Khi chồng của bà Masako Akagi tự tử vào mùa xuân năm 2018, ông đã để lại một lá thư. Vài dòng ngắn gọn trong mẩu thư đó đã đặt người vợ vào cuộc chiến với những chính trị gia quyền lực nhất Nhật Bản, theo New York Times.
Chính trị gia quá cố viết lại rằng chính phủ đã gây sức ép khiến ông phải sửa đổi các tài liệu liên quan đến vợ của cựu Thủ tướng Shinzo Abe. Tài liệu này liên quan đến một thương vụ bất động sản, là một bê bối quốc gia. Toshio Akagi nói thêm trong thư rằng tội lỗi này đã khiến ông tự kết liễu đời mình, theo New York Times.
Ông Shinzo Abe, khi còn là thủ tướng Nhật Bản, và vợ ông, bà Akie Abe, vào năm 2020. Bà Abe có liên quan đến một thương vụ bất động sản đã trở thành vụ bê bối quốc gia. Ảnh: New York Times. |
Lá thư ông Toshio để lại trước khi tự tử còn nêu thêm rằng bằng chứng về vụ việc này đã được ông biên soạn và lưu giữ trong một bộ hồ sơ. Tuy nhiên, chính phủ vẫn chưa công nhận về sự tồn tại của bộ hồ sơ đó. Từ đó, bà Akagi một mình theo đuổi "cuộc chiến độc mã" để tìm ra sự thật.
Hành trình giành lại bộ hồ sơ
Hôm 22/6, chính phủ Nhật đã công bố hồ sơ dài hơn 500 trang. Bộ hồ sơ ghi lại chi tiết các hoạt động của chồng bà Akagi với các quan chức Bộ Tài chính, bao gồm email và các bằng chứng khác để chứng minh lời khẳng định của chồng bà. Bằng sự nỗ lực, bà Akagi đã đưa những quan chức làm việc thiếu minh bạch ra ánh sáng.
Nội dung của hồ sơ, trong đó có một số giao dịch, làm sáng tỏ một số bí ẩn liên quan đến cái chết của chồng bà Akagi.
Một vài manh mối để lại nghi vấn rằng ông Toshio đã chịu áp lực rất lớn để che đậy bê bối liên quan đến bà Akie Abe, vợ của thủ tướng tại vị lâu nhất Nhật Bản. Giao dịch đất đai trong vụ việc này liên quan đến trường học nơi bà Abe làm hiệu trưởng danh dự. Theo đó, bà đã mua đất công xây dựng trường với giá rẻ bất thường.
Vụ việc đã đặt ra một số câu hỏi cho người kế nhiệm của ông Shinzo Abe, Thủ tướng Yoshihide Suga và ông Taro Aso, Bộ trưởng Bộ Tài chính hiện tại và là cựu thủ tưởng. Vụ việc có thể khiến danh tiếng trong giới chính trị của ông Abe bị ảnh hưởng.
Chính quyền từ chối trả lời câu hỏi quan trọng nhất rằng ai chịu trách nhiệm cho sự việc này. Khi các tài liệu đến văn phòng luật sư của bà Akagi vào hôm 22/6, tên của nhiều người được đề cập đã bị che đi với những sọc đen dày.
Tuy việc công bố hồ sơ không có hậu quả chính trị lớn đối với ông Suga hay ông Aso, đây là lời nhắc nhở rằng “vụ bê bối chưa bao giờ thực sự khép lại. Câu hỏi liệu có sự tham gia của các cấp chính trị cao hơn hay không vẫn chưa sáng tỏ”, Tobias Harris, một chuyên gia về Nhật Bản tại Trung tâm Tiến bộ Mỹ, người đã viết một cuốn sách về ông Abe, nói với New York Times.
Hồ sơ đã được biên soạn lại và không đưa ra bằng chứng liên quan đến các quan chức cấp cao. Không có cáo buộc hình sự nào trong vụ án được ghi nhận.
Bà Masako Akagi, vợ của một quan chức Bộ Tài chính đã tự tử, kiểm tra "hồ sơ Akagi", được chính phủ giao hôm 22/6. Ảnh: Japan Times. |
Nhiều nghi vấn
Vụ tiết lộ hồ sơ đã đặt ra câu hỏi về quy trình quản lý dưới thời ông Abe.
“Vụ việc cho thấy nhiều vấn đề xuất phát từ cấu trúc của chính quyền ông Abe. Chúng ta phải tự hỏi liệu những cấu trúc đó làm đúng chức năng dưới thời ông Suga hay không”, ông Izuru Makihara, giáo sư về hệ thống hành chính chính trị tại Đại học Tokyo, đặt vấn đề.
Bộ hồ sơ đã thu hút sự chú ý tới các vấn đề về tính minh bạch của chính phủ Nhật Bản. Trong những năm gần đây, nhiều quan chức chính phủ bị cáo buộc đã cố tình tiêu hủy các tài liệu có khả năng buộc tội và giả mạo dữ liệu.
Ông Yasuomi Sawa, giáo sư báo chí tại Đại học Senshu ở Tokyo, cho biết điều hiếm gặp về trường hợp liên quan đến thỏa thuận đất đai là “chính phủ xác nhận đã thao túng các tài liệu chính thức”.
Theo lý thuyết, luật pháp Nhật Bản yêu cầu chính phủ cung cấp các tài liệu về một loạt các vấn đề cho công chúng. Nhưng trên thực tế, các yêu cầu thường bị cản trở. Tòa án không muốn buộc các quan chức phải tuân theo. Các thẩm phán “thích giữ mọi thứ tiến triển suôn sẻ hơn là đưa ra quyết định tạo tiền lệ quan trọng cho công chúng”, ông Sawa nói.
Phát biểu trước Quốc hội Nhật Bản, ông Abe từng cam kết rằng nếu ông hoặc vợ ông có liên quan đến thỏa thuận đất đai, ông sẽ từ chức.
Hồ sơ cho thấy ông Akagi chịu áp lực lớn nhằm thay đổi các tài liệu có thể buộc tội nhà lãnh đạo. Ban đầu, ông đã nỗ lực chống lại nhưng cấp trên liên tục gây sức ép. Cuối cùng, ông Akagi phải nhượng bộ.
Vào tháng 3/2018, bà Akagi trở về nhà và phát hiện chồng mình đã qua đời. Bức thư ông Toshio để lại bày tỏ cảm giác tội lỗi về hành động của mình.
“Chồng tôi đã rất đau khổ về việc giả mạo các tài liệu”, bà Akagi nói với các phóng viên hôm 24/6.
Bà Akagi được nhìn thấy tại phường Kita của Osaka, vào ngày 6/5 khi cầm trên tay giấy tờ mà chính phủ thừa nhận sự tồn tại của "hồ sơ Akagi". Ảnh: Mainichi. |
Vào tháng 6/2018, Bộ Tài chính đã hoàn thành một cuộc điều tra về việc giả mạo, đưa ra các hình phạt nhẹ đối với các quan chức liên quan. Nhiều quan chức trong nhóm này đã được thăng chức sau đó.
Sau khi ông Toshio qua đời, bà Akagi yêu cầu văn phòng cũ của chồng phải bồi thường. Bà cho rằng việc ông tự tử phải được xếp vào nhóm liên quan đến công việc.
Văn phòng đã đồng ý. Vào tháng 2/2019, văn phòng đã thông báo chính thức về quyết định này.
Nhưng bất chấp mọi yêu cầu, văn phòng từ chối cung cấp lý do đi đến kết luận bồi thường. Chính phủ lúc đó từ chối xác nhận sự tồn tại hồ sơ của ông Akagi.
Năm 2020, bà Akagi quyết định đưa vụ việc lên tòa án. Bà kiện chính phủ đòi 110 triệu yen, tương đương gần 1 triệu USD. Bà cũng công bố thư tuyệt mệnh của chồng nhằm gây áp lực lên chính quyền.
Bà muốn “đảm bảo rằng không có công chức nào khác sẽ phải chết giống như chồng tôi. Tôi muốn thực hiện mong muốn của anh là sự thật phải được giải thích với công chúng”, bà nói hôm 24/6.
Akagi cho biết bà tin rằng trách nhiệm về cái chết của chồng mình cuối cùng thuộc về ông Aso. Tuy nhiên, ông Aso nói rằng ông không có kế hoạch yêu cầu bộ của mình mở một cuộc điều tra mới về vụ việc hoặc tiết lộ thông tin mà chính phủ cho đến nay vẫn giữ kín.
Bà Akagi cho rằng ông Aso và các quan chức tài chính không phải là người đưa ra quyết định cuối cùng.
“Họ là những người đang ở trong tình trạng bị điều tra. Họ không có tư cách để nói liệu có nên tiến hành một cuộc điều tra hay không", bà Akagi cho biết.