Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Đằng sau vụ thử ICBM mới và sự xuất hiện của con gái ông Kim Jong Un

Suốt thời gian qua, Triều Tiên nỗ lực hiện đại hóa kho vũ khí, phát triển loạt tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, tên lửa tầm xa và ICBM có thể vươn tới Mỹ.

Kể từ năm 2018, Triều Tiên tập trung phát triển kho vũ khí hạt nhân lớn hơn với khả năng gây lo ngại lớn hơn đối với Mỹ cùng các đồng minh ở châu Á.

Năm 2022, số lượng tên lửa Triều Tiên phóng đạt mức kỷ lục. Đáng chú ý, nhà lãnh đạo Kim Jong Un nhiều lần đưa con gái tới những địa điểm và hoạt động quân sự.

ten lua Trieu Tien anh 1

Tiến sĩ Edward Howell - giảng viên Chính trị học tại New College, Đại học Oxford. Ảnh: Đại học Oxford.

Sự xuất hiện liên tục của Kim Ju Ae thúc đẩy suy đoán cô bé được chọn làm nhà lãnh đạo tương lai của đất nước.

Các nhà phân tích cho rằng quyết định đưa con gái đến các sự kiện gắn liền với quân đội của ông Kim là để nhắc nhở thế giới ông không có ý định tự nguyện từ bỏ vũ khí hạt nhân.

“Thế giới thực sự đã chứng kiến Bình Nhưỡng phát triển các công nghệ mới ngày càng nhanh chóng. Chúng bao gồm khả năng phóng tên lửa nhanh hơn, ở tầm cao hơn và khoảng cách xa hơn, đồng thời né tránh được các hệ thống chống tên lửa đạn đạo”, tiến sĩ Edward Howell - giảng viên Chính trị học tại New College, Đại học Oxford - nhận định với Zing.

Bên cạnh đó, vị chuyên gia cho rằng nước này hiện đặc biệt có tiềm năng về công nghệ tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn.

Theo đó, những bước tiến này rất đáng mong đợi đối với chính quyền ông Kim Jong Un, khi trước đó nhà lãnh đạo này từng muốn mở rộng kho vũ khí truyền thống và phi truyền thống như đã vạch ra vào tháng 1/2021.

Bước tiến xa tới đâu?

Triều Tiên thực hiện số lần phóng tên lửa nhiều kỷ lục trong năm 2022, bao gồm tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) có khả năng vươn tới bất cứ nơi đâu tại Mỹ.

Theo CSIS, vụ phóng ICBM Hwasong-15 đầu tiên của năm 2023 diễn ra vào hôm 18/2. Đây cũng là vụ phóng ICBM thứ năm trong vòng chưa đầy một năm.

ten lua Trieu Tien anh 2

Triều Tiên ngày 19/2 công bố ảnh phóng ICBM Hwasong-15. Ảnh: KCNA/Yonhap.

Ông Howell nhận định việc Triều Tiên liên tục phóng tên lửa từ năm ngoái đến năm nay thể hiện mong muốn thử nghiệm ngày càng nhiều vũ khí cũ và mới của họ.

“Nếu không thử nghiệm, các quan chức chính phủ và quân đội Triều Tiên sẽ không biết độ tin cậy và chính xác của kho vũ khí”, vị tiến sĩ nhận định.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là các vũ khí của Triều Tiên đã đạt bước tiến tới đâu.

Washington Post nhận định Bình Nhưỡng đang tìm cách cải tiến công nghệ thu nhỏ đầu đạn và tăng sức mạnh của đầu đạn cho ICBM.

Triều Tiên cũng có khả năng sở hữu hàng chục đầu đạn hạt nhân. Câu hỏi đặt ra là liệu chúng có đủ nhỏ để lắp vào tên lửa hay không.

Theo ước tính khiêm tốn nhất, chuyên gia cho rằng Triều Tiên đã lắp ráp 40-50 đầu đạn hạt nhân - con số thấp nhất trong số 9 quốc gia có vũ khí hạt nhân.

Tuy nhiên, nghiên cứu năm 2021 của RAND và Viện Ansan cho thấy Triều Tiên có tới 116 đầu đạn hạt nhân. Con số khác từ Viện Phân tích Quốc phòng Hàn Quốc có trụ sở tại Seoul là 80-90, cho biết thêm Bình Nhưỡng đang tìm cách nâng lên 100-300 đầu đạn trong thời gian tới.

Theo đánh giá trong báo cáo năm 2020 của Liên Hợp Quốc, Triều Tiên có thể đã phát triển các thiết bị hạt nhân thu nhỏ để lắp vào đầu đạn tên lửa đạn đạo.

Không chỉ vậy, kể từ năm 2019, Triều Tiên đã đẩy nhanh việc phát triển tên lửa tầm ngắn chạy bằng nhiên liệu rắn, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, được thiết kế nhằm tấn công các mục tiêu quan trọng ở Hàn Quốc, bao gồm cả căn cứ quân sự Mỹ. Việc sử dụng nhiên liệu rắn sẽ tốn ít thời gian chuẩn bị, dễ di chuyển, và khó bị phát hiện hơn, theo AP.

Trong vụ phóng hôm 20/2, hãng thông tấn KCNA mô tả "pháo phản lực phóng loạt 600 mm được sử dụng là vũ khí hạt nhân chiến thuật”, có khả năng làm "tê liệt" một sân bay của đối phương. Trong khi đó, Hàn Quốc nói đây là hệ thống tên lửa tầm ngắn.

Tuy nhiên, một số chuyên gia nghi ngờ về thông báo của Triều Tiên. “Tại sao họ cần tới 4 vũ khí hạt nhân chiến thuật chỉ để phá hủy một sân bay? Ngoài ra, liệu có quốc gia nào tiết lộ kịch bản tấn công qua phương tiện truyền thông nhà nước không?”, AP dẫn lời nhà phân tích Shin Jong Woo tại Diễn đàn An ninh và Quốc phòng Hàn Quốc.

Ngoài ra, những hệ thống vũ khí tầm ngắn mới khác của Triều Tiên bao gồm loại tên lửa dường như mô phỏng theo hệ thống đạn đạo di động Iskander của Nga hoặc bề ngoài giống hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân MGM-140 của Mỹ.

Được phóng từ các phương tiện trên mặt đất, những tên lửa này có thể cơ động và bay ở độ cao thấp. Về mặt lý thuyết, điều này tạo cơ hội lớn hơn đánh bại các hệ thống phòng thủ tên lửa của Hàn Quốc và Mỹ.

Việc Triều Tiên có khả năng trang bị tên lửa tầm ngắn mang đầu đạn hạt nhân hay không vẫn chưa rõ. Tuy nhiên, nước này có tên lửa tầm trung mang đầu đạn hạt nhân Hwasong-12.

Tên lửa này có khả năng vươn tới đảo Guam - trung tâm quân sự lớn của Mỹ ở Thái Bình Dương. Nước này đang phát triển dòng tên lửa Pukguksong tầm trung, sử dụng nhiên liệu rắn, có thể phóng từ tàu ngầm lẫn phương tiện trên mặt đất.

Tình hình căng thẳng

Tên lửa Triều Tiên dường như có khả năng đạt tầm xa vươn tới Mỹ sau khi họ thử nghiệm thành công ICBM Hwasong-15 vào tháng 11/2017. Sau đó, ICBM Hwasong-17 được giới thiệu tại cuộc duyệt binh kỷ niệm 75 năm thành lập đảng Lao động cầm quyền vào tháng 10/2020.

Loại vũ khí này được phô diễn nổi bật một lần nữa tại cuộc duyệt binh tháng 2 năm nay.

Loại tên lửa này có thể đã phát nổ ngay sau khi phóng trong một vụ bắn thất bại vào giữa tháng 3/2022, nhưng Bình Nhưỡng tuyên bố các vụ phóng tiếp theo đã thành công.

Dẫu vậy, vẫn chưa rõ liệu các ICBM của nước này có thể đánh bại các hệ thống chống tên lửa và đủ tinh vi để tấn công các mục tiêu đã định hay không, cũng như liệu các đầu đạn có thể chịu được nhiệt độ cực cao trong giai đoạn hồi quyển.

ten lua Trieu Tien anh 3

Hình ảnh được công bố ngày 19/2 về ông Kim Jong Un và con gái ở gần một ICBM. Ảnh: Reuters.

Tính đến nay, Triều Tiên đã tiến hành 6 vụ thử hạt nhân. Vụ thử gần nhất vào năm 2017 có đương lượng nổ là 120-250 kiloton. (Một kiloton tương đương với lực của 1.000 tấn TNT).

Con số này vượt xa đương lượng nổ 15-20 kiloton của vụ đánh bom phá hủy 2 thành phố Hiroshima và Nagasaki của Mỹ năm 1945 giết chết hơn 200.000 người.

Trước những động thái bắn tên lửa gần đây của Bình Nhưỡng, ông Howell nhận định tình hình an ninh trên bán đảo Triều Tiên đang căng thẳng.

Dẫu vậy, vị chuyên gia cho rằng Triều Tiên đang có nhiều mối quan tâm cấp bách hơn trong nước, đặc biệt là về kinh tế và khả năng xảy ra tình trạng thiếu lương thực.

“Điều đó có thể sẽ ảnh hưởng đến tính toán của chính quyền ông Kim Jong Un về việc thử hạt nhân hoặc phóng tên lửa”, vị tiến sĩ cho hay.

Bắc Triều Tiên qua 100 câu hỏi

Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách về Triều Tiên có tựa đề "Bắc Triều Tiên qua 100 câu hỏi" do NXB Chính trị Quốc gia Sự thật xuất bản năm 2021. Cuốn sách giúp bạn đọc có cách nhìn đầy đủ, rõ nét hơn khi tìm hiểu về đất nước, con người Triều Tiên, cũng như cập nhật những thông tin về tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội Triều Tiên hiện nay.

Vì sao ICBM nhiên liệu rắn của Triều Tiên gây chú ý?

Giới quan sát cho rằng Bình Nhưỡng có thể đạt bước tiến đáng chú ý về công nghệ hạt nhân nếu thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) sử dụng nhiên liệu rắn.

Triều Tiên phóng hai tên lửa đạn đạo

Quân đội Hàn Quốc ngày 20/2 cho biết Triều Tiên đã phóng hai tên lửa đạn đạo ngoài khơi bờ biển phía đông nước này.

Phương Linh - Vân Đinh

Bạn có thể quan tâm