Đơn ảo, review ảo là vấn nạn trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam. Hàng triệu lượt mua, đánh giá toàn 5 sao không còn là chỉ số đáng tin khi người dùng mua hàng qua mạng. Điều này còn tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh, khiến người bán trên sàn phải đua nhau đẩy số để không bị thiệt thòi.
Theo chia sẻ của nhiều người bán trên Shopee với Tri thức - Znews, nền tảng đã có những đợt truy quét vấn nạn đơn ảo, nhưng tình trạng vẫn tiếp diễn. Việc dễ dàng tạo gian hàng mới sau khi shop cũ bị xóa khiến những nỗ lực xử lý trở nên vô nghĩa. Ngoài ra, các sàn vẫn có lỗ hổng trong quản lý, không thể ngăn chặn hoàn toàn tình trạng nêu trên.
Triệu đơn mỗi tháng
Khi tìm kiếm từ khóa “Giày Adidas Superstar” trên nền tảng Shopee, chuyển sang mục bán chạy, người dùng dễ dàng nhìn thấy những sản phẩm có lượng bán đến hàng triệu mỗi tháng. Ví dụ như shop Kittst**** địa chỉ tại Hà Nội bán được 3,6 triệu đôi giày trong 30 ngày gần nhất. Hay một gian hàng khác có tên King.S***** với sản phẩm tương tự, đã bán 2 triệu đôi trong một tháng.
Về lý thuyết, với giá hiển thị khoảng 230.000 đồng/đôi, chủ shop nói trên có thể thu về 828 tỷ đồng. Đây là con số không tưởng với một sản phẩm đang bán trên sàn TMĐT Việt Nam. Đáng nói, tình trạng này xuất hiện ở nhiều ngành hàng. Có những shop mới lập, nhưng sản phẩm nào cũng có lượt mua đến hàng triệu.
Một cửa hàng bán được 3,6 triệu sản phẩm nhưng chỉ có 107 đánh giá của người mua. Ảnh: Xuân Sang. |
Trao đổi với Tri Thức - Znews, ông Nguyễn Thanh Tùng, một người bán ngành hàng phụ kiện trên các nền tảng trực tuyến, cho biết những sản phẩm này đã được “buff đơn ảo”. Đây là thuật ngữ được dùng phổ biến trong mảng bán hàng trực tuyến tại Việt Nam, chỉ các thủ thuật để qua mặt nền tảng, tăng số lượng bán cho một món hàng nào đó, mà không phải lượt mua thực tế từ người dùng cuối.
“Người dùng có thể nhận ra những shop ‘buff đơn ảo’ bằng các so sánh giữa lượt mua với số review (đánh giá). Mức trung bình của nền tảng là 20%. Nếu tỷ lệ này bị chênh quá nhiều, khách hàng nên cân nhắc”, ông Đỗ Quang Huy, chuyên gia mảng TMĐT, Giám đốc công ty Ecotop, chia sẻ.
Lý do là việc đẩy đơn ảo được thực hiện bằng cách thêm vào lựa chọn khác để đẩy số lượng. Việc dùng các tài khoản mua hàng đánh giá sẽ để lộ việc buff đơn ảo, không hiển thị đúng món hàng.
Như trường hợp shop ở trên, bán tới 3,6 triệu sản phẩm mỗi tháng nhưng lượng đánh giá chỉ có 107 lượt, tỷ lệ chưa đến 0,003%.
Các chiêu trò chạy đơn ảo
Việc buff đơn ảo có nhiều cách thực hiện. Trong mỗi giai đoạn, người bán, bên cung cấp phần mềm lại có chiêu trò khác nhau để vượt qua các đợt truy quét của nền tảng. Về nguyên tắc chung, họ lợi dụng kẽ hở thiết lập tùy chọn cho món hàng để tạo ra sản phẩm giá rẻ, nhằm mục đích buff số lượng.
Bảng giá của bên cung cấp dịch vụ "buff đơn". Ảnh: @oxovn. |
Ví dụ, khi muốn đẩy số lượng bán giả cho một đôi giày có giá 300.000 đồng. Chủ shop tạo thêm một tùy chọn bán dây giày, giá vài nghìn đồng. Sau đó họ sẽ thuê người thật hoặc dùng công cụ hỗ trợ, đặt số lượng lớn sản phẩm. Trên hệ thống, toàn bộ số đơn hàng giao dịch đều được tính cho sản phẩm chính, là đôi giày giá 300.000 đồng.
Theo ông Huy, việc đặt giá thấp cho món cần chạy giúp giảm tiền chi trả cho nền tảng. Shopee thu phí theo % giá trị của đơn hàng. Do vậy, đơn hàng giá thấp giúp tiết kiệm khoản phải chia cho sàn. Ngoài ra, phần này cũng giảm đi doanh thu ghi nhận, không phải nộp thuế nhiều.
Sau khi hoàn thành, người bán chỉ cần xóa tùy chọn giá thấp đi. Như vậy, khách hàng khi tìm kiếm chỉ thấy món hàng với lượng bán khổng lồ.
Ngoài ra, nhiều bên cung cấp công cụ tự động để người bán dễ dàng chạy đơn ảo. Khi tìm kiếm trên mạng xã hội, chủ shop dễ dàng tìm được các gói dịch vụ như dùng API phần mềm hay điện thoại gắn SIM riêng lẻ, tránh bị nền tảng phát hiện. Có bên khác chào hàng với giá hấp dẫn, chỉ 2.000 đồng cho mỗi đơn ảo.
Hệ quả toàn ngành
Lượng bán, đánh giá từng là một trong các yếu tố giúp người dùng đưa ra quyết định khi mua hàng. Bà Quỳnh Anh, ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM mua một chiếc thảm vì có lượng bán nhiều hơn đáng kể so với sản phẩm khác. “Tuy nhiên khi nhận hàng, tôi rất thất vọng vì kích thước và chất liệu không như kỳ vọng”, khách hàng này chia sẻ.
Người dùng cho biết không còn tin tưởng vào lượng bán sau trải nghiệm mua hàng nói trên.
Ngoài ra, việc các shop “buff đơn ảo” nằm ở vị trí cao trong mục tìm kiếm, dễ dàng bán được hàng khiến việc cạnh tranh trên các sàn TMĐT không còn lành mạnh. “Nó buộc các shop phải tham gia vào cuộc đua, ai cũng phải buff số lượng để không thua kém, dễ bán được hàng”, ông Huy chia sẻ quan điểm.
Từ phía người bán, ông Thanh Tùng cho rằng khách hàng đã quen thuộc với số lượng bán cao hiển thị bên cạnh sản phẩm. Việc một sản phẩm mới, có 0 lượt bán, được chọn mua rất hiếm. Do vậy, chủ shop đều phải chạy đơn ảo, tạo ấn tượng tốt ban đầu.
Một loại sản phẩm nhưng lượt bán đều từ vài trăm nghìn đến hàng triệu đơn mỗi tháng. Ảnh: Xuân Sang. |
“Việc buff đơn xuất hiện trên hầu hết sàn TMĐT tại Việt Nam. Shopee gặp tình trạng này nhiều nhất bởi thị phần lớn, cả người bán và người mua đều đông. Lazada yếu hơn nên không phổ biến bằng. Còn TikTok Shop phụ thuộc vào việc tạo video, livestream rất tốn công, nên người bán sợ bị khóa tài khoản khi buff đơn ảo”, ông Đỗ Quang Huy trả lời Tri Thức - Znews.
Về nguyên tắc, các nền tảng nghiêm cấm hoàn toàn việc tạo đơn ảo, đánh giá giả. Theo quy định của Shopee, nếu hành vi nói trên bị phát hiện, sàn có thể ngừng hỗ trợ voucher, chặn rút tiền, khóa vĩnh viễn tài khoản người bán… Những điều khoản tương tự cũng được Lazada, TikTok Shop áp dụng.
Tuy nhiên, vấn nạn nói trên vẫn chưa được giải quyết hoàn toàn. “Đây như cuộc chiến giữa sàn với người bán vậy. Một bên tìm cách ngăn chặn, bên lại cố vượt rào”, ông Huy nói thêm.
Nhóm người săn lùng loại mã độc nguy hiểm nhất thế giới công nghệ
Trong quyển sách mới, Renee Dudley và Daniel Golden đưa độc giả đến gần hơn với cuộc chiến thầm lặng của những chuyên gia công nghệ toàn cầu, chống lại kẻ đứng sau ransomware.