Theo CNN, 20 quốc gia sử dụng đồng euro đã rơi vào một cuộc suy thoái nhẹ trong năm nay. Lạm phát cao kìm hãm chi tiêu tiêu dùng và buộc các chính phủ thắt chặt hầu bao.
Theo dữ liệu chính thức được công bố hôm 8/6, sau khi điều chỉnh, GDP của khu vực đồng euro trong quý I giảm 0,1% so với quý cuối năm ngoái. Đây là quý thứ hai liên tiếp GDP của khu vực ghi nhận mức giảm.
Một nền kinh tế được cho là suy thoái kỹ thuật khi trải qua 2 quý liên tiếp tăng trưởng âm. Tuy nhiên, nền kinh tế châu Âu nói chung đã tránh được suy thoái. Trên khắp khối này, tổng GDP tăng 0,1% trong quý I, sau khi giảm 0,2% vào quý IV/2022.
Suy thoái kỹ thuật
Nhận xét về cuộc suy thoái kỹ thuật của khu vực đồng euro, ông Andrew Kenningham - chuyên gia kinh tế trưởng về châu Âu tại Capital Economics - cho rằng tiêu dùng của các hộ gia đình đã bị ảnh hưởng nặng nề vì giá cả và lãi suất tăng cao.
Nhưng theo ông Frederik Ducrozet - Trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế vĩ mô tại Pictet Wealth Management - tình hình có thể tồi tệ hơn nữa do cú sốc đối với thu nhập sau khi được điều chỉnh theo lạm phát.
Sau khi Nga phát động cuộc chiến ở Ukraine, lạm phát ở khu vực đồng euro đã tăng vọt. Dù đã hạ nhiệt phần nào, mức tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 5 vẫn cao hơn 6,1% so với một năm trước đó.
Chi tiêu chính phủ giảm mạnh cũng là một nguyên nhân lớn khác dẫn tới sự sụt giảm GDP vào đầu năm nay.
Cả khu vực đồng euro và toàn bộ Liên minh châu Âu (EU) đã tụt hậu so với nền kinh tế Mỹ. Theo dữ liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), GDP trên khắp Đại Tây Dương tăng 0,3% trong quý đầu tiên, sau khi ghi nhận mức tăng 0,6% vào quý IV năm ngoái.
Trong khi đó, theo báo cáo mới được Bộ Thương mại Mỹ công bố, GDP nước này ghi nhận tốc độ tăng trưởng 1,3% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn ước tính ban đầu là 1,1%.
Bài toán khó với ECB
Theo các ước tính trước đó, GDP của khu vực đồng euro tăng nhẹ trong quý đầu tiên. Theo ông Claus Vistesen - nhà kinh tế trưởng khu vực đồng euro tại Pantheon Macroeconomics - GDP bị điều chỉnh giảm chủ yếu do Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu - và Ireland giảm tốc tăng trưởng mạnh hơn dự báo.
Theo dữ liệu được Văn phòng Thống kê Liên bang Đức công bố hôm 25/5, GDP nước này đã được điều chỉnh giảm từ đi ngang (tăng 0%) xuống mức giảm 0,3% trong quý I.
Trong quý cuối cùng của năm ngoái, nền kinh tế lớn nhất châu Âu ghi nhận mức giảm 0,5%. Tăng trưởng kinh tế lao dốc đáng kể do các hộ gia đình nước này thắt chặt chi tiêu.
Theo cơ quan thống kê, các hộ gia đình Đức đã cắt giảm chi tiêu mạnh tay trong quý đầu tiên. Người tiêu dùng không còn muốn chi tiền cho ôtô, đồ đạc và quần áo. Tổng chi tiêu tiêu dùng giảm 1,2% trong quý I.
"Tình trạng lạm phát kéo dài vẫn là gánh nặng đối với nền kinh tế vào đầu năm nay", cơ quan này thừa nhận.
"Xét cho cùng, Đức đã rơi vào suy thoái từ quý cuối cùng của năm ngoái. Cú sốc chi phí năng lượng đè nặng lên sức mạnh chi tiêu của người tiêu dùng", CNBC dẫn lời ông Claus Vistesen - chuyên gia kinh tế trưởng phụ trách khu vực đồng euro tại Pantheon Macroeconomics - nhận định.
Với việc khu vực đồng euro rơi vào suy thoái kỹ thuật, bài toàn dành cho Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) sẽ trở nên phức tạp hơn. Cơ quan này sẽ có cuộc họp chính sách quan trọng trong tuần tới.
Lạm phát vẫn cao gấp 3 lần mục tiêu của ngân hàng trung ương, nhưng việc tăng lãi suất hơn nữa có thể giáng đòn lên nền kinh tế.
"Chúng tôi tin rằng GDP có thể tiếp tục lao dốc trong quý II, do tác động của việc thắt chặt chính sách tiền tệ lan rộng", ông Kenningham tại Capital Economics nhận định.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.