The Vegetarian) của tác giả Han Kang giành giải Booker Quốc tế và giải “Lee Sang Changbi Publishers”.

Tác phẩm gồm 3 truyện ngắn độc lập. Góc nhìn của các nhân vật khác nhau tạo nên thay đổi trong từng câu chuyện. Trong khi đó, tác giả Han Kang đóng vai trò giải mã những vùng tăm tối nhất trong họ, từ khát khao bình thường đến những chấn thương khó chữa lành.

Tiếp nối Truyện ngắn đương đại Hàn Quốc tập 1, cuối năm 2021, tập 2 của ấn phẩm này ra mắt bạn đọc trong nước, mang đến những truyện ngắn đặc sắc với chủ đề đa dạng, trải rộng cả về bối cảnh thời gian và không gian. Đọc từng trang truyện, độc giả sẽ được trải qua từng cung bậc cảm xúc với tinh thần nhân văn sâu sắc.

Tại buổi lễ ra mắt cuốn sách này, TS Nguyễn Thị Hiền - dịch giả, đồng chủ biên bộ sách - chia sẻ: “Văn học là cánh cửa để chúng ta thấy được những nét đặc trưng về văn hóa, xã hội của một quốc gia. Một tác phẩm về bất kỳ quốc gia nào cũng như một mật mã giúp ta bước vào tìm hiểu vùng đất đó”.

Một trong những tác phẩm nhận được sự chú ý của bạn đọc trong nước là tiểu thuyết Chuyện đời Sương (đoạt giải Văn học Sechong và giải Tác phẩm xuất sắc của thành phố Busan, Hàn Quốc).

Chuyện kể về hành trình làm quen và hòa nhập cuộc sống của một cô dâu Việt Nam ở Hàn Quốc. Đây không phải đề tài mới mẻ nhưng lại được viết theo một cách rất đặc biệt: Đặt nhân vật vào các tình huống thử thách để họ từ tìm hướng giải quyết rắc rối của mình.

Bà Trương Ngọc Lan - đại diện Phòng Truyền thông, Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam (đơn vị thực hiện nhiều cuốn sách về Hàn Quốc) - đánh giá văn học xứ sở này cho thấy một “gương mặt” khác so với “gương mặt” mà chúng ta vẫn thường thấy trên màn ảnh.

“Điện ảnh lãng mạn, nhiều soái ca bao nhiêu thì phần lớn sách văn học mà Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam chọn in và phát hành lại phơi bày những sự thật trần trụi về cuộc sống thường nhật bấy nhiêu, bên cạnh đó là những góc khuất trong tâm hồn người Hàn”, bà Ngọc Lan nói.

Những tác phẩm văn học như Sinh năm 1982, Chuyện đời Sương, Lời nói dối hoa mỹ, Bánh xốp... cho độc giả trong nước thấy rõ nhiều góc nhìn khác nhau về đất nước Hàn Quốc, từ trong gia đình, trường học, ra ngoài xã hội.

Theo bà Ngọc Lan, văn học Hàn Quốc nhìn chung không lôi cuốn độc giả ở tính văn chương, mà ở tính thời sự. Nói cách khác, văn học đất nước này phản ánh thực trạng xã hội.

“Mảng văn học Hàn Quốc không chỉ góp phần làm phong phú thị trường sách trong nước mà còn giúp độc giả có thêm sự hiểu biết về một trong những nước châu Á có ảnh hưởng nhiều tới Việt Nam”, đại diện Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam nói thêm.

Chuyến du hành của những nỗi buồn trong sắc 'Trắng'

Nhà văn Hàn Quốc Han Kang phủ trắng cuốn sách cùng tên của mình bằng nỗi buồn và hoài niệm.

Người Hàn Quốc đọc nhiều sách giáo dục trong mùa dịch Covid-19

Covid-19 kéo dài, mọi người ở nhà, đọc sách nhiều hơn dẫn đến một số thay đổi trong xu hướng bán sách ở Hàn Quốc.

Thu Huệ

Bạn có thể quan tâm