Ngày 5/7, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức hội nghị báo cáo viên các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương tháng 7/2019 dưới hình thức trực tuyến.
Hội nghị nhằm quán triệt Nghị quyết 35 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.
Theo Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng, phương thức, thủ đoạn chống phá có “muôn hình vạn trạng”, đặc biệt là việc sử dụng truyền thông đại chúng, sử dụng Internet và truyền thông xã hội.
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng. Ảnh: V.H. |
Nhấn mạnh có nhiều nhóm giải pháp để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương trước hết đề cập tới việc đổi mới, nâng cao công tác giáo dục chính trị, tư tưởng. Bên cạnh đó, cần phải đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng và hiệu quả tuyên truyền về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, về đường lối chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước.
“Trong đánh giá các nghị quyết vẫn có một câu rằng tổ chức thực hiện nghị quyết là khâu yếu. Tôi cho rằng, quán triệt nghị quyết cũng là khâu yếu. Nhiều buổi học nghị quyết, tôi quan sát được tỷ lệ không nhỏ ngồi dưới xem iPad, iPhone, đọc tin, nhắn tin”, ông Thưởng nói.
Một giải pháp khác được ông Thưởng đề cập là phải phát huy hơn nữa vai trò của báo chí, truyền thông. Ngoài ra, phải tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát và tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra giám sát các tổ chức đảng, đảng viên; kiên quyết xử lý kịp thời, nghiêm minh các sai phạm.
Làm rõ hơn quan điểm này, ông Thưởng dẫn chứng trường hợp một đảng viên công tác tại Văn phòng UBND TP.HCM đưa hình ảnh nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước lên mạng gọi là tham nhũng, rồi phê phán cả Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nhưng nhiều tháng không xử lý được.
Theo ông, riêng chuyện đó thôi cũng đủ khai trừ Đảng và đuổi khỏi cơ quan.
Ngoài quản lý báo chí, ông Thưởng lưu ý việc nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng Internet và mạng xã hội. Ông cho biết, thị trường mạng xã hội ở Việt Nam khoảng 1 tỷ USD, trong đó Google, Facebook chiếm 13.000 tỷ đồng mà chưa thu thuế được.
“Họ chi lại cho thị trường Việt Nam khoảng 2.000 tỷ cho mấy ông làm video như Khá 'Bảnh' và một số chương trình khác… Còn các nhà mạng hưởng lợi 250 triệu USD, chừng 6.000-7.000 tỷ. Cái này phải tính toán, phải xử lý”, ông Thưởng nói.