Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đằng sau những lần thay đổi logo của các ngân hàng Việt

Nếu ví logo như bộ quần áo mà ngân hàng khoác lên, thì ai quan tâm và hiểu giá trị mà bộ quần áo mang lại sẽ chọn những món đẹp nhất, song cũng phải đạt được hiệu quả tối ưu.

Những biến động của nền kinh tế trong thời gian vừa qua là một nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi về nhiều mặt tại các ngân hàng. Điều này cũng là một trong những lý do khiến ngân hàng quyết định có sự thay đổi về mặt nhận diện thương hiệu, mà thay đổi đầu tiên chính là về logo - biểu tượng của mỗi đơn vị. Sự thay đổi đó, bất luận mang lại kết quả kinh doanh tốt hơn hay tệ đi thì vẫn là việc cần thiết phải thực hiện trong bối cảnh các nhà băng luôn cần phải làm mới mình.

Việc thay đổi nhận diện thương hiệu tại các ngân hàng có thể được lý giải bằng nhiều nguyên nhân. Đổi nhân sự cấp cao, cảm thấy thương hiệu không còn sức hấp dẫn đối với khách hàng, hay muốn thể hiện cái tôi, làm mới mình... có thể được coi là những lý do cơ bản nhất. Thay đổi nhận diện thương hiệu không đơn thuần chỉ mang ý nghĩa thay đổi vẻ bề ngoài, mà trên thực tế, nó kéo theo một cơ số những đổi mới có tính hệ thống tại các ngân hàng.

Cách đây vài năm, sự kiện một ngân hàng tại Việt Nam chi hàng triệu USD cho việc thiết kế lại nhận diện thương hiệu đã cho thấy tầm quan trọng của logo trong lĩnh vực kinh doanh, mà ở đây cụ thể là ngành ngân hàng. Thực chất, cần phải hiểu rằng số tiền hàng triệu USD được chi ra không đơn thuần chỉ dành cho một việc duy nhất là thiết kế logo, mà đằng sau nó còn là chiến dịch phát triển, phủ sóng và tối đa hoá khả năng nhận diện của thương hiệu.

Ngân hàng
Ngân hàng thay đổi nhận diện thương hiệu vừa giúp làm mới mình, vừa tạo ra nhiều giá trị gia tăng khác. Ảnh: Thời báo Kinh tế Sài Gòn.

Trao đổi với Zing.vn, một chuyên gia về thương hiệu cho hay, các ngân hàng luôn phải nghĩ tới việc phủ sóng thương hiệu như một yếu tố quan trọng hàng đầu. Bởi nếu không phủ sóng được thương hiệu, đồng nghĩa với việc hoạt động kinh doanh "coi như là chết". Việc ngân hàng Việt Nam thuê những công ty hàng đầu nước ngoài với một số tiền lớn để tạo ra nhận diện thương hiệu mới, cũng là điều dễ hiểu khi mà trên thực tế, đó là cả một kế hoạch dài hơi giúp tối đa hóa tầm phủ sóng của thương hiệu, bên cạnh những hiệu quả kinh tế khác.

Vì sao ngân hàng Việt thường có slogan gần giống nhau?

Không phải ngẫu nhiên, slogan của nhiều ngân hàng Việt thường sử dụng những cụm từ mang tính tâm lý như “niềm tin”, “thịnh vượng”, “giá trị”, “ước mơ”.

Thay đổi nhận diện thương hiệu kích thích các đơn vị tung ra nhiều chiêu bài mới, bên cạnh việc quảng cáo nhằm thu hút khách hàng. Điều này về lý thuyết sẽ tăng khả năng đạt hiệu quả kinh doanh tốt hơn, bởi các đơn vị sẽ có sự đầu tư cũng như chiến dịch rõ ràng. Dù hiệu quả hoạt động với những chỉ tiêu định lượng vẫn là yếu tố căn bản nhất để xác định hiệu quả hoạt động của ngân hàng, song những yếu tố định lượng nói trên lại bị chi phối không ít bởi các vấn đề mang tính định tính là động lực, kết quả công việc của từng cá nhân, bộ phận. Về khía cạnh nào đó, sự thay đổi này mang lại cho các nhân viên ngân hàng động lực làm việc, kích thích tiềm năng của mỗi người.

Kết quả thực tế cho thấy, năm 2013 khi OceanBank đã hoàn thành thay đổi hệ thống nhận diện thương hiệu mới trên toàn hệ thống, từ logo, màu sắc cho đến thiết kế không gian các điểm giao dịch, với mục tiêu gia tăng sức mạnh thương hiệu, nâng cao hình ảnh nhận diện. Con số 500.000 khách hàng đạt được năm đó, tăng 76% là một sự khích lệ lớn với ngân hàng này, đồng thời cho thấy quyết định thay đổi nhận diện thương hiệu của ban lãnh đạo đã mang lại hiệu quả.

Tương tự OceanBank, Vietcombank vào năm 2013 cũng có sự thay đổi nhận diện thương hiệu và cũng nhận được những kết quả khả quan. Điều này phần nào khẳng định tầm quan trọng của chiến lược xây dựng nhận dạng thương hiệu. Những kết quả khả quan mà các ngân hàng đạt được khi thay đổi nhận dạng thương hiệu phần nào xua tan những quan điểm xem nhẹ tầm quan trọng của việc này, khi mà có rất nhiều người vẫn hiểm nhầm việc tại sao phải bỏ một số tiền lớn như vậy cho thiết kế logo.

Gần đây nhất, ngân hàng Á Châu (ACB) cũng mạnh dạn thay đổi hình ảnh mới, sau 21 năm gắn bó với nhận diện thương hiệu cũ. 12 sọc ngang xuyên suốt các chữ cái A, B, C được thay đổi bằng một chấm tròn. Bày tỏ quan điểm trên Thời báo kinh tế Sài Gòn, Chủ tịch HĐQT ACB, ông Trần Hùng Huy, cho biết phương châm của ngân hàng này trong chặng đường mới là đặt con người vào trung tâm của sự phát triển. Người đứng đầu HĐQT một trong những ngân hàng thương mại top đầu Việt Nam kỳ vọng "toàn bộ nhận diện thương hiệu mới của ACB phải trở thành một phần thân thiết, tận tụy mà luôn mới mẻ để có thể ở lại, gắn bó lâu hơn cùng những trải nghiệm khách hàng" - lời hứa lâu dài của ACB.

Theo một chuyên gia trong lĩnh vực marketing thương hiệu, các ngân hàng sẽ chọn thay đổi chiến lược thương hiệu khi cảm thấy hình ảnh hiện tại không chuyển tải được hoặc chuyển tải không đầy đủ lợi ích mang lại cho khách hàng. Tùy theo định hướng mà mỗi ngân hàng có thể lên kế hoạch cho sự thay đổi nhận diện thương hiệu của mình trong những khoảng thời gian phù hợp nhất để không bị sự tác động bất lợi của chu kỳ kinh tế.

Giải mã chuyện 'thay áo' của các ngân hàng Việt

Một số ngân hàng đang tính chuyện thay đổi nhận diện thương hiệu mới thay thế cho hình ảnh cũ đã tồn tại nhiều năm. Liệu bình mới, rượu có mới?

 

Tô Đức

Bạn có thể quan tâm