Reno3 Pro không cần có kiểu dáng đột phá như người tiền nhiệm. Tuy nhiên, những nâng cấp bên trong cũng đủ để khiến máy trở thành đối thủ nặng ký trong phân khúc smartphone cận cao cấp.
Nếu có dành thời gian để quan sát về thị trường smartphone Việt, bạn sẽ dễ dàng nhận ra các hãng chỉ tập trung đánh vào phân khúc giá rẻ, tầm trung vì nó phù hợp với túi tiền của đa số người dùng. Ngoài ra, phân khúc cao cấp cũng được các hãng Android liên tục "dội bom" để làm thương hiệu hay muốn giành lại thị phần từ những mẫu iPhone.
Trong khi đó, đường đua dành cho phân khúc cận cao cấp không được nhiều vận động viên tham gia và Oppo hiện tại cầm cờ dẫn đầu. Oppo giới thiệu mẫu Reno đầu tiên vào tháng 6/2019. Đây là dòng sản phẩm mới, hướng đến người dùng trẻ với thiết kế đẹp, màn hình tràn viền, camera trượt “vây cá mập”. Theo số liệu GfK tháng 9/2019, Oppo Reno đứng vị trí thứ 3 trong bảng xếp hạng smartphone bán chạy nhất phân khúc 10-15 triệu đồng.
Để gia tăng khả năng cạnh tranh trong nhóm cận cao cấp ở nửa đầu 2020, Oppo tung ra mẫu Reno3 Pro với một số nâng cấp như camera chính lên đến 64 MP, camera selfie kép và công nghệ sạc siêu nhanh VOOC 4.0.
Lần gần nhất một chiếc smartphone có thể khiến tôi “trầm trồ” về thiết kế chính là Oppo Reno ra mắt năm 2019. Đây là smartphone đầu tiên có camera trượt dạng “vây cá mập”, cách thiết kế mang đến cảm giác chắc chắn và hoàn toàn khác biệt với kiểu dáng của các model khác lúc bấy giờ. Bên cạnh đó, khi đóng lại, máy mang đến màn hình tràn viền, chiếm gần trọn mặt trước.
Tuy nhiên cụm camera trượt của thiết bị rất dễ bám những hạt bụi li ti và khó lau chùi. Bên cạnh đó, âm thanh khi “thò thụt” của máy sẽ hơi phiền nếu bạn là một người không thích gây sự chú ý.
Reno3 Pro không mang cho tôi nhiều cảm giác hào hứng trong lần gặp đầu tiên. Nguyên nhân vì máy không còn camera trượt thay vào đó là màn hình đục lỗ chứa camera selfie kép 44 MP và 2 MP. Đây rõ ràng là kiểu thiết kế không quá mới lạ trong năm 2020.
Vậy, điều gì đã khiến Oppo đánh đổi kiểu dáng đặc trưng trên Reno mới. Theo tôi, có thể hệ thống camera thò thụt chiếm quá nhiều không gian trong máy. Khi nhà sản xuất cố gắng nhồi nhét mọi thứ vào một thân hình nhỏ, các giải pháp tối ưu, tiết kiệm không gian nhất sẽ được lựa chọn.
Với không gian nhỏ bé ấy, họ có thể tăng dung lượng pin, trang bị thêm ăng-ten giúp máy bắt sóng tốt hơn. Oppo Reno có dung lượng pin 3.765 mAh đến Reno3 Pro con số này được tăng lên 4.050 mAh. Sản phẩm mới của Oppo vẫn có thể đáp ứng thoải mái các nhu cầu cơ bản hơn một ngày.
Bên cạnh đó, Oppo Reno3 Pro còn được trang bị công nghệ sạc nhanh VOOC 4.0. Theo Oppo, công nghệ này có thể sạc 50% pin cho máy trong vòng 20 phút.
Để xem, liệu những con số Oppo đưa ra có chính xác không, tôi đã kiểm tra. Cụ thể, tôi sạc máy vào lúc 10h từ 0% đến 10h20 phút, thiết bị sạc 48% pin. Như vậy, con số này khá sát với Oppo đưa ra. Reno3 Pro đã dành ngôi vị smartphone sạc nhanh nhất trong phân khúc cận cao cấp.
Công nghệ VOOC 4.0 trên Reno3 Pro thực sự tiện lợi vì tôi không cần phải dành thời gian quá nhiều để sạc máy. Để dễ hình dung, nếu bạn nhắn tin, chơi game vào buổi tối, đến sáng phát hiện máy hết pin thì chỉ cần cắm sạc trong lúc vệ sinh và đến khi chuẩn bị đi làm, sản phẩm đã có 50% pin.
Như vậy, sự đánh đổi ở thiết kế trên Reno3 Pro khá đáng giá. Người dùng sẽ không còn cảm giác khó chịu khi phải vệ sinh bụi bẩn cho camera trượt. Phần màn hình đục lỗ vẫn cho khả năng hiển thị tràn viền và không ảnh hưởng nhiều đến quá trình sử dụng.
Khi nhắc đến các sản phẩm của Oppo, người dùng thường nghĩ đến khả năng chụp ảnh selfie với độ phân giải cao kèm nhiều chế độ làm đẹp. Oppo Reno có camera selfie 16 MP, đến Reno 3 Pro, con số này được nâng lên thành 44 MP và 2 MP. Smartphone mới của Oppo trở thành model có camera selfie độ phân giải cao nhất hiện nay.
Chế độ selfie 44 MP trên máy có thể tạo ra những bức ảnh selfie độ nét cao, chất lượng không thua gì camera sau. Máy cũng được tích hợp công nghệ AI để tự động làm mịn da, chỉnh sửa chi tiết trên khuôn mặt, thay đổi độ sáng, màu sắc cho phù hợp. Về cơ bản, tôi hài lòng với camera selfie của máy, chỉ cần đưa lên và chụp, ảnh cho ra dư sức để đăng lên mạng xã hội mà không cần tốn nhiều thời gian chỉnh sửa hay dùng đến những ứng dụng bên thứ 3.
Bên cạnh đó, tính năng Siêu chụp đêm trên smartphone mới của Oppo thật sự không làm tôi thất vọng. Để dùng tính năng này, bạn cần giữ chắc máy, chụp trong khoảng 3 giây. Thiết bị sẽ hoàn thành một quy trình bao gồm chụp liên tiếp, kích hoạt HDR và cuối cùng dùng thuật toán để phân tích, cân bằng ánh sáng. Kết quả, dù chụp trong điều kiện ánh sáng yếu hay ban đêm ảnh vẫn cho ra có độ sáng cao, ít bị noise.
Reno3 Pro có hệ thống 4 camera bao gồm một camera chính 64 MP, ống kính góc siêu rộng 120 độ, 8 MP, camera tele 13 MP và ống kính đơn sắc 2 MP. Oppo không chạy theo trào lưu đặt camera trong hình vuông, hầm hố. Thay vào đó, hệ thống camera đặt dọc, thanh mảnh hơn.
Máy có thể zoom lai 5x và zoom kỹ thuật số 20x. Tôi nghĩ Oppo hoàn toàn có thể mang camera zoom xa lên máy như cách hãng đã từng làm với Oppo Reno 10x Zoom (zoom kỹ thuật số 50X). Tuy nhiên, điều này đã không xảy ra. Rõ ràng, nếu máy có thêm khả năng zoom xa thì vẫn tốt hơn, đáp ứng cho những người dùng thích khám phá các góc chụp mới mẽ.
Zoom lai 5X trên máy giúp tôi có thể lấy được những chi tiết ở khá xa khoảng 50 m mà không cần di chuyển đến. Chất lượng ảnh cho ra không quá cao nhưng các chi tiết vẫn thể hiện khá tốt, tôi có thể dùng nó để đăng tải lên mạng xã hội.
Là một người thích chụp ảnh phong cảnh vì thế tôi dùng nhiều nhất chế độ chụp góc rộng trên máy. Với góc rộng 120 độ, máy mô phỏng gần như chính xác góc nhìn của mắt người nên hình ảnh cho ra mang đến nhiều cảm xúc. Ảnh chụp từ Reno3 Pro chân thực, không quá rực và độ tương phản tốt.
Chế độ chụp chân dung đã được cải thiện nhiều trên Reno3 Pro. Một số cải thiện thuật toán giúp máy cho ra những bức ảnh có độ xóa phông mềm mại, chi tiết vùng tóc, áo quần được tách biệt và không có tình trạng lem nhem. Ngoài ra, phần da người cũng được xử lý trắng, sáng hơn.
Trong điều kiện thiếu sáng, tôi thường dùng đến chế độ chụp đêm trên Reno3 Pro. Người dùng cần phải cầm máy chắc tay trong khoảng 5 giây, ảnh cho ra có độ sáng cao, tăng chi tiết ở vùng tối và giảm nhiễu khá nhiều nếu so với chế độ chụp tự động.
Reno3 Pro được chạy trên nền Android 10 và tùy biến theo giao diện ColorOS 7.1. Giao diện này được thiết kế lại, các icon làm phẳng, ít chi tiết nên nhìn hiện đại hơn. Bên cạnh đó, Oppo còn cho phép người dùng tùy chỉnh kích thước, kiểu icon theo sở thích.
Giao diện ở trình gọi điện, thư viện, nhắn tin… đều được tận dụng nhiều khoảng trống, chia các tab nằm ở trên màn hình, còn các nội dung phía dưới. Cá nhân tôi thấy cách thiết kế này dễ nhìn, trực quan và không bị rối như một số giao diện khác.
ColorOS mới cũng cho phép ẩn các thanh điều hướng thay bằng thao tác vuốt, nhanh chóng và tiện lợi. Oppo Share là một trong những tính năng tôi thích trên máy. Nó giúp chuyển file nhanh chóng giữa các máy Oppo.
Oppo Reno3 Pro được trang bị chip MediaTek Helio P95, RAM 8 GB, bộ nhớ 256 GB. Sau gần một tháng dùng Reno3 Pro, máy vẫn không làm tôi khó chịu vì các thao tác đều đáp ứng nhanh và chưa có tình trạng lag.
Khi chơi các tựa game nặng như Call of Duty, Asphalt 9, thiết bị cho tốc độ vào game khá nhanh, những pha bắn súng hay va chạm xe đều được xử lý mượt mà. Máy có hiện tượng bị ấm lên nhẹ khi chơi game liên tục trong khoảng 30 phút.
Màn hình của thiết bị có kích thước 6,4 inch, độ phân giải Full HD+, tấm nền Super AMOLED. Màn hình này cho khả năng hiển thị nịnh mắt, độ sáng cao. Máy có thể đáp ứng tốt kể cả trong điều kiện ngoài trời nắng. Điều đáng tiếc, Oppo đã không trang bị tần số quét 90 Hz hoặc 120 Hz lên model này.
Với mức giá 14 triệu đồng, Oppo Reno3 Pro mang đến trải nghiệm tốt hơn ở màn hình tràn viền, công nghệ sạc nhanh VOOC 4.0, camera chất lượng cao cả trước và sau. Tuy nhiên, mặt lưng nhựa của máy mang đến cảm giác cầm nắm không cứng cáp bằng chất liệu kính trên một số smartphone cùng tầm giá.
Bình luận