Ngày 3/9, Ban Kinh tế Trung ương sẽ phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức Cuộc vận động “Doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp ý kiến hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế”. Sự kiện khẳng định sự coi trọng của Đảng và Nhà nước đối với doanh nghiệp, doanh nhân trong sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước.
Cuộc vận động hướng tới huy động trí tuệ của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân người Việt Nam trong và ngoài nước trong nhận diện, phản ánh các vấn đề ách tắc, vướng mắc và đề xuất, góp ý với Đảng và Nhà nước về các giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế.
Doanh nghiệp cần “sân chơi bình đẳng”
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh cuộc vận động lần này thể hiện sự đổi mới trong cách thức phổ biến, quán triệt các chủ trương đường lối của Đảng đến với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân.
Qua đó, giúp cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân nâng cao được nhận thức của mình và nâng cao được ý thức chấp hành chủ trương đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình. Ảnh: T. Trung. |
Mặt khác, qua cuộc vận động, các doanh nghiệp, doanh nhân thuộc mọi thành phần kinh tế có điều kiện để thể hiện mạnh mẽ hơn nữa ý thức trách nhiệm của mình thông qua những hoạt đông sản xuất kinh doanh.
“Mục tiêu là cùng nhau phấn đấu để làm sao thực hiện được mong ước, khát khao của đất nước ta, dân tộc ta về việc xây dựng đất nước ta ngày càng to đẹp hơn, đàng hoàng hơn và thực hiện mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng và văn minh”, ông Bình nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FIIN group, nhận định hệ thống doanh nghiệp Việt Nam rất đông và còn phát triển. Tuy nhiên, hiện quy mô còn nhỏ, manh mún, rất ít doanh nghiệp Việt có thể tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu. Họ sẽ bất lợi trong đất đai và trong nền kinh tế mở hiện nay.
Theo ông Thuân, Chính phủ cần tạo sân chơi bình đẳng cho doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, trong đó, nâng quy mô vừa và lớn của các doanh nghiệp trong nước để có thể khai thác thị trường nội địa và cạnh tranh sòng phẳng.
Ông cũng đưa ra kiến nghị hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân trong một số ngành cụ thể, để có thể tận dụng được lợi thế trên sân nhà.
Thể chế trói buộc, doanh nghiệp sẽ "thua trên sân nhà"
Theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, để tạo điều kiện cho sự phát triển của doanh nghiệp thì phải xây dựng một hệ thống thể chế chính sách làm bệ đỡ.
Một Chính phủ kiến tạo thì phải xây dựng được hệ thống chính sách công nghiệp hợp lý để có thể định hướng sự phát triển của nền kinh tế. Phải cải cách thủ tục hành chính để thực sự giải phóng được cho các doanh nghiệp, giải phóng các nguồn lực trong nền kinh tế.
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc. Ảnh: T. Trung. |
“Chúng ta chỉ có thể vượt khỏi bẫy thu nhập trung bình nếu ta không hài lòng với chất lượng thể chế trung bình. Tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp vẫn là yêu cầu quan trọng nhất”, ông Lộc nói.
Chủ tịch VCCI cho rằng khi mở cửa, các doanh nghiệp nước ngoài có thể vào cạnh tranh với chúng ta ngay trên sân nhà, nhưng nếu hệ thống thể chế vẫn trói buộc, chưa thực sự giải phóng, thúc đẩy doanh nghiệp thì ta sẽ thua thiệt trong hội nhập.
Cũng theo ông Lộc, cuộc vận động này chính là cơ hội để cho lực lượng chủ lực trong việc xây dựng kinh tế đất nước nói lên suy nghĩ của mình, góp ý với Đảng xây dựng thể chế và môi trường kinh doanh; đồng thời phấn đấu mục tiêu trong 2-3 năm tới phải đạt chất lượng thể chế và môi trường kinh doanh và chất lượng cạnh tranh nằm trong nhóm nền kinh tế hàng đầu.
PGS.TS Trần Đình Thiên. Ảnh: T. Trung. |
PGS.TS Trần Đình Thiên (thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam) thì nhận định những bước tiến về mặt thể chế không thể kỳ vọng có trong ngày một ngày hai, đó phải là những cuộc dịch chuyển kéo trong thời gian dài.
Ông đánh giá cách làm thể chế hóa hiện nay của chúng ta vẫn theo kiểu tháo gỡ, chỉnh sửa một vài giải pháp đang bất hợp lý chứ không phải là chỉnh sửa hệ thống.
“Như vậy không thể nào có tác động căn bản, thậm chí còn gây khó khăn hơn bởi luật chồng luật, làm cho xung đột các điều khoản giữa chính sách này với chính sách khác”, ông Thiên nêu quan điểm.
Vì thế, ông cho rằng quan trọng nhất chúng ta phải thay đổi tư duy làm luật, xây dựng hệ thống thể chế đúng kiểu thị trường.
“Nhưng hiện nay các thị trường đúng nghĩa của chúng ta phát triển quá chậm và méo mó. Không có thị trường thì kinh tế thị trường không thể vận hành được, ông Thiên nói.
Ông cũng dẫn lời Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Theo đó doanh nghiệp là lực lượng quan trọng nhất của kinh tế thị trường hiện vẫn còn bị kỳ thị, phân biệt. Ưu đãi vẫn thường dành cho các lực lượng khác như doanh nghiệp FDI. Vì thế, cách tiếp cận giữa doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân chưa thật sự công bằng.
Nhấn mạnh cuộc vận động này sẽ thu hút được trí tuệ của doanh nghiệp, doanh nhân, song ông Thiên cho rằng quan trọng hơn là chúng ta sẽ lắng nghe các ý kiến đóng góp của doanh nghiệp như thế nào.