Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Kỳ vọng siêu dự án 10.000 tỷ giúp Sài Gòn hết ngập do triều cường

TP.HCM hiện ngập do mưa và triều cường, nên giới chuyên gia kỳ vọng dự án ngăn triều chống ngập 10.000 tỷ và các dự án thoát nước sẽ giúp thành phố hạn chế ngập.

Sáng 5/11, tại hội thảo Tìm giải pháp chống ngập do báo Tiền Phong phối hợp Trung tâm Điều hành chống ngập nước TP.HCM và các đơn vị liên quan tổ chức, nhiều giải pháp chống ngập tiếp tục được các chuyên gia đề xuất, thảo luận.

Thiếu kinh phí chống ngập?

Theo ông Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng Quản lý thoát nước Trung tâm chống ngập TP.HCM, trong gần 20 năm qua, tình trạng ngập trên địa bàn TP.HCM xảy ra ngày càng nghiêm trọng do mưa và triều cường.

Năm 2000 trở về trước, người dân xây nhà lấn chiếm kênh rạch, Nhà nước không quản lý chặt chẽ khiến dòng chảy thu hẹp. Địa hình thấp, cống thoát nước nhỏ chiếm đa số khiến ngập nước diễn ra thường xuyên.

Sau đó, thành phố từng bước nỗ lực chống ngập, cải thiện môi trường nước đạt thành quả nhất định qua các công trình cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tân Hóa - Lò Gốm, Tàu Hủ - Bến Nghé…

Giai phap chong ngap TP.HCM anh 1
Vòng xoay An LẠC (quận Bình Tân) thường xuyên ngập nhiều năm qua. Ảnh: An Huy

Giai đoạn 2011-2015, thành phố ưu tiên chống ngập khu lõi trung tâm TP thuộc các quận: 1, 3, 5, 6, 11, Tân Phú, Bình Tân. Trong vòng gần 10 năm, TP.HCM đã xóa được 101/126 điểm ngập do mưa và 90/95 điểm ngập do triều cường.

Tuy nhiên, theo ông Long, việc chống ngập tại TP.HCM còn nhiều khó khăn trong kêu gọi nguồn vốn đầu tư cải tạo kênh Tham Lương – Bến Cát dài 32 km, rạch Xuyên Tâm dài 3,2 km; thiếu kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng cải tạo rạch: Bàu Trâu, Ông Búp, Bà Tiếng, Bùi Hữu Nghĩa, Văn Thánh… Hiện các dự án trên vẫn bất động.

Xây dựng nhiều trạm bơm

GS. Nguyễn Ân Niên, chuyên gia giao thông, cho biết không chỉ Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới cũng loay hoay tìm giải pháp chống ngập. Điển hình, một số thành phố của Úc vào mùa mưa nước ngập không chỉ ngoài đường mà tràn vào nhà dân.

Theo ông Niên, TP.HCM hiện ngập do mưa và triều cường. Thành phố đang kỳ vọng dự án ngăn triều chống ngập có xét yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) của Trung Nam Group sớm hoàn thành, máy bơm chống ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh của Công ty CP Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung bước đầu đã phát huy hiệu quả.

“Thành phố nên lắp cửa van ngăn triều tại các vùng trũng thấp gần cửa sông, kênh rạch ngăn triều cường. Đồng thời lắp máy bơm đồng loạt tại các khu vực xảy ra ngập nặng, bơm thoát nước khi mưa lớn đổ xuống và hoàn thiện nâng cấp cốt nền đường dần dần”, GS. Nguyễn Văn Niên nói.

Giai phap chong ngap TP.HCM anh 2
Một số chuyên gia nêu giải pháp lắp máy bơm nước, van ngăn triều tại khu vực trũng thấp chống ngập. Ảnh: An Huy.

Còn TS. Lê Văn Thành, Viện nghiên cứu phát triển đô thị, cho biết thành phố ngập nặng trong những năm vừa qua do địa hình thấp, nền đất lún; triều cường dâng cao, mưa lớn thường xuyên; quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh dẫn đến bê tông hóa; cống thoát nước nhỏ, người dân xây nhà lấn chiếm kênh rạch và ý thức người dân kém trong giữ gìn vệ sinh môi trường.

“Tình trạng ngập đã và đang tác động trực tiếp khoảng 3 triệu dân. TP.HCM nên gấp rút thực hiện quy hoạch 752, cải tạo các kênh rạch và xây dựng nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng Hòa, trạm bơm; sớm hoàn thiện dự án ngăn triều 10.000 tỷ đồng; xây hồ điều tiết… để chống ngập”, TS. Thành nêu quan điểm.

Tuy nhiên, siêu dự án 10.000 tỷ ngăn ngập do triều đang bị ngưng trệ 7 tháng nay do vấn đề giải ngân và hàng loạt dự án khác đang bị treo do chưa giải quyết vấn đề đền bù, giải tỏa mặt bằng.

Không thể dùng một giải pháp chống ngập cho cả Sài Gòn

Ông Trần Vĩnh Tuyến cho rằng tùy theo tình hình từng khu vực mà TP sẽ có những biện pháp chống ngập khác nhau chứ không có một giải pháp tổng thể cho cả TP.HCM.

Vì sao Sài Gòn cứ mưa là ngập? TP.HCM không chỉ khốn khổ với việc mưa là nước ngập, ngoài ngập nhanh và nhiều, nay có thêm chuyện nước ngập chậm rút.

An Huy

Bạn có thể quan tâm