Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đặng Văn Lâm - khi năng lực chính là giấy thông hành

Đặng Văn Lâm là cầu thủ Việt Nam đầu tiên bước vào J.League 1, và bỏ lại sau lưng mọi lùm xùm, tranh chấp. Anh dùng chính năng lực của mình để làm giấy thông hành.

Tài năng của Văn Lâm là thứ vàng đã thử qua nhiều loại lửa. Nỗ lực của Văn Lâm cũng là thứ kim cương đã được hun đúc bởi quá nhiều bài học đớn đau. Nó làm nên một người Việt đĩnh đạc và kiên định, đến giải đấu hàng đầu Nhật Bản bằng chính năng - lực của mình.

Van Lam sang Nhat Ban anh 1

Văn Lâm viết nên lịch sử cho bóng đá Việt Nam tại J.League 1. Đồ họa: Minh Phúc.

Bến đỗ mơ ước không chỉ riêng Văn Lâm

Trước Văn Lâm, đất nước mặt trời mọc là nơi bén duyên nhiều cầu thủ Việt Nam cũng không kém phần nổi tiếng. Lê Công Vinh mở đường đến Consadole Sapporo năm 2013, thương vụ mà về sau, người ta định giá nó theo kiểu “đại sứ bóng đá và du lịch”. Dù sao thì với 9 trận đấu và 2 bàn thắng cho đội bóng xứ Hokkaido, Công Vinh cũng là một trong những bản hợp đồng thành công nhất và… chuyên môn nhất.

Đấy là những con số mà Nguyễn Công Phượng hay Nguyễn Tuấn Anh, những đứa con cưng nhà bầu Đức, nằm mơ cũng không có được. Công Phượng và Tuấn Anh khi được “gả bán” cho Mito Hollyhock và Yokohama đều ấp ủ tham vọng “lên trình” nhờ cuộc sống ở một chân trời khác, nhưng thực tế khắc nghiệt buộc họ phải làm bạn với ghế dự bị hầu hết thời gian du học.

Nhật Bản, dù chỉ là giải hạng hai, vì thế vẫn là miền đất vừa hy vọng vừa ám ảnh cho những đôi chân Việt. “Đừng đi Nhật” thậm chí đã từng trở thành lời cảnh tỉnh cho Nguyễn Quang Hải, ngôi sao sáng nhất mà bóng đá Việt Nam có được trong khoảng 3 năm trở lại đây, khi anh vừa nhen nhóm ý đồ xuất ngoại.

Người có chuyên môn thì đều hiểu cầu thủ Việt thực sự đã đủ đẳng cấp chơi bóng ở Nhật, Bỉ, Hà Lan… hay chưa. Những chuyến tàu đưa họ đi, nếu có, cũng chỉ cập bến hạng thấp và mang hướng học việc nhiều hơn là chia sẻ tinh hoa của họ cho giải đấu. Nói trắng ra là cầu thủ Việt mơ ước được đến đó nhiều hơn là người ta cần họ.

Nhưng Văn Lâm thì khác. Anh không được đỡ đầu bởi túi tiền của ông chủ, không được gửi gắm qua những thông điệp nồng nàn giống như mỗi chuyến “đưa dâu”, mà thậm chí còn “về nhà chồng” bằng tranh chấp, bằng kiện tụng, và để khép lại những lùm xùm ấy, anh buộc CLB mới phải chiến đấu để có được anh.

Anh bay thẳng đến J.League 1, giải đấu cao nhất của Nhật. Ở đó, Cerezo Osaka chủ động quan tâm đến anh, dõi theo từng chặng đường của anh và muốn anh ký vào một bản hợp đồng.

Van Lam sang Nhat Ban anh 2

Văn Lâm khẳng định được tài năng tại Muangthong. Ảnh: Quang Thịnh.

Năng lực giúp ích Văn Lâm

Cerezo Osaka không phải là đội bóng có phòng truyền thống quá rực rỡ, nhưng trong lịch sử, họ cũng có quyền tự hào với những danh hiệu như Cúp Quốc gia, hạng Ba J.League 2017…, với những ngôi sao từng ghé qua như Diego Forlan (tuyển thủ Uruguay, cựu tiền đạo MU) hay từ đó ra châu Âu như Shinji Kagawa (Borussia Dortmund), Takumi Minamino (Liverpool). Đội bóng thành phố hoa anh đào nhắm đến Văn Lâm như là một phương án thực sự cạnh tranh trong khung thành của họ.

Vì Văn Lâm, Cerezo Osaka không ngần ngại hỗ trợ anh mọi mặt trong cuộc chiến pháp lý với CLB cũ Muangthong United. Thiện chí từ phía người Nhật giúp Lâm “tây” và người đại diện của anh cứng cỏi hơn rất nhiều trước sức ép không chỉ từ phía Muangthong mà cả từ LĐBĐ cộng thêm khán giả Thái Lan. Và ngay khi FIFA cấp giấy phép lao động cho Văn Lâm, trang chủ Cerezo Osaka lập tức loan tin “thắng trận”.

Dĩ nhiên, cách ra đi của Văn Lâm không thể coi là vui vẻ. Nó càng không tương xứng với những đóng góp của anh cho Muangthong và tình cảm người hâm mộ CLB từng có với anh. Nhưng ở một góc nhìn khác, cuộc tranh chấp này gián tiếp khẳng định năng lực của thủ môn người Việt gốc Nga, đồng thời cho thấy quyết tâm của Cerezo Osaka là rõ rệt.

Đội bóng Nhật Bản chưa biết đến bao giờ mới sử dụng được Văn Lâm, nhưng trước mắt, họ đã nhìn thấy lợi nhuận khi tân binh của họ ngay lập tức tăng giá gấp rưỡi trên thị trường chuyển nhượng (từ 200.000 lên 300.000 Euro). Biến động ấy dự báo Văn Lâm sẽ có một tương lai “bận rộn” ở Cerezo Osaka, khi người gác đền kỳ cựu của CLB là Kim Jin-hyeon sắp sang tuổi 35.

Bỏ lại khoảng thời gian khó khăn ở Muangthong, Văn Lâm chưa hề xỏ găng nhưng đã ghi điểm quan trọng cho mình trên hành trình mới. Đấy là hành trình lịch sử, mở ra một lối đi hoàn toàn khác lạ cho cầu thủ Việt Nam. Không nhất thiết phải đi học việc, không nhất thiết phải tựa nhờ bệ phóng nào, năng lực thực sự chính là tấm giấy thông hành cho tất cả đi “cửa chính” vào những miền đất hứa.

Đặng Văn Lâm cảm ơn người hâm mộ sau khi gia nhập Cerezo Osaka Thủ thành của tuyển Việt Nam có những lời nhắn đầu tiên tới người hâm mộ sau khi hoàn tất vụ chuyển nhượng đến đội bóng Nhật Bản Cerezo Osaka.

Văn Lâm - từ người bị Miura từ chối tới đỉnh cao J.League 1

Tròn 10 năm sau ngày tới V.League, Đặng Văn Lâm giờ là niềm tự hào, mũi tiên phong của bóng đá Việt Nam trên con đường tiến ra thế giới.

Văn Lâm có thể chơi 30% số trận của Cerezo Osaka

Cerezo Osaka thi đấu 4 mặt trận, nên thủ môn Đặng Văn Lâm có thể ra sân trong màu áo đội bóng hàng đầu J1 League.

Quốc Bảo

Bạn có thể quan tâm