Vào tháng 5/2021, khi cuộc chiến giữa IDF và Hamas đang tập trung ở Dải Gaza, tình trạng bất ổn bắt đầu lan rộng đến các thành phố của Israel với sự đụng độ giữa các nhóm người Arab và người Do Thái.
Chính sự bất ổn này đã góp phần giúp các phe phái đối lập trong chính trường Israel hợp sức để đánh bật ông Benjamin Netanyahu khỏi chiếc ghế thủ tướng. Nhưng chỉ 17 tháng sau, hậu quả từ tình trạng bất ổn đó lại giúp "Vua Bibi" trở lại với chiếc ghế này - đứng đầu một liên minh thiên hữu nhất cầm quyền ở Israel từ trước tới nay, theo New York Times.
Tổng thống Israel Isaac Herzog thông báo ngày 13/11 dự kiến mời ông Netanyahu thành lập chính phủ tiếp theo của Israel, mở đường cho sự trở lại của nhà lãnh đạo tại vị lâu nhất nước này.
Ông Benjamin Netanyahu sẽ quay trở lại ghế thủ tướng Israel sau khi đảng Likud của ông liên minh với một đảng cực hữu để thành lập chính phủ. Ảnh: New York Times. |
Một Israel ngày càng thiên hữu
Sau những cuộc bạo động và xung đột giao phái ở các thành phố Israel vào năm ngoái, người kế nhiệm ông Netanyahu là ông Naftili Bennett đưa ra cam kết sẽ hàn gắn sự chia rẽ tôn giáo nghiêm trọng ở quốc gia này.
Ông Bennett, người từng là chánh văn phòng trong nội các của ông Netanyahu, thành lập một liên minh với các phe trung dung, cánh tả và nhóm chính trị Arab ở Israel để lật đổ chiếc ghế của ông Netanyhu.
Nhưng trong cuộc bầu cử quốc hội diễn ra tuần vừa rồi, các cử tri Do Thái cánh hữu đã trừng phạt quyết định đó của ông Bennett, khi họ ngày càng quan ngại rằng một chính phủ liên minh với các chính trị gia Arab sẽ ảnh hưởng đến bản sắc của nhà nước Do Thái.
Các đảng đứng sau liên minh của ông Bennett thất bại thảm hại trong cuộc bầu cử này, trong khi sự ủng hộ được chuyển tới các liên minh có quan điểm thiên hữu hơn.
Điều này được chứng minh bởi thành công của của Religious Zionism, một đảng cực hữu nhận được số phiếu nhiều thứ 3 trong cuộc bầu cử. Và đảng Likud của ông Netanyahu đã liên minh với nhóm này để có đủ số ghế thành lập chính phủ mới.
Xu hướng thiên hữu của chính trị Israel bắt đầu từ nhiều thập kỷ trước, và tăng tốc sau cuộc nổi dậy intifada lần thứ 2 của người Palestine vào đầu thập niên 2000. Một làn sóng tấn công bạo lực của người Palestine vào khi đó, và phần nào đó là cuộc chiến chống khủng bố của Washington, khiến cho người Israel tin rằng họ phải quyết liệt hơn.
Còn trong cuộc bầu cử quốc hội vừa qua, sự ủng hộ gia tăng dành cho các đảng thiên hữu bắt nguồn từ nỗi lo lắng của các cử tri về việc Israel đang đánh mất đi bản sắc của nhà nước Do Thái, theo Guardian.
Làn sóng bạo động mùa hè 2021 diễn ra trong bối cảnh tình hình bất ổn ở Jerusalem và một cuộc chiến ở Gaza giữa IDF và các nhóm vũ trang Hồi giáo. Những cuộc bạo loạn này diễn ra trên lãnh thổ Israel, dẫn đến cái chết của 2 người Do Thái và 2 người Arab, cùng hàng trăm người bị thương và hàng nghìn người bị bắt, đa số là người Arab.
Đối với những người Arab, chiếm 20% dân số 9 triệu người của Israel, chuỗi sự kiện này và những gì diễn ra sau đó tạo cho họ một cảm giác bất an và bị phân biệt đối xử. Đối với người Do Thái, họ cũng có một cảm giác bất an - về một kẻ thù ở ngay bên trong nhà nước của họ.
Việc thành lập một chính phủ liên minh hồi năm ngoái của ông Bennett, bao gồm cả phe thiên hữu lẫn phe thiên tả và đảng của những người Hồi giáo Arab, một phần bắt nguồn từ tính toán thực dụng để thu hút nhiều phiếu bầu, nhưng nó cũng được hy vọng sẽ cứu vãn sự chia rẽ giữa người Do Thái và Arab trên đất Israel, khuyến khích mối quan hệ đối tác chặt chẽ hơn.
Người ủng hộ ông Netanyahu tập trung tại một cuộc vận động tranh cử của đảng Likud hồi tháng trước. Likud vẫn là đảng có được nhiều phiếu nhất trong cuộc bầu cử quốc hội vừa qua. Ảnh: New York Times. |
Tuy nhiên, đối với những cử tri thiên hữu, đây được coi là một sự phản bội. Họ cho rằng việc liên minh của ông Bennett phải dựa vào Raam - một đảng của người Arab - để chiếm đa số trong quốc hội, là sự đe dọa đối với tính Do Thái của nhà nước Israel.
Thêm vào đó, các đảng Do Thái thiên tả trong liên minh của ông Bennett cũng ủng hộ việc loại bỏ ảnh hưởng của tôn giáo ở một số khía cạnh đời sống của Israel, ví dụ như việc cho phép giao thông công cộng hoạt động vào ngày lễ Sabbath của người Do Thái. Điều này lại càng làm trầm trọng thêm nỗi lo của các cử tri.
"Ai là chủ nhà?"
Đồng minh của ông Netanyahu trong liên minh chính phủ sắp tới là Itamar Ben-Gvir, người đứng đầu Religious Zionism. Chiến dịch vận động tranh cử của ông Ben-Gvir gần như tập trung vào những nỗi lo kể trên: Ông cam kết sẽ giải quyết tình trạng bất ổn, chấm dứt ảnh hưởng của người Arab trên chính trường Israel, và củng cố bản sắc Do Thái của Israel.
Các video quảng cáo trong chiến dịch vận động của ông Ben-Gvir đặt ra câu hỏi với người xem: "Ai là chủ nhà ở đây?" - ý muốn nói rằng đất nước Israel là của người Do Thái.
Bản thân ông Ben-Gvir cũng là nhân vật rất gây tranh cãi. Khi còn trẻ, ông bị kết án kích động phân biệt chủng tộc, và ủng hộ một nhóm khủng bố gồm những người Do Thái cực đoan. Ông này thậm chí không được nhập ngũ vì giới chức Israel cho rằng ông có quan điểm quá cực đoan, mặc dù việc nhập ngũ ở Israel là bắt buộc.
Nhưng đối với các cử tri ủng hộ, ông Ben-Gvir là một người thẳng thắn, người đã nhận ra sự lo lắng của một bộ phận người Do Thái và đề xuất phản ứng thích hợp.
"Mọi người bỏ phiếu cho ông ấy (Ben-Gvir), không nhất thiết vì họ ủng hộ sự phân biệt chủng tộc, mà vì họ nghĩ rằng ông ấy có thể trở thành nhà lãnh đạo cứng rắn, giúp mang lại trật tự cho đường phố", ông Shuki Friedman, Phó chủ tịch Viện Chính sách Người Do Thái có trụ sở ở Jerusalem, nhận định.
Các cử tri bỏ phiếu cho ông Ben-Gvir cũng nói rằng họ không nhất thiết phải đồng ý với tất cả quan điểm của chính trị gia này.
Ông Itamar Ben-Gvir là lãnh đạo của Religious Zionism, đảng cực hữu cam kết sẽ bảo vệ các đặc tính của một nhà nước Do Thái ở Israel. Ảnh: New York Times. |
Bà Rinat Mazuz-Bloch là người đứng đầu một nhóm thanh niên. Bà đã bỏ phiếu cho ông Bennett vào năm 2021, nhưng giờ lá phiếu của bà đã dành cho ông Ben-Gvir.
"Mọi người không bỏ phiếu cho Ben-Gvir vì chúng tôi muốn trả đũa người Arab. Họ ở đây và chúng tôi cần phải sống cùng họ", bà Mazuz-Bloch nói.
"Nhưng chúng tôi phải gửi đi thông điệp rõ ràng, rằng đây là một nhà nước Do Thái", bà nói thêm.
Vấn đề Trung Đông
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Châu Phi - Trung Đông: Những vấn đề chính trị và kinh tế nổi bật". Cuốn sách giới thiệu cuộc cải cách thể chế chính trị và kinh tế ở châu Phi và Trung Đông từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay. Cuốn sách bao trùm nhiều vấn đề về sắc tộc, khả năng giải quyết mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, chính sách của các nước lớn, dầu mỏ, khí đốt ở hai khu vực này,...