Huyện Murshidabad là vùng nông thôn điển hình ở Ấn Độ. Ảnh: Sudhiti Naskar |
Murshidabad là một huyện nông thôn đặc trưng ở bang West Bengal, Ấn Độ - với bầu không khí bụi bặm, các làng nằm rải rác, người dân khó tiếp cận dịch vụ y tế và các cơ sở hạ tầng khác.
Nhiều phụ nữ trong vùng là nạn nhân của các vụ hiếp dâm và bạo lực tình dục. Nhưng vì một số lý do, họ chọn cách giữ im lặng.
Họ cần kết hôn
4 năm trước, kẻ xấu hiếp dâm một thiếu nữ khi cô đi vệ sinh. Bố mẹ cô không đệ đơn kiện dù họ biết hung thủ. Người dân trong làng nói hung thủ từng cưỡng hiếp một nạn nhân khác.
Các gia đình có con gái ở vùng nông thôn hẻo lánh tại Ấn Độ luôn đối mặt với nguy cơ từ nạn hiếp dâm. Ảnh: Sudhiti Naskar |
“Cô ấy cần kết hôn trong vài năm tới”, người thân của nạn nhân nói.
Nếu gia đình công bố vụ hãm hiếp, con gái họ sẽ không thể tìm chồng. Trong các cộng đồng ở nông thôn, trinh tiết là tiêu chí quan trọng khi các chàng trai kén vợ.
Cô gái và gia đình chấp nhận giữ im lặng, nhận sự an ủi và đồng cảm từ họ hàng và bạn bè. Dù họ thắng kiện thì công lý không thể khỏa lấp nỗi đau của nạn nhân và cô cũng mất cơ hội lấy chồng trong tương lai.
Hiện tại, cô gái đang học tại một trường cao đẳng. Cô muốn tiếp tục học và tự chữa lành vết thương trong sự câm lặng.
Sợ mang tiếng xấu
Dân làng bắt đầu xa lánh Bandana Bagdi khi cô định tố cáo kẻ muốn hiếp dâm cô. Ảnh: Sudhiti Naskar |
Bandana Bagdi là vợ của một nông dân nghèo trong làng. Một gã đàn ông từng định hãm hiếp cô, nhưng cô chạy thoát.
Sau đó, cô cùng chồng và các anh em đứng lên chống lại thủ phạm. Đột nhiên dân làng bắt đầu xa lánh cô.
“Họ bảo tôi là một phụ nữ xấu”, cô nói.
Dư luận nông thôn Ấn Độ thường đổ trách nhiệm lên các nạn nhân trong các vụ tấn công tình dục.
Kẻ tấn công là người có thế lực
Việc báo án lên cảnh sát quá rắc rối đối với một "bà già nghèo và ít học" như Golechera Bewa. Ảnh: Sudhiti Naskar |
Golechera Bewa, một cụ bà 60 tuổi sống tại làng Kelai, cảm thấy bất lực. Khi Ajida Khatun, cô con gái 19 tuổi của bà, đi qua đoạn đường vắng vẻ trong buổi tối để trở về nhà, một gã đàn ông kéo cô lại với ý đồ cưỡng hiếp. Cô gái chạy thoát.
Gia đình Bewa không thể báo cảnh sát vì mọi chuyện quá rắc rối đối với một “bà già nghèo và có học vấn thấp”. Bà cũng không dám đưa vụ việc lên hội đồng làng vì lo Khatun phải chịu tiếng xấu.
“Danh dự là thứ duy nhất chúng tôi có. Nếu mất nó, chúng tôi không thể tiếp tục sống trong làng”, Bewa giải thích.
Sự do dự của bà còn xuất phát từ việc thủ phạm là một kẻ khá giả.
Một số đàn ông trong làng từng làm việc tại các nước Trung Đông và kiếm khoản tiền lớn. Khi trở về, họ trở thành người có thế lực.
Phụ nữ ở vùng nông thôn cảm thấy họ nằm ở tầng đáy của xã hội. Ảnh: Sudhiti Naskar |
Rajib Lochan Roy, luật sư từng đại diện cho các nạn nhân của các vụ hiếp dâm trong làng, cho biết, những tên “nhà giàu mới nổi” thường kiêu ngạo.
“Chúng dùng tiền và quyền lực để giải quyết hậu quả của hành vi phạm tội”, ông nói.
Vị luật sư nhận định cách giải quyết của các thủ phạm tương tự như việc “lãnh chúa dùng tiền để áp đặt ý muốn của họ lên những phụ nữ thuộc thành phần thấp kém”.
Thông thường, người dân vùng nông thôn giải quyết các vụ hãm hiếp bằng tiền và thỏa thuận cá nhân thay vì trình sự việc lên cảnh sát.
Danh dự của làng
Giống như danh dự cá nhân, danh dự của làng là nguyên nhân người ta giấu sự thật về các vụ hiếp dâm. Các làng trong huyện Murshidabad liên kết với nhau bằng quan hệ hôn nhân và huyết thống qua nhiều thế hệ. Việc nạn nhân báo án có thể đe dọa danh tiếng cả làng.
Vì thế, người dân trong làng thường gây sức ép lên nạn nhân để họ giấu vụ việc. Họ nghĩ sự im lặng sẽ giúp họ tránh xung đột, đảm bảo an toàn cho cả làng.
Các làng ở nông thôn Ấn Độ liên kết với nhau bằng mối quan hệ hôn nhân và huyết thống qua nhiều thế hệ. Ảnh: Sudhiti Naskar |
Cảnh sát chịu áp lực chính trị
Vụ án của vợ ông Bapi Das là một trường hợp gây tranh cãi. Cảnh sát kết luận hung thủ giết nạn nhân sau khi hai người quan hệ tình dục tự nguyện.
Tuy nhiên, báo cáo khám nghiệm tử thi cho thấy đây là một vụ cưỡng bức. Hiện tại, Bapi Das đang tiếp tục làm việc với Ủy ban Nhân quyền ở hai thành phố Delhi và Calcutta để đòi công lý cho vợ.
Nhóm người đòi nhân quyền do người dân địa phương lập ra để ủng hộ Bapi Das cảm thấy cảnh sát đang phải chịu áp lực chính trị khi giải quyết các vụ án liên quan đến hiếp dâm.