Chiều 6/12, tại kỳ họp HĐND TP HCM khóa IX, đại biểu Huỳnh Đăng Linh cho rằng cử tri rất lo lắng vì dự án chống ngập do triều trị giá gần 10.000 tỷ đồng bị ngưng thi công suốt 8 tháng qua. Ông đề nghị UBND thành phố có giải pháp quyết liệt và trả lời rõ khi nào dự án tái khởi động?.
Bức xúc nhưng không thể sai quy định
Đề cập đến vấn đề này, Phó chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết dự án này được thực hiện theo hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao), liên quan giữa ba bên là Ngân hàng BIDV, UBND thành phố và Công ty Trung Nam. Theo hợp đồng, nhà đầu tư Trung Nam chuẩn bị về vốn 1.000 tỷ đồng, BIDV cho vay hơn 8.000 tỷ đồng.
Cần thuê chuyên gia đánh giá lại chất lượng thép trong dự án chống ngập 10.000 tỷ. Ảnh: Lê Quân |
Trong thời gian thi công trước đây, UBND thành phố thuê tư vấn giám sát, hạng mục nào thi công đúng quy định thì xác nhận. Khối lượng công việc đã được giải ngân tương đương 4.200 tỷ đồng. Hiện công trình bị vướng thủ tục giải ngân nên phải ngưng thi công. Tuy nhiên, có một số hạng mục chưa phù hợp theo quy định bởi lẽ nhà đầu tư sử dụng thép không đúng như thiết kế đã được Sở Nông nghiệp phê duyệt mà không báo cáo UBND thành phố.
"TP không cho rằng chủ đầu tư (công ty Trung Nam - pv) gian dối khi thực hiện mà chỉ tính giá trị theo giá thép Trung Quốc. Vấn đề đặt ra là không ai đảm bảo thép Trung Quốc có đạt chất lượng hay không nên TP chưa thể xác nhận giải ngân", ông Tuyến chia sẻ
Để giải quyết vấn đề này, TP sẽ thuê tư vấn độc lập dưới sự giám sát của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thông Việt Nam đánh giá chất lượng thép của công trình. Nếu đảm bảo an toàn thì thành phố ghi nhận và tính toán giá trị.
"Dù vấn đề chống ngập là rất bức thiết, người dân rất bức xúc nhưng thành phố không thể làm sai quy định", ông nói.
Chọn thép Trung Quốc thay thép Nhật vì an toàn và độ bền
Trước đó, lý giải về chênh lệch giá khi dùng thép Trung Quốc so với thép Nhật, công ty Trung Nam cho rằng nếu công trình sử dụng thép SUS304 (từ Nhật Bản) thì cần 375 tấn, dùng thép SUS323L (từ Trung Quốc) thì cần 315 tấn. Tổng chi phí nếu dùng SUS304 là 53,72 tỷ đồng và dùng thép SUS323L là 66,41 tỷ đồng. Giá thép Trung Quốc tăng 12,69 tỷ đồng nhưng độ an toàn, độ bền và tuổi thọ công trình cao hơn thép Nhật Bản.
Liên danh tư vấn giám sát hợp đồng viện dẫn giá thép Nhật Bản rẻ hơn thép Trung Quốc nhưng không xét đến lượng thép Trung Quốc dùng ít hơn, giảm chi phí nhân công ca máy và thiết bị nâng đỡ cửa van, kết cấu bê tông.
“Nhập thép Trung Quốc về xây dựng, người dân hay có tâm lý lo lắng thép này kém chất lượng. Trước khi nhập thép về, chúng tôi đã thí nghiệm, kiểm tra, và đạt được chất lượng mới mua. Trong hợp đồng, chúng tôi bảo hành thép Trung Quốc trong vòng 3 năm”, ông Nguyễn Tâm Tiến nói.
Dự án giải quyết ngập 10.000 tỷ đồng do Trung Nam làm chủ đầu tư dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2019. Mục tiêu của dự án nhằm kiểm soát ngập do triều, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 750 km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm thành phố.
Công trình được kỳ vọng giúp thành phố chủ động điều tiết hạ thấp mực nước ở các kênh rạch, cải thiện khả năng tiêu thoát nước đô thị và tạo cảnh quan môi trường cho khu vực.
Hồi tháng 4, khi dự án đạt 72% khối lượng thì bị dừng thi công do Ngân hàng BIDV không giải ngân (UBND thành phố chưa ký xác nhận báo cáo thanh toán giải ngân của dự án để thực hiện thủ tục tái cấp vốn).