Tiếng hát của danh ca mù Andrea Bocelli vang vọng từ thánh đường Duomo Milan tối qua đã làm tan chảy hàng triệu khán giả trên toàn thế giới. Cuộc đời của Andrea Bocelli là cuộc đời của một huyền thoại, giọng hát Andrea Bocelli là một trong những giọng hát vẫn được cho là chẳng những lộng lẫy, tuyệt vời mà còn có sắc vị của sự linh thiêng, của niềm tin và hy vọng.
Hôm qua, màn độc diễn “có một không hai” của Andrea Bocelli tiếp tục chứng minh điều ấy.
Tiếng hát của danh ca Andrea Bocelli vang vọng từ thánh đường Duomo Milan đã làm tan chảy hàng triệu khán giả trên toàn thế giới. |
Không một khán giả trực tiếp, không một tiếng vỗ tay cỗ vũ, không có bất cứ âm thanh nào của sự hò reo. Nhưng buổi biểu diễn của Andrea Bocelli với tên gọi không thể phù hợp hơn lúc này – Music for hope – đã có tới 2 triệu người xem cùng một lúc qua mạng. Và hiện, con số khán giả thưởng thức giọng hát của danh ca là 25 triệu.
Tiếng hát của cầu nguyện, tiếng hát của an lành. Tiếng hát mà khi cao thì nhỏ như sợi chỉ, ngân dài không đứt, khi trầm thì ấm áp như thủ thỉ tâm tình của Andrea Bocelli đã làm không ít người rơi nước mắt.
Chưa từng có một đêm nhạc nào của giọng ca The Prayer đã diễn ra theo cách như vậy. Không có những khán giả vây quanh nhưng sự lộng lẫy của người nghệ sĩ, của âm nhạc vẫn không khỏi làm những người theo dõi nghẹn ngào.
Từ thánh đường Duomo ở Milan (Italy), Andrea Bocelli đã đi qua những khác biệt của tôn giáo, của quốc gia, của chủng tộc. Trên mạng xã hội, rất nhiều khen ngợi đã được viết ra, rất nhiều dòng cảm ơn đã được bày tỏ, cho một tiếng hát tràn đầy sức mạnh, có thể giúp người nghe tạm quên đi sự hoành hành của dịch bệnh toàn thế giới.
Và quan trọng hơn, là hy vọng vào một tương lai tươi sáng, dịch bệnh sớm chấm dứt.
"Hòa nhạc" từ ban công
Cùng với tiếng hát mãnh liệt của danh ca Andrea Bocelli, âm nhạc cũng đang được cất lên ở những nơi không ngờ tới trước ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Theo tạp chí âm nhạc Billboard, những buổi hòa nhạc ban công đang ngày càng lan tỏa ở Italy và Tây Ban Nha. Khi nhà chức trách quyết định cách ly xã hội hoặc phong tỏa thành phố, ban công đã trở thành sân khấu “bất đắc dĩ”.
Trên hai ban công riêng biệt ở Barcelona của Tây Ban Nha, khúc nhạc chiều từ keyboard của Alberto Gestoso đã hòa cùng tiếng saxophone của Alex Le Brontorrent. Màn trình diễn không tính toán trong My heart will go on ấy đã nhận được những tán thưởng không ngớt từ những người hàng xóm. Clip ghi lại tiết mục được đăng tải trên Instagram sau đó cũng thu hút hơn 2 triệu lượt xem.
Billboard nhận định đó là một trong những “liều thuốc cho tâm hồn” trong thời kỳ dịch bệnh.
Ban công đã thực sự trở thành không gian gắn kết, nơi âm nhạc được cất lên. Những người dân Italy, những người dân Israel… và ở rất nhiều nơi khác đã cất lên tiếng hát của sự đồng lòng, chia sẻ như nguyện cầu thời gian khó khăn sớm qua đi.
Ca sĩ Tây Ban Nha Beatriz Berodia hát trên ban công. |
Theo Reuters, ca sĩ Beatriz Berodia, người vẫn được được biết đến với nghệ sĩ Betta đã kết hợp với nghệ sĩ guitar Andrea Capalbo cũng là hàng xóm của cô tổ chức buổi biểu diễn tại ban công ở Lavapies, Madrid, Tây Ban Nha.
Một tấm bảng treo phía trước ban công thông báo họ nhận yêu cầu bài hát qua tài khoản Instagram. Và buổi biểu diễn kéo dài nửa giờ mỗi tối.
Trong khi nghệ sĩ opera Stephane Senechal trình diễn ca khúc nổi tiếng O sole mio (Mặt trời của tôi) từ chính ô cửa sổ nhà mình. Hoàn thành màn trình diễn, Stephane Senechal đóng cửa lại, trong khi tiếng vỗ tay từ những người hàng xóm vẫn ngân dài.
Sức mạnh của âm nhạc thời dịch bệnh
Tờ Guardian mới đây có bài viết về việc âm nhạc đã duy trì sức chiến đấu của mình suốt 2700 năm qua, đi qua nhiều dịch bệnh. Mùa hè năm 1976, khi dịch hạch trở thành vấn đề nghiêm trọng ở Milan (Italy), trên những ban công, hàng nghìn đàn ông, phụ nữ, trẻ em đã cất tiếng hát.
Một nhà bình luận đã ghi chép lại rằng Milan khi đó đã hiện ra như “Jerusalem trên thiên đàng”.
Ban công trở thành sân khấu "bất đắc dĩ" trong mùa dịch. Ảnh: AFP. |
Từ thời Ai Cập cổ đại, Hy Lạp và Văn minh cổ Babylon, âm nhạc đã là liều thuốc để chữa lành và kết nối xã hội trong dịch bệnh. Khi dịch hạch tấn công thành Sparta (Hy Lạp) vào thế kỷ 7 trước Công nguyên, các nhà lãnh đạo thành phố đã mời nhà thơ Thaletas hát những bài thánh ca. Và Terpander - một nhà thơ Hy Lạp cổ đại nổi tiếng khác – cũng được ngỏ lời trong dịch bệnh ở Lesbos.
“Âm nhạc không phải là thứ xa xỉ trong dịch bệnh, mà nó là thứ thực sự cần thiết. Trong sự đủ đầy về khoa học, công nghệ, âm nhạc càng trở nên giá trị hơn bao giờ hết”, một nhà nghiên cứu quả quyết trên Guardian.