Hơn một tuần sau khi tuyên bố thâu tóm Uber Đông Nam Á, người đồng sáng lập, CEO của Grab - Anthony Tan cho biết công ty đang đặt mục tiêu mới trong lĩnh vực công nghệ tài chính nhắm tới những “người chưa tiếp cận với hệ thống ngân hàng”.
Người đồng sáng lập, CEO của Grab - Anthony Tan. Ảnh: CNBC. |
"Đó là điều tôi hằng mơ ước”, ông Anthony Tan nói với CNBC khi nhớ lại tham vọng đánh bại startup gọi xe Mỹ Uber. Ông thừa nhận chiến thắng không hề dễ dàng nhưng cho rằng tỷ lệ cổ phần 27,5% đổi lấy toàn bộ thị phần của Uber tại Đông Nam Á là con số hợp lý.
Tuy nhiên, Tan cho biết Grab đang hướng tới mục tiêu giải quyết vấn đề lớn tiếp theo tại khu vực này - đó là rất nhiều người chưa tiếp cận với hệ thống ngân hàng, biến những “người vô hình” thành “hữu hình”.
Kể từ vòng gọi vốn 2 tỷ USD dẫn đầu bởi Softbank và Didi Chuxing của Grab vào tháng 7 năm ngoái, Grab đã nhanh chóng hành động để kết nối hàng triệu người “vô hình” tại Đông Nam Á với các dịch vụ tài chính của mình.
Tháng 11 năm ngoái, ví điện tử GrabPay ra mắt ngay sau khi công ty này giới thiệu dịch vụ thanh toán. Kế hoạch phát triển trong lĩnh vực công nghệ tài chính của Grab tiếp tục được đẩy mạnh khi công ty này ký liên doanh với công ty Credit Saison của Nhật để thành lập Grab Financial Services. Cùng ngày, Grab tuyên bố hợp tác với công ty bảo hiểm khổng lồ Chubb để cung cấp giải pháp bảo hiểm ngay trong ứng dụng.
Tuy nhiên, Grab có thể phải đối mặt với những đối thủ lớn hơn Uber trong cuộc chiến cung cấp dịch vụ tài chính cho những người chưa tiếp cận với hệ thống ngân hàng tại Đông Nam Á. Các đại gia công nghệ của Trung Quốc như WeChat của Tencent và nhánh tài chính Ant Financial của Alibaba cũng đang có kế hoạch mở rộng sang khu vực này. Tuy nhiên, ông Tan để ngỏ khả năng hợp tác thay vì cạnh tranh với các ông lớn này.
Dù vậy, tại thị trường lớn nhất khu vực - Indonesia, Grab cũng phải đối mặt với thách thức lớn từ đối thủ Go-Jek. Không chỉ là một startup gọi xe tỷ USD, Go-Jek cũng đầu tư mạnh vào lĩnh vực công nghệ tài chính nhằm khai thác lượng lớn người dân chưa có tài khoản ngân hàng tại quốc gia này.
Ông Tan cho biết Grab không coi nhẹ những thách thức tại Indonesia, nhưng khẳng định Grab hiện đã là công ty vận tải hàng đầu tại quốc gia này.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư vào Indonesia. Với Uber Eats, chúng tôi tự tin sẽ trở thành công ty giao thực phẩm số một tại khu vực. Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục mở rộng GrabPay, Grab Financial ra khắp Đông Nam Á”.
CEO Grab cho rằng với vị thế trong mảng gọi xe và giao đồ ăn tại các thị trường quan trọng như Indonesia, startup này sẽ dễ dàng thu hút khách hàng đến với các dịch vụ tài chính của mình thông qua khuyến mại chéo.
Ông phác thảo một ngày của khách hàng với các dịch vụ của Grab: “Sau khi thức dậy, họ đặt một chiếc xe đi làm. Chiếc xe này được mua nhờ khoản vay từ Grab Financial. Sau đó, họ trả tiền cho bữa trưa qua Grab Pay, di chuyển giữa các cuộc họp trong ngày bằng xe đạp Grab. Rồi sau đó họ đặt giao đồ qua Grab trên đường về nhà”.
Grab hiện hoạt động tại 191 thành phố khắp Singapore, Indonesia, Philippines, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam, Myanmar và Campuchia.