South China Morning Post dẫn lời một nhà phân tích cho biết sau phiên họp kéo dài bốn ngày về kiểm soát rủi ro hôm 24/1, Vương Hỗ Ninh, Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị ĐCS Trung Quốc và là người phụ trách tư tưởng của đảng, đã kêu gọi các cán bộ chiến đấu với "cuộc chiến khó khăn" trong việc kiểm soát rủi ro, theo Tân Hoa xã.
Ông Vương xác định một danh sách dài những rủi ro mà Bắc Kinh phải đối mặt, kêu gọi các cán bộ bảo đảm vai trò lãnh đạo của ông Tập Cận Bình và đường lối của đảng. Ông Vương cũng nói với các quan chức rằng phải dõi theo bằng cách cho thấy họ đã học được những gì thông qua "các hành động và kết quả".
Lời kêu gọi của Vương Hỗ Ninh làm gợi nhắc tới bài phát biểu của Chủ tịch Tập tại phiên khai mạc hôm 21/1, cho rằng các cán bộ hãy cảnh giác trước mọi rủi ro có thể gây nguy hiểm cho sự ổn định và quá trình cải cách cua Trung Quốc.
Đảng Cộng sản Trung Quốc kết thúc phiên họp kéo dài bốn ngày về kiểm soát rủi ro hôm 24/1. Ảnh: Tân Hoa xã. |
Ông Tập chỉ ra "các diễn biến quốc tế khó lường và môi trường bên ngoài phức tạp, nhạy cảm", cụm từ được nhiều nhà lãnh đạo Trung Quốc viện dẫn để chỉ các mối đe dọa gia tăng từ cuộc chiến thương mại Trung Quốc với Washington.
Cả ông Tập và ông Vương đều nói với các cán bộ trong Đảng Cộng sản rằng cần phải phát triển "tư duy thực tế" hoặc chuẩn bị cho "tình huống xấu nhất".
Cuộc họp kéo dài bốn ngày giúp các quan chức Trung Quốc hiểu rõ hơn về những rủi ro và các vấn đề mới mà nước này phải đối mặt, theo Tân Hoa xã. Nhà bình luận chính trị tại Bắc Kinh Zhang Lifan cho rằng cuộc chiến thương mại luôn được ưu tiên trong tư duy của lãnh đạo Trung Quốc.
"Chiến tranh thương mại có thể sẽ không kết thúc trong năm nay, nhưng nếu kết thúc, những thay đổi cấu trúc đối với nền kinh tế Trung Quốc [do Mỹ yêu cầu] sẽ đặt ra thách thức đối với Đảng Cộng sản. Và [những thay đổi đó] sẽ không đủ để kết thúc tình trạng đối đầu dài hạn và thực tế là Mỹ coi Trung Quốc như đối thủ", ông Zhang nói.
Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc diễn ra từ tháng 7/2018 với việc Washington áp đặt mức thuế trừng phạt lên hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc, khiến Bắc Kinh lập tức đáp trả. Cuộc xung đột ảnh hưởng đáng kể đến thị trường chứng khoán toàn cầu và nền kinh tế thế giới. Hai bên hiện đã "đình chiến" đến ngày 1/3 để đạt được thỏa thuận cuối về cuộc chiến thương mại.