Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đằng sau kiệt tác 'Bữa tối cuối cùng' của Leonardo da Vinci

Ludovico Sforza được cho là nhà bảo trợ đứng đằng sau đơn đặt hàng tác phẩm “Bữa tối cuối cùng” (The Last Supper).

Các tu sĩ Dominican của Tu viện Santa Maria delle Grazie ở Milan đã trở thành người thụ hưởng món quà hào phóng của ông.

Năm 1495, kết thúc bất ngờ cho sự chuẩn bị kỹ lưỡng của Leonardo trong việc đúc tượng người cưỡi ngựa bằng đồng cho nhà Sforza đã cho phép ông có thời gian rảnh để nhận một đơn đặt hàng mới.

Tu viện Santa Maria delle Grazie

Leonardo da Vinci anh 1

Bữa tối cuối cùng, Domenico Ghirlandaio, 1476-1480. Đây là chủ đề truyền thống cho phòng ăn trong các tu viện. Bức bích họa này đặt tại phòng ăn nhỏ của tu viện San Marco, Florence.

Có lẽ Ludovico đã đặt Leonardo vẽ bức Bữa tối cuối cùng (L’Ultima Cena, 1495-1497) như một sự an ủi cho sự thất vọng mà ông hẳn đã cảm thấy sau khi tạo ra mô hình ngựa bằng đất sét khổng lồ nhưng không thể hoàn thành nó bằng đồng. Tu viện Santa Maria delle Grazie đang được tu bổ và mở rộng.

Năm 1492, người ta đặt những viên đá đầu tiên xây dựng khu vực ngồi của dàn hợp xướng mới. Nhà bảo trợ là Ludovico Sforza, đã lên kế hoạch xây dựng lăng mộ gia đình trong nhà thờ. Chủ đề của bức tranh trong phòng ăn được cho là do Ludovico lựa chọn; tuy nhiên, theo yêu cầu truyền thống về sự hiện diện của một bức Bữa tối cuối cùng, theo một hình thức nào đó, là đặt trong những phòng ăn của tu viện và nhà tu kín. Bức bích họa Bữa tối cuối cùng của Domenico Ghirlandaio, người học trò cũ của Verrocchio, năm 1486, đặt trong tu viện San Macro, Florence, là một ví dụ đương thời.

Bức họa khổng lồ

Kích thước to lớn của bức tranh Bữa tối cuối cùng của Leonardo, 460 x 880 cm (181 x 346,5 in), đã được lên kế hoạch để lấp đầy bức tường phía bắc bên trong. Đây là một mặt hẹp của không gian hình chữ nhật. Leonardo dự tính cho ảo ảnh quang học của những vị khách là một phần trong bức Bữa tối cuối cùng; bước vào phòng như là bước vào bức tranh.

Vị trí những cánh cửa sắt của tu viện được sơn đằng sau những người ngồi với quang cảnh ở xa hơn những ô cửa sổ nhằm tạo nên hiệu ứng mở rộng của phòng ăn, nơi Chúa Jesus và các tông đồ đang ngồi trò chuyện tại bàn ăn. Tác phẩm của Leonardo diễn biến với nhịp độ chậm.

Leonardo da Vinci anh 2

Bữa tối cuối cùng (trước giai đoạn phục chế 1978-1997). Leonardo đặt hình tượng của Judas, thường ngồi đối diện với Chúa Jesus và các tông đồ của mình, ở cùng phía của bàn.

Tác giả người Italy Matteo Bandello (1485 - 1561), vào năm 1554 đã ghi lại Leonardo đã dành “… hai, ba hoặc bốn ngày mà không chạm vào nó [bức họa]; nhưng ông luôn ở đó, đôi khi trong một hoặc hai giờ, và ông chỉ trầm ngâm, cân nhắc và bình phẩm, đôi khi tranh luận với chính mình và những nhân vật mà ông đã tạo ra”.

Những chỉ thị từ Ludovico Sforza, được viết vào ngày 29 tháng 6 năm 1497, gửi qua cận thần Marchesino Stanga, cụ thể là: “... hối thúc Leonardo thành Florence hoàn thành công việc trong phòng ăn của Grazie mà ông đã bắt đầu… và những điều khoản [hợp đồng] mà ông đã tự tay ký sẽ được thực thi để buộc ông phải hoàn thành công việc đúng thời hạn đã thỏa thuận”.

Leonardo da Vinci anh 3

Bữa tối cuối cùng (sau phục chế).

Sự công nhận thiên tài

Ngay cả trước khi Leonardo hoàn thành Bữa tối cuối cùng vào năm 1497, tác phẩm đã được gọi là “phép lạ”, và là tác phẩm tuyệt vời nhất của ông, nâng cao danh tiếng của người họa sĩ. Ông đã không chọn vẽ bích họa, phương pháp thường sử dụng để vẽ tranh tường, thay vào đó là sự kết hợp của các loại sơn dầu và màu vẽ được làm theo công thức riêng của ông.

Trong cung điện, bức tranh được ca ngợi là một kiệt tác bởi nhà toán học và tu sĩ dòng Franciscan, Luca Bartolomeo Pacioli (1445 - 1517). Pacioli đã tận dụng cơ hội ca ngợi bức Bữa tối cuối cùng trong cuốn sách của mình, Bàn về tỉ lệ thần thánh (Di divina proportione, 1509), một sự hợp tác với Leonardo.

Bữa tiệc lươn và cam

Trước khi làm sạch bức tranh Bữa tối cuối cùng trong giai đoạn 1978-1997, những món mà Leonardo đã bày ra cho bữa ăn cuối cùng của Chúa Jesus và các tông đồ đã gây nhiều tranh cãi. Truyền thống quy định một bữa ăn tượng trưng gồm thịt cừu, bánh mì và rượu vang. Tình trạng tồi tệ của bức tranh khiến việc xác nhận cụ thể các loại thức ăn trở nên khó khăn. Ngày nay, tác phẩm sau khôi phục tiết lộ rằng Leonardo đã chọn vẽ lươn nướng và cam cắt lát. Leonardo được biết sở hữu một bản sao của cuốn sách công thức nấu ăn Bàn về khoái lạc đúng đắn và sức khỏe tốt (De honesta voluptate et valetudine), năm 1465, xuất bản năm 1474, của tác giả người Italy Bartolomeo Platina (1421 - 1481). Công thức bao gồm mơ, lươn nướng và bánh mì tiêu.

Giống đồng nghiệp người Florence, Michelangelo Buonarroti, Leonardo thường viết một danh sách mua sắm bên cạnh bản phác thảo. Nghiên cứu đã xác định những điểm tương đồng giữa thói quen ăn uống của chính ông và các món ăn trong bức Bữa tối cuối cùng, và mặc dù có nhiều suy đoán, có rất ít bằng chứng để chứng minh cho giả thuyết ông là người ăn chay.

Rosalind Ormiston / Omega Plus - NXB Dân trí

SÁCH HAY