Các vụ nổ ở New York, New Jersey và vụ tấn công bằng dao ở bang Minnesota diễn ra liên tiếp khiến nhiều người lo sợ về nguy cơ khủng bố ở nước Mỹ. Những vụ việc diễn ra trước khi nguyên thủ các nước đến Manhattan để dự họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Tổng thống Barack Obama sẽ đến đây vào ngày 20/9.
Vụ đánh bom khiến hàng trăm người thương vong trong cuộc chạy đua marathon ở Boston năm 2013 và vụ nổ ở New York lần này có những điểm tương tự, như cách nghi phạm sử dụng thiết bị nổ thô sơ nhưng gây sát thương cao, hành động một mình, đều là người nhập cư theo đạo Hồi.
![]() |
Nghi phạm vụ đánh bom New York bị bắt ngày 19/9 sau khi giao đấu với cảnh sát. Ảnh: AP |
Thủ đoạn khủng bố giống nhau
Ngày 17/9, một vụ nổ lớn rung chuyển khu Chelsea ở Manhattan, New York, khiến ít nhất 29 người bị thương. Vài tiếng sau, nhà điều tra phát hiện thiết bị nổ thứ 2 ở cách hiện trường 4 dãy nhà.
Báo chí Mỹ cho biết thiết bị nổ được tìm thấy ở Chelsea có nhiều đặc điểm tương tự như những quả bom tự chế trong vụ tấn công tại cuộc chạy marathon ở thành phố Boston hồi năm 2013: đều sử dụng nồi áp suất chứa bên trong là bi sắt, mảnh vụn kim loại để có thể gây sát thương cao.
Báo New York Daily News khi đó cho biết quả bom ở Boston vốn là nồi áp suất chứa bên trong đầy đinh, vòng bi, và được giấu kỹ lưỡng trong những núi nilon đen. Thủ phạm bỏ chúng ở vỉa hè gần vạch đích của cuộc đua.
Nhà điều tra nhận định quả bom tự chế phát tán những vật nhọn và sắt có thể cắt đứt da thịt khi phát nổ, gây ra những vết thương mà "nhiều bác sĩ chưa bao giờ thấy". Vụ tấn công năm 2013 khiến 3 người thiệt mạng và hơn 260 người bị thương.
Tại vụ nổ ở Chelsea, dù chính quyền không công bố thông tin về thiết bị nổ thứ 2, hình ảnh của nó đã được lan truyền trên mạng xã hội. Đó là nồi áp suất có điện thoại di động quấn xung quanh bằng dây điện, khá giống với quả bom tự chế trong vụ nổ ở Boston.
Ông El Davis, cựu giám đốc Sở Cảnh sát Boston, nhận định trên CBS rằng bom tự chế lần này tinh vi và hiện đại hơn thiết bị nổ trong vụ tấn công 3 năm trước. "Quả bom kích nổ bằng điện thoại là một bước cải tiến. Nó cho phép kẻ tấn công kích nổ từ bất kỳ đâu. Đây là điều đáng lo ngại".
Ngoài ra, những người bị thương trong vụ nổ đầu tiên ở Chelsea là do các vết thương từ vật nhọn gây ra. Cảnh sát chưa chính thức cho biết chúng làm từ vật liệu gì, cũng chưa khẳng định vụ nổ và quả bom có liên quan đến nhau.
![]() |
Hình ảnh được cho là thiết bị nổ thứ 2 mà cảnh sát tìm thấy gần hiện trường vụ nổ tại khu Chelsea, New York, cuối tuần qua. Ảnh: BBC |
Tranh cãi về an ninh quốc gia
Nghi phạm vừa bị cảnh sát New York bắt giữ, Ahmad Khan Rahami, vốn là người gốc Afghanistan, đã chuyển đến Mỹ sinh sống nhiều năm trước khi được công nhận là công dân Mỹ. So với thủ phạm trong vụ đánh bom Boston là anh em nhà Tsarnaev, họ có điểm chung là cùng theo đạo Hồi và xuất thân là người nhập cư.
Hiện y vừa bị bắt giữ nên cảnh sát chưa công bố những thông tin mới về lời khai. Tuy nhiên, các vụ tấn công khiến vấn đề an ninh quốc gia trở lại thành chủ đề nóng hàng đầu của các ứng viên tổng thống Mỹ, New York Times cho biết. Bà Hillary và ông Trump đều thể hiện giọng điệu cứng rắn và đi theo 2 hướng khác nhau để chỉ trích đối thủ.
Trong một phát biểu ở quận Westchester, New York, bà Clinton thúc giục người dân Mỹ "dũng cảm và cảnh giác" và không nên có thái độ thù ghét những người Hồi giáo hoặc công dân Mỹ gốc nước ngoài.
Nữ ứng viên đảng Dân chủ cũng chỉ trích đối thủ Trump là "trợ giúp" cho lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và những băng nhóm khác muốn tấn công vào Mỹ, khi cố tình gây ra cuộc chiến tranh tôn giáo giữa đạo Hồi và phương Tây.
"Họ đang muốn biến chuyện này thành cuộc chiến chống Hồi giáo, hơn là chống các phần tử thánh chiến và khủng bố bạo lực", bà nói.
![]() |
Nghi phạm Rahami đã nhập cư và sinh sống nhiều năm tại Mỹ. Ảnh: CBS |
Phản pháo lại, ông Trump nói các chính sách của bà Clinton là "yếu kém và không hiệu quả", cho rằng việc bà ủng hộ quân đội can thiệp ở nước ngoài dẫn đến việc những kẻ khủng bố tiến hành tấn công vào Mỹ.
Ứng viên của đảng Cộng hòa lặp lại quan điểm là nước Mỹ ngày càng dễ bị tổn thương trước khủng bố do hệ thống quản lý nhập cư lỏng lẻo. Vị tỷ phú chủ yếu cảnh báo về những rủi ro khi tiếp nhận người tị nạn từ Syria và các quốc gia đang bị chiến tranh tàn phá.
Tuy nhiên, nghi phạm mà cảnh sát vừa bắt lại không giống hoàn toàn với những điều mà Trump cố gắng lên án, vì Rahami là người gốc ở Afghanistan và đã sinh sống ở Mỹ nhiều năm liền.
Mối đe dọa tiềm ẩn
Shannon N. Green, giám đốc chương trình chống bạo lực cực đoan tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) thừa nhận các chương trình phòng chống của Mỹ đã tỏ ra bất lực trong vụ đánh bom và đâm dao cuối tuần qua.
"Không chính sách nào có thể ngăn chặn một cá nhân bất ổn muốn thực hiện âm mưu của y, khi hắn có điều kiện tiếp cận nguyên liệu, học được cách chế tạo vũ khí để gây ra những vụ tấn công đẫm máu ngay giữa lòng nước Mỹ", bà Green nhận định trên tờ Boston Globe.
Nữ chuyên gia cảnh báo xu hướng là ngày càng nhiều công dân Mỹ với lý lịch trong sạch, như những kẻ thảm sát ở San Bernardino, lại là thủ phạm của những vụ tấn công tàn bạo.
Bên cạnh đó, những phần tử cực đoan này ngày nay có xu hướng hành động một mình, nhằm vào những mục tiêu mềm, sử dụng các chiến thuật thô sơ nên không cần phải được đào tạo hay hỗ trợ nhiều từ bên ngoài. Do vậy, hành tung của chúng khó nhận biết để ngăn ngừa.