“Đợi nhé, tháng 11 sẽ có trò hay”, một người làm việc tại Oppo nói với tôi vài tháng trước khi chiếc F5 ra mắt. Khi đó, tất nhiên tôi chưa biết đến sản phẩm này và cũng không hình dung ra “trò hay” đó là như thế nào.
Khi những thông tin rò rỉ về sản phẩm xuất hiện - màn hình full view, nhận diện khuôn mặt, tôi bắt đầu nghĩ “có lẽ là trò hay thật”. Mặc dù vậy, tôi khá lo ngại về việc giá bán của máy sẽ tăng cao so với những di động đời trước như F1s hay F3.
Thực tế, Oppo đã khéo léo tìm cách cắt giảm một số chi phí để cho ra mắt một chiếc di động với màn hình tràn viền 6 inch, nhiều công nghệ mới và giữ lại mức giá 7 triệu đồng. Hơi quá khi nói đây là một “quả bom” trên thị trường di động tầm trung nhưng rất có thể, đây sẽ là smartphone tạo ra xu hướng mới cho năm 2018. Thực tế, con số 35.000 đơn đặt hàng trong một tuần cho thấy sức hút của sản phẩm này.
Nếu trong năm sau, người dùng chỉ phải bỏ ra 6-7 triệu đồng đã có thể sở hữu những chiếc di động với màn hình tràn viền, họ sẽ nhớ đến công khai phá của Oppo.
Camera và màn hình - 2 điểm nhấn lớn nhất
Trong suy nghĩ của nhiều người, các mẫu di động của Oppo có thể không nổi bật, thiết kế không có nhiều điểm nhấn (mô phỏng iPhone khá nhiều) và bán chạy nhờ các chiến dịch marketing rầm rộ, tuy nhiên với tôi, hãng điện thoại Trung Quốc luôn khôn khéo, biết cách nhấn vào những gì giới trẻ thích, điển hình là camera selfie. Đánh vào 1-2 điểm nhấn chính và đẩy mạnh nó lên thành trào lưu là cách làm quen thuộc của Oppo.
Một người bạn nói với tôi rằng nếu không có Oppo, còn lâu người dùng Việt Nam mới có những chiếc di động selfie đẹp như hiện nay. Ngẫm đi ngẫm lại, thực tế đúng là như vậy.
Quay trở lại chiếc F5, hãng trang bị cho máy camera sau 16 megapixel, camera trước 20 megapixel. Camera selfie sở hữu công nghệ có tên AI Beautification. Thay vì nhận diện khuôn mặt chuẩn của bạn, camera sẽ phát hiện hơn 200 điểm nhận diện của khuôn mặt, bao gồm mắt, mũi, cằm, môi để phát hiện xem bộ phận nào cần “làm đẹp”. Oppo sau đó sử dụng dữ liệu về các đặc điểm khuôn mặt họ có sẵn để tạo ra những điều chỉnh cần thiết, sao cho kết quả cuối cùng tỏ ra tự nhiên nhất.
Kết quả là những bức ảnh selfie của smartphone này hoàn toàn không cho cảm giác chỉnh sửa quá đà mà tự nhiên, ưa nhìn (tất nhiên, nếu muốn bạn vẫn có thể chọn các cấp độ chỉnh sửa khác nhau). Tôi tin chắc nhiều người cũng thích những bức ảnh dạng này giống như tôi.
Về chất lượng ảnh, có thể thấy camera này cho màu sắc và độ chi tiết tốt. Chủ thể sáng ngay cả khi đứng quay lưng lại nguồn sáng. Hiệu ứng “xóa phông” hoạt động tốt khi chủ thể đứng cách xa phông nền. Hiệu ứng này trông khá tự nhiên, chỉ khi zoom mới phát hiện được khuyết điểm.
Trong khi đó, camera chính 16 megapixel tích hợp đầy đủ các chế độ như HDR, Timelapse, Panorama, chế độ chỉnh tay. Máy cũng hỗ trợ zoom 2x nhưng là zoom kỹ thuật số. Chụp ngoài trời, camera này tỏ ra giàu màu sắc, dải sáng rộng. Máy lấy nét nhanh. Tuy nhiên, ảnh thiếu sáng của máy không ấn tượng.
Khi quay video, máy vẫn cho màu sắc và chi tiết tốt nhưng khả năng lấy nét khá hạn chế. Trong khi đó, camera trước khi quay sẽ mặc định lấy nét vào khuôn mặt của chủ thể.
Một chi tiết khác tôi đánh giá rất cao ở sản phẩm này là màn hình. Khó có thể mong đợi nhiều hơn ở một chiếc di động 7 triệu đồng. Màn hình thiết kế tràn viền khiến tôi muốn bật nó lên nhiều lần. Khá ngạc nhiên khi cầm những sản phẩm như Galaxy S8, Note 8, tôi không có được cảm giác hưng phấn như vậy, mặc dù các sản phẩm trên cũng có màn hình tràn viền và khả năng hiển thị ở đẳng cấp cao hơn hẳn.
Có lẽ, với một di động cao cấp, tiêu chí đánh giá của mỗi người trở nên khắt khe hơn. Với một chiếc di động giá 7 triệu, tôi tỏ ra dễ dãi hơn. Màn hình này có màu sắc tươi, góc nhìn đủ dùng, chỉ có độ sáng là không quá ấn tượng. Hiển thị dưới trời nắng, người dùng sẽ dễ thấy nhược điểm của màn hình này.
Một chi tiết nữa cũng giúp bổ sung cho màn hình của máy là cảm giác cầm nắm sản phẩm này khá tuyệt, khiến cho việc xem video hay lướt web với máy trở nên thích thú hơn. Tôi sẽ nói rõ hơn ở phần sau.
Thiết kế không đẹp nhưng tiện dụng
Nếu nói về ngôn ngữ thiết kế, di động của Oppo rõ ràng không mang lại điểm nhấn nào. Nhìn vào cụm camera, nhiều người sẽ thốt lên: “Ồ, sao nó giống iPhone 7 vậy”. Ngay cả cách đặt 2 dải chỉ mỏng ôm sát viền trên, dưới của máy cũng lấy cảm hứng từ iPhone 7. Mặc dù vậy, đây không phải là dải ăng-ten của máy mà đơn thuần chỉ trang trí cho đẹp.
Một điểm không hài lòng khác của tôi với F5 là phần viền màn hình quá rối. Phần gioăng nối giữa màn hình và cạnh máy nhô lên khiến cảm giác vuốt từ màn hình ra cạnh không còn liền mạch. Nút bấm, giắc tai nghe của máy đều hoàn thiện ở mức vừa phải.
Tuy nhiên, khi nhấc chiếc máy lên, tôi khá bất ngờ. Nó nhẹ hơn nhiều so với dự tính của tôi về một chiếc máy 6 inch. Tổng cộng, Oppo F5 chỉ nặng 152 gram. Lưng máy hơi cong nhẹ, không bám vân tay. Việc sử dụng vỏ nhựa nhám là một nhược điểm nhưng cũng là ưu điểm của sản phẩm. Nó làm mất đi tính cao cấp nhưng lại dễ cầm nắm, dễ hơn rất nhiều so với các di động vỏ kính hiện nay.
Với một chiếc di động kích thước lên đến 6 inch, việc cầm máy và có những điểm tựa chắc chắn ở mặt lưng khiến cho việc trải nghiệm dễ dàng hơn nhiều. Thực tế, kích thước của F5 không lớn hơn chiếc F3 nhờ thiết kế viền mỏng.
Hiệu năng, pin và giao diện
Máy sử dụng con chip Helio P23, tốc độ 2,5 GHz, kèm RAM 4 GB. Tôi không gặp khó khăn khi sử dụng với các tác vụ thông thường. Chấm điểm với ứng dụng Antutu, smartphone này ghi được khoảng 64.000 điểm. Có một điểm hơi khó chịu là máy thường xuyên load lại web hoặc một số ứng dụng đa nhiệm, mặc dù sở hữu RAM lớn. Có vẻ như khả năng tối ưu hóa RAM của model này chưa tốt. Với không nhiều ứng dụng cài sẵn, lượng RAM trống của máy là khoảng 2 GB.
Khá đáng tiếc khi Oppo không trang bị sạc nhanh cho F5. Thời gian sạc đầy của máy khoảng 2 tiếng cho viên pin 3.200 mAh. Về cơ bản, người dùng có thể dùng máy trong một ngày dài, không cần sạc. Thử nghiệm xem video offline với độ sáng, âm lượng 50%, thời lượng sử dụng lên đến 14 tiếng. Có vẻ, máy tối ưu tốt cho trải nghiệm xem video.
Về giao diện, smartphone này chạy phiên bản ColorOS 3.2 trên nền Android 7. Giao diện này cải tiến nhẹ so với thế hệ trước và cơ bản giống iOS. Máy loại bỏ app drawer, thay bằng nhiều màn hình Home. Trên di động này, Oppo trang bị cảm biến vân tay (ở mặt lưng) và tính năng nhận diện khuôn mặt.
Nếu không quá cầu kỳ, bạn sẽ thấy tính năng nhận diện khuôn mặt này mở khóa nhanh không kém gì Face ID. Nó nhận diện rất tốt khuôn mặt của tôi trong nhiều trường hợp. Trong suốt khoảng 2 tuần sử dụng, chỉ có khoảng vài lần máy mở khóa không thành công, chủ yếu trong điều kiện ánh sáng yếu.
Điều này dễ hiểu vì nó không áp dụng phương pháp quét bản đồ khuôn mặt như Face ID của Apple. Trong khi đó, cảm biến vân tay của Oppo F5 vẫn là cảm biến một chạm.