Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Đánh giá sự cố metro 1 phải dựa trên các thông số khoa học'

Lãnh đạo MAUR xác nhận nhà thầu đã gửi hồ sơ ban đầu về sự cố metro cho đơn vị. MAUR vẫn đang đánh giá lại để có kết luận khách quan nhất.

Ngày 11/12, Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) tiếp tục quá trình điều tra nguyên nhân sự cố trượt gối dầm tuyến metro số 1. Trong đó, việc thiết lập đội ngũ chuyên gia nghiên cứu từ nhiều sở ngành của thành phố được ưu tiên hàng đầu.

Trao đổi với Zing về việc chậm báo cáo của nhà thầu, ông Huỳnh Hồng Thanh, Phó trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, cho biết liên danh Sumitomo-Cienco 6 (SCC) đã gửi đơn vị hồ sơ ban đầu vào hôm 6/12. MAUR đang có bước kiểm tra lại nhằm đưa ra nhận định khách quan nhất.

"Chúng tôi đặt vấn đề an toàn của tuyến metro lên trên hết. Mọi đánh giá lúc này đều phải dựa trên thông số có tính toán khoa học, chính xác nhất. Khi có đầy đủ dữ liệu, chúng tôi mới có thể đưa ra kết quả. Tập thể MAUR và nhà thầu đang nỗ lực để đưa ra nguyên nhân sớm nhất" ông Huỳnh Hồng Thanh nói.

metro anh 1

Toàn hệ thống tuyến metro số 1 đã được rà soát, kiểm tra sau sự cố. Ảnh: Duy Hiệu.

Lãnh đạo MAUR cho rằng tất cả sự cố khi xảy ra trên công trình đều nguy hiểm nếu không được khắc phục. Ông Thanh đồng thời cũng xác nhận tiến độ metro số 1 bị chậm trễ nhưng sẽ được rút ngắn ở các bước sau.

Đại diện Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM khẳng định vị trí sự cố không ảnh hưởng đến các tiến trình khác của tuyến. Tuy nhiên, đơn vị đã rà soát lại toàn bộ hệ thống để không xảy ra trục trặc tương tự.

Tối qua, Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM đã có văn bản khẩn đề nghị UBND TP.HCM lập tổ điều tra sự cố metro số 1. Tổ điều tra gồm các chuyên gia nghiên cứu của Sở Xây dựng, Sở GTVT thành phố, Hội Cầu đường cảng TP.HCM, Đại học GTVT. Dự kiến, tổ này sẽ làm việc trong 60 ngày và tự giải thể sau khi tìm ra nguyên nhân vụ việc.

Cuối tháng 10, trong lần kiểm tra định kỳ, MAUR phát hiện phần gối cao su (gối trái theo hướng từ Bến Thành đi Suối Tiên) của dầm cầu cạn lắp đặt năm 2016 bị rơi ra ngoài. Việc này khiến đường ray đã lắp phía trên hư hỏng, mất liên kết với hệ thống đỡ ở dưới, bê tông đệm đường ray cùng vị trí bị nứt vỡ.

Hội đồng nghiệm thu Nhà nước đã gửi văn bản chỉ đạo, đề nghị MAUR, nhà đầu tư báo cáo nguyên nhân sự cố, đề xuất giải pháp khắc phục.

Metro số 1 dài 19,7 km, từ Bến Thành (quận 1) đến depot Long Bình, có tổng vốn đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng. Công trình có 14 nhà ga, gồm 3 ga ngầm và 11 ga trên cao. Đến tháng 11, công trình đạt hơn 78% tổng khối lượng. Thành phố đặt mục tiêu cuối năm nay, dự án đạt 85% khối lượng và đưa vào khai thác cuối năm 2021.

Đề nghị điều tra sự cố trượt gối dầm metro số 1

Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM đề nghị các sở, ban, ngành của thành phố vào cuộc, lập tổ điều tra nhằm tìm hiểu nguyên nhân sự cố trượt gối dầm metro số 1.

Thư Trần

Bạn có thể quan tâm