Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đánh giá Asus Zenfone 4: Tốt nhất ở tầm giá 2 triệu đồng

Sở hữu điểm yếu về pin hay chất lượng màn hình không quá nổi bật nhưng Zenfone 4 lại có hiệu năng cực tốt, giao diện thân thiện và thiết kế khá đẹp.

Không phải ngẫu nhiên một sản phẩm đến từ nhà sản xuất lần đầu tiên gia nhập thị trường như Asus lại tạo được cơn sốt tại Việt Nam. Zenfone 4 là model giá rẻ nhất, cũng là sản phẩm nhận được sự quan tâm lớn nhất của người dùng Việt Nam. Trong một tuần sau khi lên kệ, Asus Việt Nam đã bán được 15.000 chiếc Zenfone 4.

Trong năm 2014, 2 triệu được xem là ngưỡng dành cho một sản phẩm smartphone giá rẻ. Với các trang bị của mình, model này được xem là sản phẩm vượt ngưỡng – cho hiệu năng và trải nghiệm tương đương với một số sản phẩm 3-4 triệu đồng. Nhờ đó, nó được thị trường đón nhận tốt như một hệ quả tất yếu.

Điểm mạnh

Điểm đáng chú ý nhất trên chiếc Zenfone 4 chính là hiệu năng. Máy được trang bị chip xử lý lõi kép Intel Atom, tốc độ 1,2 GHz, đi kèm với RAM 1GB. Để tóm tắt một cách ngắn gọn, điểm hiệu năng của sản phẩm này chỉ thua kém đôi chút so với những sản phẩm như Samsung Galaxy S3 hay HTC One X – những model cao cấp của năm 2012.

Việc trang bị RAM 1GB trên sản phẩm giá 2 triệu cũng là điều chưa từng xuất hiện tại Việt Nam. Điều này đặc biệt quan trọng, giúp sản phẩm này chạy mượt mà trên nền hệ điều hành Android 4.3 Jelly Bean mà không sợ hiện tượng thiếu RAM. Với chip mạnh mẽ, RAM dung lượng lớn, người dùng hoàn toàn có thể chơi những game được xem là hạng nặng cho các sản phẩm giá rẻ như Asphalt 8.

Giao diện của Zenfone 4 cũng mang lại nhiều nét thích thú cho người dùng. ZenUI là một giao diện được chăm chút kỹ lưỡng. Nó được thiết kế đơn giản, nhẹ nhàng – rất phù hợp cho các sản phẩm giá rẻ. Chẳng hạn, thanh thông báo được làm trong suốt rất ưa nhìn hay các icon nhiều màu sắc (tuy nhiên, nếu đưa lên các sản phẩm cao cấp thì các icon này có thể sẽ bị chê là thiếu sắc sảo).

Ngoài ra, Asus còn tích hợp khá nhiều phần mềm tự sản xuất trên sản phẩm này như ứng dụng ghi chú SuperNote, công cụ lưu trữ đám mây WebStorega hay What’s next – công cụ thông báo dạng thời gian thực khá độc đáo.

Một điểm đáng chú ý nữa của Zenfone 4 chính là camera. Ở tầm giá 2 triệu đồng, người dùng gần như không có cơ hội tiếp cận với một sản phẩm có camera hoàn hảo đến vậy. Máy dùng camera 5 megapixel, có tính năng tự động lấy nét.

Nó còn tích hợp gần như đầy đủ các tính năng chụp hình, vốn chỉ có ở các dòng cao như chụp HDR, chụp hình liên tiếp, một số hiệu ứng giả lập rất độc đáo. Model này không được trang bị công nghệ PixelMaster trên Zenfone 5 và 6 nhưng vẫn có camera trước cho nhu cầu chat video. Qua thử nghiệm, ảnh chụp trên Zenfone 4 cho chất lượng rất tốt (trong tầm giá), màu sắc trung thực, ảnh trong và chi tiết khá sắc.

Kiểu dáng thiết kế của Zenfone 4 cũng khá ưa nhìn. Điểm nhấn của mặt trước chính là phần đường tròn đồng tâm bên dưới màn hình. Máy dùng vỏ nhựa, không bám vân tay, các chi tiết khá sắc sảo. Với màn hình 4 inch, thiết kế dài, máy cũng cho cảm giác sang hơn khi cầm trên tay. Tuy nhiên, Zenfone 4 cũng có một số điểm yếu nhất định.

Điểm yếu

Thiết kế đẹp nhưng xét về độ chắc chắn, Zenfone 4 chưa thể sánh được với một số sản phẩm Nokia. Khi cầm Zenfone 4, bạn sẽ có cảm giác khá “lỏng tay”, không cho cảm giác kiểu “cục gạch”. Trong 3 nút điều hướng cảm ứng trên Zenfone 4, chỉ có nút Home là có đèn nền. Trong quá trình thử nghiệm, bạn sẽ gặp phải cảm giác khó chịu khi “mò mẫm” các nút Back và Menu (vì không có đèn nền) ở 2 bên máy, đặc biệt là khi các phím này lại đặt khá sát cạnh bên.

Chất lượng màn hình của Zenfone 4 cũng chỉ ở mức vừa phải. Dùng màn hình TFT nên Zenfone 4 cho cảm giác tương đối rẻ tiền, bù lại, nó lại được trang bị kính cường lực Gorilla Glass, giúp chống xước tốt. Giống với một số sản phẩm giá rẻ khác, khả năng hiển thị ngoài trời của Zenfone 4 cũng rất hạn chế.

Pin là một điểm trừ khác của sản phẩm này. Khá nhiều người đã lên tiếng kêu ca về thời lượng pin của Zenfone 4. Trên thực tế, pin của máy không quá yếu. Tuy nhiên, nếu lướt web hay chơi game nhiều, bạn sẽ thấy pin này sụt với tốc độ rất nhanh. Nếu sử dụng một cách có kiểm soát, Zenfone 4 vẫn được khoảng gần 1 ngày. Bên cạnh đó, Asus cũng đã tặng kèm người dùng một viên pin phụ, dùng để thay thế khi cần thiết. Tuy nhiên, việc tháo, lắp pin mỗi ngày có thể khiến người dùng tỏ ra khó chịu.

Về cơ bản, đây là những điểm trừ có thể chấp nhận được với một sản phẩm giá rẻ.

Ưu điểm:            + Hiệu năng cao

                            + Camera tốt, hỗ trợ nhiều chế độ   

                            + Thiết kế đẹp

                            + Giá bán hấp dẫn

Nhược điểm:      + Máy không thật sự chắc chắn

                            + Chất lượng màn hình trung bình

                            + Pin yếu

Thành Duy

Bạn có thể quan tâm