- Việc các địa phương xây dựng khu hành chính tập trung vào một nơi để tạo điều kiện giải quyết hồ sơ, thủ tục cho dân rất là tốt nhưng trong bối cảnh ngân sách còn eo hẹp mà dùng 10.000 tỷ đồng để xây dựng trụ sở như đề xuất của Hải Phòng mới đây có cần thiết, thưa Phó thủ tướng?
- Bây giờ phải xem cụ thể quy mô như thế nào, bao nhiêu công trình, phải biết phương thức thực hiện là gì… Còn nói chung chung hơi khó.
Nhiều nơi xây trụ sở mới bằng cách đổi trụ sở cũ qua đấu giá. Tất nhiên nguồn vẫn là của ngân sách nhà nước nhưng tính toán hiệu quả phải cụ thể, không thể nói chung chung. Có nơi làm rồi và có hiệu quả.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh: Tinh thần chung là phải tiết kiệm. |
Tinh thần chung là phải tiết kiệm, tùy thuộc vào từng nơi để cân đối vốn ngân sách thế nào.
Nhiều nơi người ta lo các vấn đề khác cho dân trước, song rồi mới làm trụ sở. Như Bình Dương chẳng hạn, người ta làm nông thôn, trường học, bệnh viện trước rồi mới quay lại làm đô thị sau. Như vậy là rất tốt và đáng hoan nghênh.
- Trong 10.000 tỷ đồng Hải Phòng đề xuất thì có đến 7.000 tỷ đồng là “xin” ngân sách Trung ương?
- Về nguyên tắc, tất cả các dự án địa phương quyết định gì nhưng phải cân đối được nguồn, nguồn từ Trung ương phải được Trung ương đồng ý rồi mới quyết định.
Không có chuyện địa phương quyết định, để Trung ương đầu tư. Nếu đề xuất xin từ nguồn Trung ương nhiều, Bộ KH&ĐT sẽ thẩm định. Dù địa phương có nguồn rồi nhưng khi đề xuất phần chênh lệch từ Trung ương thì Trung ương có đồng ý mới được làm.
Quy định rất chặt chẽ, không có chuyện địa phương quyết xong là Trung ương chi.
Giữ lại tiền thanh tra moi ngay
- Liệu có tình trạng phần ngân sách lẽ ra nộp cho Trung ương nhưng địa phương giữ lại để làm những việc của mình không, thưa ông?
- Ngày xưa chưa có luật Ngân sách còn có tình trạng này, từ khi có luật Ngân sách không ai dám làm chuyện đó. Giữ lại thanh tra moi ra ngay lập tức. Hạch toán nhầm còn bị bắt điều chỉnh lại.
Không có chuyện ngân sách của địa phương phải nộp về Trung ương mà giữ lại để làm những việc như xây trụ sở.
- Trong các phiên họp của Chính phủ gần đây có nói đến chuyện xây dựng trụ sở của các địa phương và có đưa ra giải pháp để đảm bảo cân đối ngân sách?
- Trong các phiên họp Thường trực Chính phủ cũng có nhắc đến việc xây dựng trụ sở của các địa phương và đưa ra yêu cầu quy hoạch.
Chính phủ đang chỉ đạo tập trung nguồn vốn để kêu gọi đầu tư, kể cả thanh toán nợ cơ bản. Lần này cân đối ngân sách cũng đưa quy định này vào. Thậm chí Chính phủ còn đề xuất mạnh mẽ hơn phải thanh toán xong nợ mới bố trí cái mới.
Tinh thần chung phải tiết kiệm, không có cách nào khác cả. Không chỉ việc xây dựng trụ sở mà nhiều thứ như xe công cũng vậy. Mấy năm nay không mua sắm thêm xe mới mà chỉ điều chuyển là chủ yếu.
ĐBQH Trần Du Lịch, ủy viên UB Kinh tế QH: Không ăn nói được với dân
Lúc này là lúc cả hệ thống chính trị phải tiết kiệm chứ không riêng ai. Ở một số địa phương như Đà Nẵng làm trung tâm hành chính với nguyên tắc lấy toàn bộ cơ quan rải rác gom lại bán quỹ đất đó lấy mình nuôi mình chứ không lấy ngân sách bố trí hàng năm, không lấy thuế của dân. Nếu dùng thuế, phí thu để đầu tư vào trụ sở thì không nên, phải cấm ít nhất trong thời gian 5 năm tới.
Bất cứ địa phương nào dùng tiền ngân sách để xây trụ sở hoành tráng tôi cũng không đồng tình. Trong tình trạng nợ nần thế này, chúng ta không ăn nói được với dân.