Sáng 12/12 tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận, phê bình Văn học, nghệ thuật Trung ương tiến hành tổ chức Hội thảo khoa học "Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Việt Nam 50 năm sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất, đổi mới: thực trạng và định hướng phát triển".
Ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, nhận định đây là hội thảo quan trọng, được tổ chức vào thời điểm hết sức có ý nghĩa, khi chúng ta đang quán triệt và triển khai Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới.
Những thành tựu của lý luận, phê bình văn học nghệ thuật
Đánh giá những thành tựu đã đạt được, ông Nguyễn Xuân Thắng khẳng định cùng sáng tác văn nghệ, lý luận văn hóa - văn nghệ nước ta đã có những bước phát triển mới theo hướng dân tộc, dân chủ, khoa học, hiện đại và hội nhập.
Nhiều công trình lý luận văn nghệ cả cổ điển và hiện đại của nhân loại đã được dịch và giới thiệu; những vấn đề về đặc trưng, bản chất, giá trị, vai trò, chức năng và các mối quan hệ của văn nghệ được nghiên cứu, kiến giải một cách khách quan, khoa học và có luận cứ thuyết phục hơn.
"Phê bình văn học, nghệ thuật đã góp phần phát hiện, giới thiệu đến với công chúng nhiều tác giả, tác phẩm văn học nghệ thuật hay; phát hiện cái hay, cái đẹp về nội dung và hình thức của tác phẩm nghệ thuật; hướng dẫn công chúng thưởng thức nghệ thuật; tạo cầu nối giữa văn nghệ sĩ với công chúng; động viên, cổ suý và khích lệ những tìm tòi, sáng tạo", ông Nguyễn Xuân Thắng nói.
Ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu tại hội thảo. |
Tuy nhiên, cũng theo ông, trong thời gian qua, đời sống văn nghệ chưa tương xứng với vị thế, tầm vóc và những đổi thay nhanh chóng của đất nước. Số lượng tác phẩm lớn, có giá trị cao còn khiêm tốn; lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật chưa bắt kịp với yêu cầu định hướng sáng tác, sáng tạo phục vụ nâng cao chất lượng của đời sống tinh thần và thực hiện các nhiệm vụ chính trị trọng tâm.
Những hạn chế, bất cập này cần phải được nghiên cứu, nhận diện đầy đủ, chính xác, từ đó đề ra những quyết sách phù hợp, hiệu quả để khắc phục, điều chỉnh kịp thời.
Ông Nguyễn Xuân Thắng đề nghị Hội đồng Lý luận, phê bình Văn học, nghệ thuật Trung ương sớm hoàn thành việc xây dựng hệ giá trị văn học, nghệ thuật Việt Nam vừa mang tính phổ cập nhân loại, vừa mang bản sắc dân tộc để phát huy vai trò của lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trong việc đề ra tiêu chí thẩm định là thước đo giá trị, để đồng hành cùng sáng tạo và tiếp nhận những giá trị nhân văn, tiến bộ; cổ vũ nỗ lực tìm tòi, sáng tạo nghiêm túc; đồng thời nghiêm khắc phê phán những biểu hiện thị hiếu tầm thường, dung tục, các quan điểm sai trái trong hoạt động sáng tạo và tiếp nhận văn nghệ.
Ông cũng cho rằng công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật cần góp phần tích cực hơn nữa nhằm nâng cao nhận thức về vai trò của văn hoá, văn nghệ đối với phát triển; đặt văn hóa, văn nghệ đúng vị trí, thật sự xứng tầm trong các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hoá và thị trường văn hoá phát triển; cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoàn thiện thể chế, pháp luật, chính sách tạo môi trường thuận lợi cho các hoạt động văn hoá, văn nghệ và huy động nguồn lực cho phát triển văn hoá, văn nghệ, con người.
Phát triển đội ngũ lý luận, phê bình
Tại hội thảo, các nhà quản lý văn hóa, văn nghệ; các nhà lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật tích cực đưa ra ý kiến, trình bày tham luận trong hai phiên.
Tham luận với chủ đề "Phê bình văn học hôm nay - một hình dung sơ bộ về thực trạng", giáo sư Phong Lê nhận định thực trạng phê bình hiện nay gắn bó trực tiếp với hoạt động báo chí. Lý luận, phê bình trong đời sống nghiên cứu và giảng dạy ở các viện và học đường ít có tác động đến công chúng.
Quang cảnh hội thảo khoa học diễn ra sáng 12/12 tại Hà Nội. |
Trước vấn đề thiếu đội ngũ lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật, nghệ sĩ nhân dân Lê Tiến Thọ cho rằng cần có đề án quy hoạch và phát triển công tác lý luận, phê bình; có chính sách đầu tư, chế độ nhuận bút cho những bài viết, tác phẩm lý luận, phê bình có chất lượng; các cơ quan quản lý Nhà nước, các Hội chuyên ngành cần có cơ chế bảo vệ các nhà lý luận phê bình; cần kiện toàn tổ chức nhằm nâng cao hiệu quả của lý luận phê bình ở các hội văn học nghệ thuật chuyên ngành trung ương và địa phương.
Về hoạt động lý luận, phê bình nhiếp ảnh, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Quốc Dũng trong tham luận "Lý luận, phê bình nhiếp ảnh Việt Nam - 50 năm sau ngày đất nước hòa bình thống nhất" cho rằng đội ngũ lý luận phê bình cần được tăng cường và trẻ hóa, phải có đủ cả "lượng" và "chất", đặc biệt cần làm mới lại chính bản thân mình cũng như cập nhật kiến thức mới phục vụ công tác lý luận phê bình.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho ZNews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. ZNews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.