Mẹ tôi phải chiến đấu với việc giảm nồng độ oxy. Các em tôi ho dữ dội. Cha tôi chống chọi với cái chết trong một phòng chăm sóc tích cực (ICU). Ông ngoại tôi, 89 tuổi, đã qua đời.
“Mẹ bất lực rồi”, mẹ nói với tôi trong một cuộc điện thoại đầy căng thẳng vào tháng tư.
“Bất lực” là cụm từ mà tôi đã nghe vô số lần với tư cách là một nhà báo, từ những gia đình bị chia cắt bởi cuộc nội chiến ở Sri Lanka, từ những bà mẹ mất con trai trong cuộc xung đột ở Kashmir, từ những công nhân nhập cư buộc phải đi bộ hàng trăm dặm để về nhà mà không có đồ ăn, nước uống, trong đợt phong tỏa nghiêm ngặt trước đó ở Ấn Độ vì đại dịch Covid-19.
Mỗi lần như vậy, tôi sẽ đưa ra những lời cảm thông hoặc hỏi han thêm. Lần này, tôi cạn lời khi mẹ nói mẹ không thể làm gì hơn để cứu cha.
Dịch bệnh không chừa một ai
Đợt sóng dịch Covid-19 thứ hai tấn công Ấn Độ vào tháng 4 đã hủy hoại hàng chục nghìn gia đình, bao gồm cả gia đình tôi. Ấn Độ nhanh chóng trở thành tâm chấn toàn cầu của đại dịch, những kỷ lục nghiệt ngã được thiết lập mỗi ngày chỉ để bị phá vỡ.
Trong đợt dịch này, Ấn Độ đã phá kỷ lục về số ca dương tính mới cao nhất trong một ngày - với 414.188 ca - cũng như lập kỷ lục mới về số người chết cao nhất trong 24 giờ là 4.529 người. Nước này đã báo cáo hơn 27 triệu ca nhiễm từ khi bắt đầu đại dịch, chỉ đứng sau Mỹ và hơn 300.000 ca tử vong. Các chuyên gia cho rằng cả hai con số này đều thấp hơn nhiều so với thực tế.
Giường bệnh, oxy, dược phẩm, xét nghiệm máu và bác sĩ đều thiếu hụt, hệ thống y tế mong manh của Ấn Độ gần như sụp đổ. Không có chỗ cho cả người còn sống và người đã chết, vì bệnh viện và lò hỏa táng đã kín chỗ.
Hơn chục người trong gia đình tôi rải rác khắp 4 thành phố đều đã nhiễm virus vào giữa tháng 4.
Bi kịch của gia đình tôi cũng là câu chuyện của vô số người dân Ấn Độ.
Virus luôn "nhanh chân" hơn
Hai ngày sau khi tiêm mũi vaccine đầu tiên vào tháng 4, mẹ tôi cảm thấy yếu đi, dường như là do tác dụng phụ. Sau đó, bà sốt và yếu hơn. Em gái tôi bắt đầu ho.
Hai phòng khám tư nhân ở quê tôi, Lucknow, miền Bắc Ấn Độ, đều từ chối xét nghiệm, lấy lý do là một số quy định mới của các nhà chức trách. Cuối cùng một phòng khám cũng chịu xét nghiệm, nhưng phải mất ba ngày mới có kết quả. Hiện tại, mẹ tôi đang bị khó thở và lượng oxy bắt đầu giảm, bà không có bệnh lý nền.
Tôi đáp máy bay từ Delhi đến Lucknow. Bệnh tật ở khắp mọi nơi. Hành khách trên chuyến bay ho sặc sụa. Người vận chuyển hành lý tại khách sạn đang ho. Những người xếp hàng bên ngoài một hiệu thuốc nhỏ gần khách sạn cũng đang ho.
Hai ngày mắc kẹt trong khách sạn, tôi nương tựa vào mọi dấu hiệu tích cực nhỏ bé. Tôi đã gọi cho bạn bè để hỏi chỉ dẫn nhận giường bệnh đề phòng tình hình của mẹ tôi xấu đi. Một vài người nói không có giường trống, những người khác khuyên rằng nên chăm sóc tại nhà trong bối cảnh quá tải tại các bệnh viện. Vào thời điểm đó, cách duy nhất để nhận giường bệnh là có một lá thư giới thiệu từ nhân viên y tế hàng đầu của thành phố.
Lucknow là thủ phủ của Uttar Pradesh, bang lớn nhất của Ấn Độ, nơi có đông dân hơn cả Brazil. Chính phủ gần đây đã xếp Lucknow vào danh sách 5 thành phố tồi tệ nhất cả nước, dựa trên chỉ số sức khỏe. Chính quyền bang, một tu sĩ Ấn Độ giáo, đã bị tòa án cấp cao khiển trách vì không bao giờ lên kế hoạch đối phó, dù biết mức độ nghiêm trọng của làn sóng thứ hai.
Tôi lo cho ông tôi, hiện ông chưa dương tính nhưng đã cách ly trong nhà cùng với các bệnh nhân khác. Tôi tự hỏi liệu có nên đưa ông ra ngoài không. Nhưng đưa đi đâu, khi mà bệnh dịch ở khắp mọi nơi.
Nhờ những đặc quyền và mối quan hệ mà tôi có được, có thể nói tình trạng của gia đình tôi vẫn khá khẩm hơn hàng triệu người khác cùng cảnh ngộ. Thế nhưng, virus dường như lúc nào cũng đi trước gia đình tôi một bước.
Sau một tuần, ngay khi mẹ tôi có vẻ hồi phục, cha tôi đổ bệnh ở Rampur. Trong vài ngày đầu, triệu chứng của cha khá nhẹ. Sau đó, ông xuất hiện tình trạng giảm oxy đột ngột và bệnh tình chuyển biến nghiêm trọng hơn. Một bác sĩ gia đình khuyên cho ông dùng remdesivir cho đến khi chúng tôi có thể tìm được giường bệnh.
Tuy nhiên cả cha và mẹ tôi đều không thể tìm được thuốc. Tôi gọi cho nhiều người, và họ cũng phải gọi điện cho nhiều người khác để tôi có được hai liều thuốc. Tôi vội vã chuyển nó đến Rampur.
Ngày hôm sau, gia đình tôi có một chiếc giường ở Delhi, nhờ bạn tôi cầu xin chủ một bệnh viện tư nhân mà anh ta biết.
Tối hôm ấy, tôi đứng bên ngoài khu cấp cứu của bệnh viện khi một cơn bão bụi ập đến. Tôi thấy mọi người đi ôtô, xe điện và xe cứu thương tìm kiếm giường trong tuyệt vọng. Tất cả đều bị từ chối. Cuối tuần đó, ở thủ đô Delhi, những chiếc giường ICU duy nhất còn trống là tại bệnh viện nhi.
Cha tôi được chẩn đoán là trường hợp viêm phổi nặng do Covid-19 và được đặt máy thở không xâm lấn. "Bất cứ điều gì có thể xảy ra", bác sĩ nói.
Trong một buổi tối, tôi nhận được tin bệnh viện nơi cha tôi nằm chỉ còn có thể cung cấp oxy trong 3 tiếng đồng hồ. Tôi không thể làm gì. Không bệnh viện nào còn giường, và mỗi ngày càng có nhiều bệnh viện hết oxy.
Sự nhẹ nhõm khi tìm được một chiếc giường trong bệnh viện chỉ là kéo dài phút chốc. Tôi đã đi trước hai bước so với nhiều người nhưng lại chậm một bước so với virus.
Những khoảng trống không thể khỏa lấp
Các ca bệnh tử vong vì thiếu oxy vẫn không ngừng xảy ra. Và tôi nhận tin ông tôi đã mắc Covid-19. Lần này, gia đình tôi không có cách nào tìm được giường bệnh. Chúng tôi cố gắng hết sức có thể, tìm cách để ông được truyền nước muối, có bình oxy, và thuê một y tá. Tuy nhiên điều đó không đủ và ông tôi đã qua đời vào hôm sau.
Chúng tôi không có thời gian để đau buồn. Phải lo liệu cho tang lễ của ông.
Tôi đã rất phẫn nộ suốt nhiều tháng khi ghi nhận số người chết vì Covid-19 ở Ấn Độ. Và nay tôi có thể tận mắt chứng kiến điều đó diễn ra theo nhiều cách. Ông tôi qua đời tại nhà, chỉ có kết quả dương tính từ xét nghiệm kháng nguyên nhanh do một phòng thí nghiệm tư nhân thực hiện. Ông tôi không được tính trong số ca tử vong vì Covid-19 của thành phố.
Cũng trong tuần đó, tôi bị sốt cao, ho và co giật. Tôi nhận xét nghiệm dương tính cùng lúc với bạn thân nhất và chúng tôi được cách ly với nhau. Cô ấy nấu ăn và gội đầu cho tôi, để tôi có thể tập trung chăm sóc gia đình và làm việc từ xa.
Các biên tập viên đã cho phép tôi nghỉ ngơi. Nhưng với tư cách là một nhà báo và một công dân, tôi không thể đứng ngoài vào thời điểm đất nước khó khăn. Trong nhiều ngày, tôi phải vật lộn để đưa tin và viết, và tôi cố gắng tìm những từ thích hợp để cô đọng những gì đang xảy ra.
Những sự mất mát vẫn tiếp nối. Danh sách những người quen chết vì Covid-19 ngày một kéo dài: Một cô giáo yêu quý, một bác sĩ từng điều trị cho cha tôi, chú của một người bạn...
Cha tôi xuất viện sau gần một tháng. Sự hồi phục của ông dường như là điều kỳ diệu đến từ công lao của cả một bộ máy, bao gồm các nhân viên y tế, nhân viên vệ sinh, người bạn của gia đình đã ở lại bệnh viện khi tôi dương tính, bác sĩ gọi điện hàng ngày ngay cả khi anh ấy và gia đình đang chiến đấu với căn bệnh quái ác, những người đã cầu nguyện...
Vì phải dồn lực chăm sóc cho cha, chúng tôi vẫn chưa có thời gian để tiếc thương người ông đáng kính đã khuất.
Có những ngày tôi cảm thấy tội lỗi vì đã không làm đủ. Tôi biết đại dịch sẽ kết thúc trong những tháng tới. Cuộc sống sẽ trở lại với thói quen và nhịp điệu bình thường. Nỗi đau lòng sẽ nguôi ngoai. Nỗi tức giận có thể nguôi ngoai. Nhưng đối với nhiều gia đình như tôi, cuộc sống sẽ mang vết sẹo bởi những chiếc ghế trống bên bàn ăn.