Sáng 25/6, các đại biểu Quốc hội đơn vị số 1 tỉnh Đồng Nai, trong đó có Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng, tiếp xúc cử tri TP Biên Hòa sau kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV.
Cũng như các buổi tiếp xúc khác, vấn đề thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư là chủ đề chính mà các cử tri đặt ra với đại biểu Quốc hội.
Nóng chuyện đất đai, xử lý cán bộ
Cử tri Phạm Thị Trang (phường An Hòa) cho biết bà đã nhờ các đại biểu chuyển hồ sơ đến Văn phòng Chính phủ để tìm câu trả lời thỏa đáng liên quan đến dự án Kim Sơn nhưng chưa được phản hồi. Theo trình bày, dự án này không có quyết định thu hồi đất cho từng hộ gia đình mà chỉ có quyết định thu hồi tổng thể. Ngoài ra, dự án cũng không có phương án bồi thường cho từng hộ dân.
Cử tri bức xúc về việc thu hồi đất. Ảnh: Sỹ Đông. |
Một số cử tri khi trình bày đã thể hiện thái độ bức xúc bởi nhiều khiếu nại chưa được giải quyết dứt điểm. Dù chủ tọa yêu cầu cử tri phát biểu trong vòng 5 phút để dành thời gian cho người khác song điều này thường không được thực hiện. Những cử tri có cơ hội trình bày đều cố gắng nêu kiến nghị của mình.
Về chủ đề xử lý cán bộ, cử tri Đỗ Mạnh Hài (phường Long Bình) cho rằng còn tình trạng cán bộ, đảng viên sai phạm chưa được xử lý đến nơi đến chốn. Như ở Đồng Nai, trường hợp bà Phan Thị Mỹ Thanh bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận sai phạm rất nghiêm trọng từ năm 2018 đến nay vẫn còn công tác, người dân thấy khó hiểu.
“Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã có kết luận rồi thì phải đưa ra xử lý về mặt chính quyền để xem mức độ sai phạm như thế nào. Mức độ sai phạm lên đến cả nghìn tỷ đồng thì phải có cơ quan điều tra vào để đòi lại đất đai, tiền của cho Nhà nước”, cử tri Hài đề nghị.
Cử tri Trần Quốc Hội (phường Tân Biên) cho rằng cần có những bản án nghiêm khắc đối với tội tham nhũng. Ảnh: Sỹ Đông. |
Là một cựu chiến binh, cử tri Trần Quốc Hội (phường Tân Biên) không hài lòng khi nhiều cán bộ sai phạm cả trăm tỷ đồng nhưng không ai bị tử hình. Cựu chiến binh này chia sẻ ông và các đồng đội vào sinh ra tử, tham gia kháng chiến chống Mỹ để giành độc lập nên không muốn chứng kiến cảnh những kẻ tham nhũng tàn phá đất nước.
“Cần phải có luật nghiêm khắc hơn trong việc chống tham nhũng”, ông Hội yêu cầu.
"Nhận thấy sự kỳ vọng của cử tri"
Sau khi nghe 20 ý kiến cử tri, ông Huỳnh Tấn Lộc, Phó chủ tịch UBND TP Biên Hòa, đứng lên bục phát biểu để cung cấp thông tin về pháp lý của một số dự án mà người dân khiếu nại. Ông Lộc cho hay sẽ kiểm tra lại một số nội dung mà người dân phản ánh.
Phần trả lời của lãnh đạo TP Biên Hòa chưa làm người dân có mặt hài lòng.
Trao đổi với cử tri, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng nói ông đã tiếp xúc nhiều lần với người dân tỉnh Đồng Nai. Mỗi lần có đại biểu Trung ương về thì số lượng cử tri tới lại đông hơn.
“Tôi xin được bày tỏ lòng cảm ơn tới cô bác. Tôi nhận thấy sự kỳ vọng vào các đại biểu của cô bác và mong những ý kiến này được lắng nghe, giải quyết”, ông Thưởng chia sẻ.
Ông Võ Văn Thưởng đề nghị UBND TP Biên Hòa xem xét lại nguồn gốc pháp lý của các thửa đất. Ảnh: Sỹ Đông. |
Theo ông, qua các buổi tiếp xúc cử tri của 7 kỳ họp Quốc hội, những bức xúc cũ chưa được giải quyết thì đã có vấn đề mới phát sinh. Hoặc, những vấn đề được báo cáo là đã trao đổi, đối thoại rồi nhưng người dân vẫn chưa đồng tình, tiếp tục khiếu nại.
"Các buổi tiếp xúc diễn ra trong không khí nặng nề khiến đại biểu khi ra về vẫn nhận thấy còn quá nhiều việc phải làm. Do vậy, các đại biểu sẽ tiếp tục đeo đuổi những vấn đề cử tri phản ánh để được giải quyết thấu đáo", ông Thưởng hứa.
Liên quan đến những khiếu nại đất đai của người dân, đại biểu Thưởng đề nghị UBND TP Biên Hòa rà soát lại nguồn gốc pháp lý. “Có thể giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của chính quyền đất chưa đúng hoặc sai. Cho nên phải xem lại gốc của vấn đề là ngày xưa cấp như vậy có phù hợp không”, ông Thưởng nói.
Bên cạnh đó, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cũng đề nghị các cấp chính quyền tập trung đối thoại, giải quyết các vấn đề cụ thể mà cử tri phản ánh để những buổi tiếp xúc sau diễn ra trong không khí nhẹ nhàng, nhiều nụ cười hơn.