Cuối tháng 9, show diễn Xuân Hè 2022 của nhà mốt Versace được diễn ra. Thay vì tập trung vào bộ sưu tập, khán giả quan tâm chuyện siêu mẫu huyền thoại Naomi Campbell “diễn lót” cho ca sĩ Dua Lipa. Trong khi đó, báo chí quốc tế ít quan tâm vị trí của người mẫu trên sàn diễn.
Đến đầu tháng 11, người mẫu Thùy Dương (TyhD) và Hoa hậu Lương Thùy Linh có màn tranh cãi về quan điểm diễn lót, first face và vedette trong một chương trình truyền hình thực tế.
Hai quan điểm gây tranh cãi hiện tại là vị trí trên sàn diễn thể hiện đẳng cấp người mẫu hay vai trò lớn nhất của người trình diễn thời trang là tôn lên trang phục của nhà thiết kế.
Làng thời trang Việt và câu chuyện không hồi kết
Trong phần giới thiệu chương trình The Next Face, hai huấn luyện viên Thùy Dương và Lương Thùy Linh có quan điểm trái ngược về vị trí của người mẫu trên sàn diễn.
Trong vòng lập đội, Miss World Vietnam 2019 dùng danh xưng hoa hậu và kinh nghiệm “toàn diễn vị trí first face, vedette” để chiêu dụ thí sinh. ThyD lập tức phản đối: “Không có ai phải diễn lót cho ai cả. Em đi diễn để nhận spotlight hay mang đến giá trị cho nhà thiết kế?”.
Vào nghề sau Thùy Dương và H’Hen Niê, Lương Thùy Linh vẫn tự tin vào khả năng. Cô cho rằng first face hay vedette đều mang đến giá trị cho nhà thiết kế nhưng sự chú ý chỉ thực sự dành cho hai vị trí này.
Câu chuyện tương tự xảy ra tại cuộc thi The Look năm 2017. Thời điểm đó, Hoa hậu Việt Nam 2014 Kỳ Duyên ngồi ghế huấn luyện viên cùng Minh Tú và Phạm Hương - hai ngôi sao dày dặn kinh nghiệm trong nghề mẫu.
Trong lần chiêu dụ thí sinh, Kỳ Duyên nói: “Sau khi hết nhiệm kỳ hoa hậu, Duyên chuyển hẳn sang thời trang, diễn cho các nhà thiết kế hàng đầu Việt Nam và toàn diễn ở vị trí first face và vedette”.
Lương Thùy Linh và Thùy Dương bị so sánh về kinh nghiệm, số năm hoạt động trong nghề. Ảnh: Anh Khoa, NVCC. |
Minh Tú sau đó cho rằng việc phân biệt rạch ròi vị trí trên sàn diễn là không cần thiết.
“Ở đây ai cũng từng diễn first face và vedette. Khi xác định bản thân là người mẫu chuyên nghiệp, dù diễn ở vị trí nào cùng có thể tỏa sáng. Đừng mang việc diễn vedette để thuyết phục thí sinh”, nữ người mẫu phản bác.
Hiện tại, đặc thù của làng thời trang Việt Nam là các nhà thiết kế thường để vị trí đẹp first face (người mở màn) và vedette (kết show) cho những người mẫu hàng đầu, đôi khi là hoa hậu, diễn viên thậm chí là ca sĩ.
Vì vậy, khi xét câu nói của Lương Thùy Linh trong bối cảnh sàn diễn Việt, cô không hoàn toàn sai khi cho rằng first face và vedette là hai vị trí chiếm spotlight của show diễn.
Chỉ sau hai năm đăng quang Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2019 và vào top 12 Miss World, Lương Thùy Linh được các nhà thiết kế hàng đầu Việt Nam ưu ái cho xuất hiện ở vị trí first face, vedette trên sàn diễn.
Một số first face, vedette quen thuộc của làng thời trang Việt Nam hiện tại là Thanh Hằng, Võ Hoàng Yến, Minh Tú, Hoàng Thùy, Kỳ Duyên, Mâu Thủy, H’Hen Niê…
Làng mốt thế giới không quan trọng vị trí sàn diễn
Cuối tháng 9, show diễn Versace Xuân Hè 2022 diễn ra tại Tuần lễ thời trang Milan, Italy. Sàn diễn quy tụ dàn sao nổi tiếng như Gigi Hadid, Emily Ratajkowski, Lourdes Leon - con gái Madonna, Irina Shayk và siêu mẫu Naomi Campbell.
Là nàng thơ lâu năm của nhà mốt Versace, Naomi Campbell vẫn “diễn lót”. Người kết show, nắm tay nhà thiết kế Donatella Versace ra chào khán giả là ca sĩ Dua Lipa.
Làng thời trang thế giới xem đây là điều bình thường, quy luật tre già măng mọc, ai là vedette không quá quan trọng.
First face và vedette là hai vị trí được chú ý nhất tại các tuần lễ thời trang lớn trên thế giới. Tuy nhiên, đó là chuyện của quá khứ, thời kỳ người mẫu còn là những ngôi sao sàn diễn, cát-xê cao ngất ngưởng.
Thập niên 1990, thế hệ siêu mẫu như Naomi Campbell, Cindy Crawford, Linda Evangelista, Christy Turlington, Claudia Schiffer… oanh tạc các sàn diễn. Họ được xem là ngôi sao, vị thế không khác gì diễn viên, ca sĩ hạng A tại Hollywood.
Naomi Campbell và Dua Lipa tại show Versace Xuân Hè 2022. Ảnh: Vogue. |
Thời điểm đó, vị trí đẹp như mở màn, kết show chỉ dành cho những người mẫu danh giá. Điều đó dần khiến người mẫu mắc bệnh ngôi sao, liên tục đưa ra những yêu sách. Linda Evangelista từng gây sốc với câu nói: “Tôi không rời giường nếu nhận cát-xê ít hơn 10.000 USD/ngày”.
Đến thập niên 2000, kỷ nguyên siêu mẫu thoái trào. Nhiều cô gái lấn sân sang nghề người mẫu, điều này đồng nghĩa với việc “cung nhiều hơn cầu”, nghề người mẫu từ ngôi sao dần trở nên bình thường trong giới thời trang.
Trước đó, người mẫu thiên về phong cách trình diễn, cách walk ngựa giậm của Gisele Bundchen hay mạnh mẽ như báo đen của Naomi Campbell chỉ còn là hoài niệm. Công chúng nhắc đến họ là những người tiên phong, sáng tạo cách catwalk riêng.
Giờ đây, khi thời trang đường phố phát triển mạnh, người mẫu được yêu cầu catwalk càng tối giản càng tốt. Người mẫu từ “phô diễn hình thể” dần chuyển sang xu hướng “tôn lên giá trị của bộ trang phục”.
Vì vậy, ranh giới giữa first face, vedette hay “diễn lót” - cụm từ gần đây được bàn tán nhiều, chỉ những người mẫu đi giữa show diễn - dần bị xóa nhòa, thậm chí không ai quan tâm.
Nói cách khác, khi trình diễn trên sân khấu, spotlight không dành cho người mẫu mà thuộc về trang phục. Cách walk tĩnh, không thể hiện cá tính riêng được đề cao tại thị trường quốc tế.
Xu hướng người mẫu size 0 là biểu hiện rõ nhất của việc vị trí trên sàn diễn không quan trọng bằng bộ trang phục người mẫu đang mặc trên người.
Theo World Report, các nhà thiết kế thời nay xem người mẫu là “chiếc móc di động”. Họ cần người mẫu càng gầy càng tốt để tôn lên vóc dáng của trang phục. Nhà thiết kế không hề muốn khán giả xem người mẫu đánh hông, khoe ba vòng gợi cảm. Họ muốn hướng toàn bộ sự chú ý của người xem vào bộ sưu tập.
Nếu như cách đây 5 năm, việc các IT Girls, con gái của người nổi tiếng sải bước trên sàn diễn ở vị trí mở màn, kết show làm dấy lên cuộc tranh luận. Ngày nay, làng mốt thế giới xem đó là điều bình thường. Ai diễn lót cho ai không quan trọng, điều nhà thiết kế cần là bộ trang phục có sức hút với khán giả hay không.