Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đằng sau cái chết của thuyền trưởng trên tàu Ital Libera

Khi đại dịch Covid-19 bùng phát, thủy thủ tàu viễn dương đứng trước nhiều thách thức chưa từng có. Mọi chuyện còn tồi tệ hơn nếu trên tàu có người không may qua đời.

Thuyền trưởng Angelo Capurro bắt đầu có biểu hiện của Covid-19 một ngày sau khi rời cảng. Năm ngày tiếp theo, ông không thể rời khỏi giường. Sáu ngày sau, ông qua đời.

Mất đi vị thuyền trưởng, tàu MV Ital Libera không còn người lãnh đạo. Thủy thủ đoàn phải giữ thi hài ông Capurro ở kho, trong khi nguy cơ bùng phát dịch cận kề.

Con tàu bị mắc kẹt ở ngoài khơi thủ đô Jakarta, Indonesia trong 6 tuần. Công ty chủ quản của tàu không thể tìm được cảng nào chấp nhận đưa thi hài lên bờ giữa đại dịch. Cuối cùng, thi hài của ông Capurro được đưa về quê hương Italy.

Câu chuyện của ông Capurro phần nào thể hiện tình cảnh chung của giới thủy thủ trong đại dịch.

Cái chết trên tàu

Ông Capurro làm nghề đi biển trong cả cuộc đời. Ngày 27/3, ông bay từ Italy đến Nam Phi để chuẩn bị cho hành trình mới. Tàu Ital Libera nhổ neo rời cảng Durban ngày 1/4. Đích đến của con tàu là Singapore.

Ngay ngày 2/4, ông Capurro có dấu hiệu mắc Covid-19 như ho không ngừng, đau ngực, đau cơ và khó thở. Tình trạng của ông ngày một xấu đi, khiến gia đình lo lắng. Những email của ông gửi về nhà thất thường và rời rạc hơn. Những cuộc gọi liên tục bị ngắt quãng bởi tiếng ho.

tham kich tren tau anh 1

Thuyền trưởng Angelo Capurro qua đời trong hải trình từ Nam Phi đến Singapore, nghi do Covid-19. Ảnh: CNN.

Đến ngày 7/4, ông không thể rời khỏi giường bệnh trong cabin thuyền trưởng. Một thủy thủ nhận nhiệm vụ mang thức ăn và thuốc men đến cho ông. Capurro cũng là nhân viên y tế của tàu, do đó khi ông đổ bệnh, không ai khác có thể giúp đỡ.

“Một con tàu như Ital Libera không có nhân viên y tế chuyên nghiệp. Thay vào đó, một người được đào tạo y tế cơ bản sẽ có trách nhiệm chăm sóc sức khỏe”, ông Rory McCourt, người phát ngôn Liên đoàn Công nhân vận tải thế giới (ITF), nói.

Ông Capurro tự điều trị bằng paracetamol và thở oxy. Khi nhận ra sức khỏe của chồng mình biến chuyển xấu, bà Mollard, vợ ông Capurro, liên hệ với công ty chủ quản của con tàu Italia Marittima. Đây là chi nhánh của tập đoàn vận tải Evergreen, đơn vị chủ quản của tàu Ever Given, con tàu từng làm kênh đào Suez tắc nghẽn.

Bà Mollard yêu cầu chăm sóc y tế cho chồng mình, cũng như đưa ông xuống cảng gần nhất nếu cần thiết. Tuy vậy, yêu cầu của bà bị từ chối.

Ngày 11/4, ông Capurro xét nghiệm nhanh Covid-19 và có kết quả âm tính. Không tin tưởng kết quả này, bà Mollard tiếp tục yêu cầu đơn vị vận hành con tàu cho chồng mình vào bờ điều trị, nhưng không được hồi âm.

Hai ngày sau, ông Capurro qua đời.

Lúc này, con tàu chỉ còn cách Singapore 3 ngày đường. “Đây là sự khởi đầu cho hành trình khác thường và thiếu nhân đạo”, luật sư của gia đình ông Capurro nói.

Theo thông cáo của Italia Marittima, công ty này và các cơ quan ngoại giao Italy đề nghị nhiều quốc gia chấp nhận đưa thi hài ông Capurro lên bờ. Tuy vậy, do tình hình dịch Covid-19, các nước đều không chấp nhận đề nghị này.

Ngày 6/5, một thông cáo xác nhận có thủy thủ trên tàu Ital Libera mắc Covid-19. Tuy vậy, thông cáo này không nói rõ số lượng ca bệnh. Do yêu cầu phòng dịch, con tàu phải tự cách ly ngoài khơi cảng Jakarta, Indonesia.

tham kich tren tau anh 2

Con tàu MV Ital Libera. Ảnh: Haulage News.

Theo con trai ông Capurro, cha anh có thể qua khỏi nếu được đưa lên bờ cách ly ngay sau khi có dấu hiệu mắc bệnh. “Đáng lẽ đã có đủ thời gian để cứu sống cha tôi”, anh nói.

Luật sư của gia đình ông Capurro yêu cầu cơ quan công tố Italy điều tra về cái chết của vị thuyền trưởng. Gia đình cáo buộc công ty chủ quản vì “tai nạn ở nơi làm việc” và “không hỗ trợ”.

Nỗi buồn của thủy thủ

Ông Capurro không phải là người duy nhất lâm vào tình cảnh trên.

Từ tháng 3/2020, thi thể của ít nhất 10 thủy thủ chết trên biển không được đưa vào bờ và phải bảo quản trên tàu, theo ITF.

Trong năm 2020, khi các quốc gia đóng cửa biên giới để chống lại đại dịch Covid-19, hơn 200.000 thủy thủ bị mắc kẹt trên biển hàng tháng vì cảng biển đóng cửa.

Nhiều thủy thủ lênh đênh trên tàu hơn một năm để giúp chuỗi cung ứng hàng hóa tiếp tục hoạt động. Khoảng 80% khối lượng hàng hóa trên thế giới được vận chuyển bằng tàu biển.

Thời gian dài trên biển có tác động tiêu cực đến tâm lý thủy thủ. Theo khảo sát của ITF vào tháng ba, 67% số người được hỏi ghi nhận vấn đề về sức khỏe tinh thần trong thủy thủ đoàn. Tuy vậy, chỉ 52% thừa nhận bản thân gặp vấn đề.

“Mọi người thấy nỗi buồn của người khác. Tuy vậy, họ cố vượt qua và nghĩ rằng mình ổn. Trong khi đó, những người xung quanh không thấy vậy”, ông McCourt nói.

Ngành công nghiệp vận tải biển đang chịu tác động nặng nề của đại dịch. Các biện pháp hạn chế tiếp cận với cảng biển, đóng cửa biên giới và số chuyến bay hạn chế khiến các công ty khó thay thế thủy thủ đoàn cho tàu.

tham kich tren tau anh 3

Các thủy thủ Ấn Độ tại sân bay Changi, Singapore. Họ đang trên đường trở về quê hương sau khi được thay thế. Ảnh: Reuters.

Trong khi đó, gia đình thuyền trưởng Capurro vẫn không chắc chắn về cái chết của ông.

“Chúng tôi không biết ông mắc Covid-19 lúc nào. Chúng tôi chỉ biết ông vẫn khỏe khi rời Italy. Không rõ ông mắc bệnh trên đường đi hay trên tàu. Thậm chí, chúng tôi không chắc ông có mất vì Covid-19 hay không trước khi khám nghiệm tử thi”, con trai ông Capurro nói.

Tàu Ital Libera cập cảng Taranto, Italy ngày 14/6. Lúc này, ông Capurro đã qua đời gần hai tháng. Gia đình ông lái xe hơn 900 km từ thành phố La Spezia đến Taranto để đón người chồng, người cha của mình.

Giữa tiếng còi tàu, thi hài ông Capurro được đưa xuống đất. Linh mục Ezio Succa đọc lời cầu nguyện và ban phước lành cho người đã khuất.

“Cuộc sống của thủy thủ luôn khó khăn, nhưng Covid-19 còn làm mọi thứ tồi tệ hơn”, ông Succa nói.

Cột mốc tang tóc ở 'kho chứa các biến chủng mới' của thế giới

Ngày 19/6, Brazil thông báo vượt mốc 500.000 người chết vì Covid-19. Người dân Brazil đã đổ xuống đường để chỉ trích cách chống dịch của chính phủ Jair Bolsonaro.

‘Cả gia đình tôi ở Ấn Độ mắc Covid-19'

Cả gia đình ở Ấn Độ của nhà báo Washington Post Niha Masih mắc Covid-19. Nhờ các mối quan hệ, họ tìm được điều kiện chăm sóc y tế tốt hơn, nhưng “virus luôn vượt lên trước".

Việt Hà

Theo CNN

Bạn có thể quan tâm