Hôm 14/11, New York Times đưa tin Amazon có kế hoạch sa thải khoảng 10.000 nhân sự hoạt động trong mảng công nghệ và quản trị doanh nghiệp. Động thái được đưa ra sau một loạt vụ sa thải và đóng băng tuyển dụng trong lĩnh vực công nghệ. Meta - công ty mẹ của Facebook - đã sa thải 13% nhân viên, tương đương hơn 11.000 người.
Nguyên nhân chính là nhu cầu sụt giảm trong thời kỳ hậu Covid-19. Các lệnh phong tỏa trong thời kỳ đại dịch khiến người tiêu dùng mắc kẹt ở nhà. Họ dành nhiều thời gian mua hàng trực tuyến, sử dụng mạng xã hội và chơi game nhiều hơn.
Để đáp ứng nhu cầu tăng vọt, các công ty công nghệ đã tuyển dụng ồ ạt. Riêng Amazon thuê thêm hàng trăm nghìn lao động để xử lý lượng công việc tăng vọt. Công ty thậm chí còn tặng tiền cho những người lao động mới.
Amazon thuê thêm hàng trăm nghìn lao động trong thời kỳ đại dịch. Ảnh: Reuters. |
Nhu cầu giảm mạnh
Nhưng khi dịch Covid-19 qua đi, mọi người trở lại văn phòng và dành nhiều thời gian ở ngoài hơn, mức độ tương tác trên các nền tảng công nghệ giảm đi và kéo tụt doanh thu. Những đế chế công nghệ - vốn đã mở rộng ồ ạt trong thời kỳ đại dịch - giờ cần ít nhân viên hơn để quản lý các nền tảng.
Các công ty công nghệ từng cho rằng đại dịch sẽ làm thay đổi hành vi của người tiêu dùng vĩnh viễn, ngay cả khi dịch Covid-19 qua đi. Nhưng họ đã nhầm.
Tồi tệ hơn, nền kinh tế toàn cầu đang phát đi những tín hiệu về một cuộc suy thoái. Nhu cầu đối với các sản phẩm không thiết yếu đã đi xuống.
Triển vọng kinh tế xấu đi và sức mua giảm xuống khiến người tiêu dùng trì hoãn chi tiêu.
Nhu cầu đi xuống vì lạm phát và triển vọng kinh tế xấu đi. Ảnh: Reuters. |
Trên thực tế, Amazon là một trong những công ty công nghệ ổn định nhất về mặt tuyển dụng. Quyết định sa thải 10.000 nhân sự sẽ là đợt cắt giảm lớn nhất của Amazon từ trước đến nay.
Việc Amazon sa thải ồ ạt là tín hiệu cho thấy tâm lý của người tiêu dùng đang lao dốc. Đáng nói, quyết định được đưa ra chỉ vài tuần trước kỳ nghỉ lễ, vốn là thời điểm tốt nhất trong năm của thương mại điện tử.
Các nguồn tin cho biết nhóm nhân viên bị sa thải chủ yếu ở mảng thiết bị và sản phẩm, bao gồm nhân sự liên quan đến phần mềm trợ lý ảo Alexa.
Đầu tháng này, Amazon đã thông báo đóng băng tuyển dụng. Bà Beth Galetti - Phó chủ tịch cấp cao về trải nghiệm và công nghệ của Amazon - thừa nhận tập đoàn đang đối mặt với "môi trường kinh tế vĩ mô bất thường".
"Cơn bão" sa thải
Amazon là cái tên mới nhất trong danh sách dài công ty công nghệ tuyên bố sa thải trong thời gian qua. Trong một bức thư gửi nhân viên hôm 8/11, CEO Meta Mark Zuckerberg cho biết công ty mẹ Facebook đã bắt đầu sa thải 13% nhân viên, tương đương hơn 11.000 người.
Ông cho biết Meta đang cố gắng trở thành một công ty tinh gọn, hiệu quả thông qua việc cắt giảm những khoản chi tiêu không cần thiết và đóng băng tuyển dụng đến hết quý I/2023.
Meta đang lao đao vì doanh số bán hàng lao dốc do các doanh nghiệp cắt giảm chi tiêu cho quảng cáo. Bản cập nhật iOS 2021 của Apple khiến Facebook bị hạn chế khả năng nhắm mục tiêu đối tượng quảng cáo hơn. Công ty mẹ của Facebook cũng chật vật thu hút người dùng trẻ, cạnh tranh với những cái tên như TikTok.
Tương tự Amazon, Meta đã tuyển dụng ồ ạt trong thời kỳ đại dịch. Công ty mẹ Facebook tuyển thêm 27.000 nhân viên trong năm 2020 và 2021, và 15.344 người vào 9 tháng năm nay.
Meta đang sa thải hơn 11.000 nhân sự. Ảnh: Reuters. |
Nền tảng truyền thông xã hội Twitter cũng mạnh tay cắt giảm nhân sự sau khi được tỷ phú Elon Musk tiếp quản. Ông tuyên bố việc sa thải là cần thiết để hợp lý hóa mô hình kinh doanh của nền tảng.
Ông Jack Dorsey - đồng sáng lập, cựu CEO của Twitter - cũng thừa nhận rằng đã tuyển thêm quá nhiều nhân viên trong những năm gần đây.
Làn sóng cắt giảm nhân sự đang lan rộng trong ngành công nghệ. Apple chưa tuyên bố sa thải nhân viên nhưng đã giảm tốc độ tuyển dụng. Gã khổng lồ công nghệ Mỹ nhận thấy nhu cầu đối với các sản phẩm và dịch vụ lao dốc.
Độc giả có thể tìm thêm nhiều câu chuyện truyền cảm hứng về những gương doanh nhân thành công, kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp và những kiến thức mới mẻ thời đại 4.0 ở tuyển tập sách của Zing tại Tủ sách kinh tế.