Mykhailo Podolyak - cố vấn chủ chốt của Tổng thống Volodymyr Zelensky - đã đưa ra danh sách yêu cầu phương Tây viện trợ vũ khí mà Financial Times gọi là “táo bạo”. Ukraine mong chi viện của phương Tây sẽ giúp nước này giải quyết tình trạng thiếu vũ khí và đẩy lùi lực lượng Nga ở khu vực miền Đông.
“Nói thẳng ra, để kết thúc chiến sự, chúng tôi cần có vũ khí hạng nặng tương đương (Nga)”, ông Podolyak viết trên Twitter hôm 13/6, trong đó liệt kê 1.000 lựu pháo cỡ 155 mm, 300 hệ thống tên lửa phóng loạt và 500 xe tăng.
Các quan chức cấp cao của Ukraine đã thẳng thừng thông báo về những vũ khí họ cần để giành ưu thế trên chiến trường với hy vọng sẽ đẩy nhanh tiến trình viện trợ. Động thái này diễn ra ngay trước cuộc họp của bộ trưởng Quốc phòng các nước phương Tây vào ngày 15/6 tới, theo Financial Times.
Ukraine cần nhiều hơn nữa
Các nước phương Tây cam kết hoặc đã viện trợ hàng loạt lô hàng nhân đạo và quân sự kể từ khi Moscow tấn công Ukraine hơn 100 ngày trước. Tuy nhiên, số tiền cam kết viện trợ không chi quá nhiều vào thiết bị quân sự, một phần là do các vấn đề về hậu cần và huấn luyện quân đội.
“Trong nhiều tháng nay, Mỹ và các đồng minh khác đã nắm rõ tình hình”, Andriy Zagorodnyuk - cựu Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine, cố vấn cho chính phủ về an ninh - cho biết, đề cập tới việc lực lượng của Kyiv không nhận đủ hỗ trợ để giành chiến thắng. “Tôi thực sự hy vọng chúng tôi sẽ nghe thấy điều gì đó vào ngày 15/6 này”.
Hồi cuối tháng 4, giới chức quốc phòng từ hơn 40 quốc gia đã nhóm họp tại căn cứ không quân Ramstein (Đức) để cam kết về các gói viện trợ vũ khí hạng nặng mới cho Ukraine. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin khi đó đảm bảo các nước phương Tây sẽ “lay trời chuyển đất” để cung cấp vũ khí giúp Ukraine phòng vệ.
Một vòng nhóm họp khác có tính chất tương tự sẽ diễn ra vào ngày 15/6, bên lề cuộc họp của bộ trưởng Quốc phòng các nước thành viên NATO.
Số tiền cam kết hỗ trợ Ukraine của một số nước, tính từ ngày 24/1-10/5, đơn vị tỷ USD. Đồ họa: Financial Times. |
Ukraine đang thiếu các loại thiết bị cơ bản như đạn pháo. Kho dự trữ đạn pháo cỡ 152 mm mà nước này sử dụng cho pháo thời Liên Xô đã cạn kiệt, khiến lính Ukraine phải dựa vào thiết bị 155 mm của NATO.
Bộ trưởng Quốc phòng Oleksii Reznikov cho biết Ukraine hiện có nguồn cung cấp đạn pháo 155mm dồi dào, nhưng không đủ lượng pháo binh để sử dụng đạn.
Ông Podolyak ước tính Ukraine cần 1.000 khẩu lựu pháo 155 mm. Tuy nhiên, phương Tây chỉ cung cấp hoặc cam kết cung cấp khoảng 250 khẩu, theo tổ chức tình báo có nguồn tin mở Oryx.
Cuối tuần vừa rồi, Tổng tư lệnh Ukraine, Tướng Valerii Zaluzhnyi, đã bày tỏ mong muốn "cung cấp viện trợ quân sự nhiều hơn và nhanh hơn" tới Mark Milley - Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ. Ông liên tục nhắc lại nhu cầu của Kyiv về việc cần nhận "nhiều hệ thống lựu pháo 155 mm trong thời gian ngắn nhất có thể".
Không chỉ có lựu pháo, Nga và Ukraine cũng chênh lệch về các loại vũ khí hạng nặng khác, chẳng hạn như xe tăng hoặc hệ thống phóng tên lửa phóng loạt. Đầu tháng này, Mỹ và Anh đã cam kết một số hệ thống tên lửa hạng nặng MRLS tiên tiến cho Ukraine.
“Việc sử dụng pháo thành thạo giúp Ukraine phòng thủ trước Nga", một quan chức quốc phòng phương Tây giấu tên cho hay. "Họ đang thể hiện sự khéo léo tuyệt vời trong việc tích hợp công nghệ dân sự mới, chẳng hạn như hệ thống vệ tinh Starlink của Elon Musk, để ứng dụng hoạt động trên chiến trường".
Tuy nhiên, vấn đề nguồn cung vũ khí và đạn dược của họ gặp vấn đề rất nghiêm trọng, ông nói thêm.
Trong chương trình theo dõi xung đột hàng ngày, Rochan - công ty tư vấn quân sự - viết họ tin rằng việc Ukraine công bố tỷ lệ binh lính thương vong hàng ngày, cùng với liên tục kêu gọi chi viện quân sự, là nhằm "buộc phương Tây phải đẩy nhanh tiến độ".
Khó khăn sẽ ngày càng tăng?
Mặc dù vậy, các quan chức quốc phòng và giới phân tích nhận định Ukraine sẽ cần thêm vũ khí và thời gian để đào tạo lực lượng dự bị nếu muốn duy trì cuộc chiến.
Michael Kofman - Trưởng nhóm phân tích về Nga tại Viện Nghiên cứu CNA ở Mỹ - nói rằng nguyên nhân dẫn đến những khó khăn mà Ukraine phải đối mặt nằm ở vấn đề về nguồn cung của chính phương Tây. Một số nước không sẵn sàng cung cấp vũ khí và thời gian cần thiết để chuyển lô vũ khí này ra chiến trận, hoặc dạy lính Ukraine cách sử dụng.
Số lượng vũ khí các nước cam kết chuyển hoặc đã chuyển cho Ukraine, so sánh với số lượng mà Ukraine cần. Đồ họa: Financial Times. |
Ông nói thêm rằng dù phương Tây đã viện trợ rất nhiều vũ khí cho Ukraine, khó khăn trong việc đồng bộ và sử dụng vũ khí sẽ ngày càng tăng, ví dụ như "bảo trì các loại thiết bị này".
Các nhà phân tích cho rằng những vấn đề này đang khiến gợi cho Moscow "cảm giác nước này có thể giành chiến thắng". Sự khác biệt trong cách các nước phương Tây viện trợ, cùng với bước tiến mà Nga đạt được Donbas cũng củng cố thế cảm giác này, theo vị cố vấn quốc phòng.
Phương Tây cũng đang phải vật lộn để đối phó với cuộc khủng hoảng giá cả sinh hoạt, cùng lúc nhiều quốc gia châu Âu hiện tiếp nhận lượng lớn người tị nạn Ukraine. Chiến sự ở Ukraine đã gây ra nỗi đau kinh tế cho phương Tây, đẩy giá năng lượng và thực phẩm cao hơn.
Điều này nghiêm trọng tới mức "các nhà lãnh đạo phương Tây đang xem xét cách thuyết phục ông ấy (tổng thống Nga) cho phép Ukraine xuất khẩu ngũ cốc - một đòn bẩy quyền lực có giá trị", theo cố vấn quốc phòng giấu tên.