Theo Guardian, Cyabra - công ty an ninh mạng của Israel - nói nhiều dấu hiệu cho thấy một âm mưu đứng sau vụ bức ảnh giả về lính Australia cắt cổ thường dân Afghanistan lan truyền trên mạng xã hội.
Tấm ảnh vốn do phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đăng tải.
Cụ thể, công ty Israel xác định 57% số tài khoản Twitter tương tác với bài đăng của ông Triệu là tài khoản giả mạo. Đây là "bằng chứng cho thấy một chiến dịch bóp méo thông tin quy mô lớn được dựng lên" nhằm khuếch đại thông tin sai sự thật, theo Cyabra.
Trong 1.344 tài khoản được nghiên cứu, đa phần chúng được lập vào tháng 11 và chỉ được sử dụng đúng một lần duy nhất là dẫn lại bài đăng của ông Triệu, Cyabra cho biết.
Tấm ảnh được đăng trên Twitter ông Triệu Lập Kiên, hiện đã bị ẩn đi (phần làm mờ do đài ABC của Australia thực hiện). Ảnh: ABC. |
Tuy nhiên, Cyabra không cung cấp chi tiết cá nhân hay tổ chức nào đứng sau chiến dịch phát tán bức ảnh giả.
Trong khi đó, Đại học Công nghệ Queensland phân tích 10.000 bình luận tương tác với bài đăng của ông Triệu, cho thấy đa phần xuất phát từ Trung Quốc - quốc gia cấm sử dụng Twitter.
Nhiều bình luận tại bài đăng đến từ những tài khoản được lập ra trong vòng 24 giờ trước đó và có nội dung giống hệt nhau.
"Khi không nói về trẻ em Afghanistan, họ nói về Hong Kong (Trung Quốc). Điều đó cho thấy chúng (tài khoản) được lập ra phục vụ cho một chiến dịch cụ thể", Tim Graham, chuyên gia của Đại học Công nghệ Queensland, nói.
Ariel Bogle, nhà nghiên cứu từ Viên Chính sách chiến lược Australia, phát hiện những hành vi bất thường từ các tài khoản tương tác với bài đăng của ông Triệu.
"Rất nhiều tài khoản được lập vào ngày 30/11 và 1/12", bà Bogle nói, đồng thời nhấn mạnh các tài khoản chỉ theo dõi tài khoản của ông Triệu.
Đầu năm nay, Twitter từng xóa 175.000 tài khoản phát tán những thông tin không đúng sự thật mang động cơ địa chính trị tuyên truyền cho Trung Quốc.