Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dành dụm để mua nhà, người Trung Quốc nhận lại công trình bỏ hoang

Người mua nhà Trung Quốc đánh đổi số tiền dành dụm cả đời để nhận lại những dự án chưa biết khi nào mới hoàn thành. Nhiều người phải cắt giảm chi tiêu, thậm chí sợ lập gia đình.

Theo Bloomberg, cú rơi của ngành công nghiệp bất động sản tại Trung Quốc đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới tầng lớp trung lưu 400 triệu dân. Với họ, đầu tư vào nhà đất giờ không còn là cách làm giàu an toàn nữa.

Khi các dự án nhà ở liên tục bị đình trệ, giá nhà trên khắp cả nước lao dốc, nhiều chủ nhà phải cắt giảm chi tiêu, trì hoãn kết hôn, thậm chí dừng trả khoản vay mua nhà.

Anh Peter (tên do nhân vật cung cấp) đã mua một căn nhà trị giá 2 triệu nhân dân tệ (300.000 USD) ở Trịnh Châu (tỉnh Hà Nam). Nhưng dự án của chủ đầu tư China Aoyuan Group đang bị tạm dừng thi công.

No nan anh 1

Với người Trung Quốc, đầu tư vào nhà đất đã không còn là cách làm giàu an toàn. Ảnh: Reuters.

Gánh nặng nợ nần

Giờ, anh Peter cũng phải tạm hoãn kế hoạch mở công ty riêng và mua chiếc BMW 5 Series. Bởi anh đang gánh khoản vay thế chấp chiếm tới 90% thu nhập khả dụng của mình, trong khi căn nhà không biết đến bao giờ mới được hoàn thành.

"Tôi biết mọi khoản đầu tư đều đi kèm rủi ro. Chúng ta phải trả giá cho những lựa chọn của mình", anh Peter bình luận.

"Nhưng những người mua nhà không làm gì sai và không cần phải gánh chịu hậu quả", anh than thở.

Anh Peter là một trong hàng trăm nghìn người mua nhà tại hơn 90 thành phố ở Trung Quốc tham gia vào phong trào dừng trả nợ. Nguyên nhân là các tập đoàn địa ốc như Aoyuan và China Evergrande không bàn giao nhà đúng tiến độ.

Bất động sản chiếm tới 70% tài sản của tầng lớp trung lưu Trung Quốc. Nếu lan rộng hơn nữa, làn sóng dừng thanh toán khoản vay sẽ giáng đòn lên nền kinh tế và sự ổn định của xã hội.

Giới chức Trung Quốc đang gấp rút tìm cách giải quyết. Nhà phân tích Kristy Hung của Bloomberg Intelligence ước tính giá trị của các dự án nhà ở đang bị tạm dừng thi công lên tới 4.700 tỷ nhân dân tệ. Để hoàn thành những dự án này, có thể cần tới 1.400 tỷ nhân dân tệ, tương đương 1,3% GDP Trung Quốc.

Tại Trung Quốc, các công ty bất động sản được phép bán những dự án nhà ở chưa hoàn thành. Khách hàng phải thanh toán những khoản vay thế chấp trước khi được bàn giao nhà.

Số tiền này sẽ được các công ty bất động sản dùng để xây dựng nhà ở. Làn sóng dừng trả nợ bùng nổ khi ngày càng nhiều dự án bị trì hoãn, thậm chí dừng thi công do cuộc khủng hoảng tiền mặt của ngành công nghiệp bất động sản.

Cắt giảm chi tiêu, không dám lập gia đình

Giá nhà lao dốc cũng khiến người mua nhà tuyệt vọng. Giá nhà tại Trung Quốc đã giảm 10 tháng liên tiếp. Trong khi đó, thu nhập khả dụng trên đầu người ghi nhận 5 quý giảm liên tiếp. Bom nợ đang đè nặng lên người Trung Quốc. Từ cuối năm 2011 đến cuối năm 2021, nợ hộ gia đình tăng từ 27,8% GDP lên 61,6% GDP.

Khác với ở các quốc gia như Mỹ, nhiều người Trung Quốc phải tích cóp cả đời để mua một căn nhà. Những cặp vợ chồng trẻ thường nhờ đến sự trợ giúp của cha mẹ và ông bà để có nhà riêng.

Anh Li, nhân viên của một công ty công nghệ, phải dành 1/3 lương để trả khoản vay thế chấp 4.000 nhân dân tệ mỗi tháng. Trong khi đó, dự án nhà ở của anh tại Vũ Hán - do China Evergrande đầu tư - đang bị tạm dừng thi công. Năm nay, công ty cũng cắt giảm 25% lương của anh.

Tháng này, cùng với khoảng 5.000 người khác, anh đã tham gia vào làn sóng dừng trả nợ để tạo sức ép lên tập đoàn bất động sản và chính quyền địa phương.

Tôi chỉ còn cách hy vọng rằng chính phủ sẽ xử lý vấn đề. Nhưng thành thật mà nói, hy vọng đó giờ cũng ngày càng tàn lụi

Ông Liu, một người mua nhà đã về hưu

Anh Li, 26 tuổi, thừa nhận đang rất lo ngại về tương lai. Anh cũng không dám bắt đầu một mối quan hệ vì sợ mình không có được căn nhà. Tại Trung Quốc, nhà cửa thường được coi là điều kiện tiên quyết để lập gia đình.

Người mua nhà tại Trung Quốc đang tìm đến các biện pháp pháp lý. Trước đây, một số phán quyết của tòa án có thể đứng về phía khách hàng. Theo đó, hợp đồng mua nhà sẽ bị hủy, chủ đầu tư phải hoàn trả số tiền đã thanh toán và trả nốt khoản vay thế chấp cho các ngân hàng.

Anh Guo, khách hàng của China Evergrande, vừa kiện ngân hàng của mình sau khi dự án nhà ở bị dừng thi công vào năm ngoái. Theo đơn kiện, ngân hàng đã không chuyển số tiền được dùng cho quá trình xây dựng vào tài khoản ủy thác giữ.

"Ngân hàng và chủ đầu tư vi phạm pháp luật, vì sao người mua nhà phải chịu hậu quả", anh đặt câu hỏi.

Theo anh Peter và những người mua nhà khác, ngân hàng của họ đã cho phép chủ đầu tư sử dụng tiền tự do, thay vì chuyển tiền vào tài khoản ủy thác giữ để hoàn thành dự án.

Nhiều người mua nhà, nhất là những khách hàng cao tuổi, không thể chờ đợi thêm. Ông Liu không đủ điều kiện vay ngân hàng vì đã về hưu. Ông phải dùng số tiền 800.000 nhân dân tệ dành dụm cả đời để mua một căn hộ. Mỗi tháng, ông Liu sống dựa vào khoản lương hưu 3.500 nhân dân tệ.

2 lần tới thăm công trường, ông đều không thấy bất cứ hoạt động xây dựng nào.

"Tôi chỉ còn cách hy vọng rằng chính phủ sẽ xử lý vấn đề", ông Liu chia sẻ. "Nhưng thành thật mà nói, hy vọng đó giờ cũng ngày càng tàn lụi", ông tuyệt vọng.

Vòng xoáy nợ nần ngành địa ốc ở Trung Quốc

Khách hàng từ chối trả khoản vay mua nhà vì không được giao nhà đúng hạn. Điều này sẽ gây sức ép lên dòng tiền của các chủ đầu tư, khiến quá trình thi công tiếp tục đình trệ.

Nga 'vũ khí hóa' năng lượng, châu Âu tìm cách xoay xở

Châu Âu gấp rút lên kế hoạch ứng phó trước những lo ngại về việc Nga có thể chặn dòng khí đốt tự nhiên đến lục địa già.

Dong USD cao nhat 13 thang hinh anh

Đồng USD cao nhất 13 tháng

0

Chỉ số USD-Index vừa chạm mức cao nhất kể từ tháng 10 năm ngoái. Trong nước, giá giao dịch đồng bạc xanh tại các ngân hàng thương mại cũng tăng kịch trần cho phép.

Thảo Phương

Bạn có thể quan tâm