Hôm 13/6, Mykhailo Podolyak, cố vấn chủ chốt của tổng thống Ukraine, viết trên Twitter rằng Ukraine cần “vũ khí hạng nặng” để đẩy lùi Nga và kết thúc xung đột. Theo ông, điều này có nghĩa là Ukraine cần 300 hệ thống pháo phản lực phóng loạt (MLRS). Trước đó, hơn 7 hệ thống đã được Mỹ và Anh cam kết cung cấp, theo Guardian.
Danh sách mà ông Podolyak đưa ra cũng bao gồm 1.000 lựu pháo theo tiêu chuẩn 155 mm của NATO. Con số này nhiều hơn gấp nhiều lần so với những yêu cầu được đưa ra trước đây. Trước đó, cho đến cuối tháng 5, nước viện trợ vũ khí hàng đầu cho Ukraine là Mỹ đã gửi đến nước này 109 khẩu lựu pháo.
Cuộc họp đặc biệt của bộ trưởng quốc phòng nhiều nước do Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin chủ trì sẽ diễn ra vào ngày 15/4 tại Brussels. Cuộc họp nhằm mục đích thảo luận về việc viện trợ vũ khí trong thời gian tới. Đây là lần thứ ba cuộc họp thế này được tổ chức kể từ khi chiến sự ở Ukraine bùng nổ.
Vũ khí do Mỹ viện trợ đến sân bay Boryspil của Ukraine. Ảnh: Reuters. |
Cuộc họp được diễn ra vào thời điểm quân đội Ukraine đang cố gắng chống lại cuộc tấn công dữ dội của Nga vào khu vực phía đông Donbass. Chỉ trong vài ngày, 200 binh sĩ thiệt mạng trong trận giao tranh được xem là khốc liệt nhất ở châu Âu kể từ khi Thế chiến II kết thúc.
Trong bối cảnh đầy áp lực như vậy, cuộc họp có một ý nghĩa đặc biệt đối với Ukraine. Nước này muốn được chuyển giao một lượng vũ khí đáng kể một cách nhanh chóng để có thể đẩy lùi quân đội Nga trước khi thời tiết thay đổi.
Một số chuyên gia cho rằng dòng tweet của ông Podolyak là một hành động thông minh nhưng cũng đầy rủi ro trong thương lượng. Đồng thời, nhiều người cũng nghi ngờ việc vận động hành lang công khai như vậy có thể phản tác dụng, đặc biệt là với các quốc gia như Đức.
Trước đó, Đức đã nhiều lần lưỡng lự trong việc viện trợ vũ khí và viện trợ chậm hơn so với Mỹ và Anh mặc dù nước này đã tuyên bố công khai về kế hoạch viện trợ.
Cả trước và khi bắt đầu xung đột, các nước phương Tây cho biết họ sẽ chỉ cung cấp "vũ khí phòng thủ" cho Ukraine để ngăn chặn một cuộc tấn công. Tuy nhiên, việc Nga ngày càng chiếm được nhiều vùng lãnh thổ ở phía đông và phía nam của Ukraine đã thúc đẩy nhiều nước phương Tây thay đổi quan điểm của mình.