Thể loại: Hành động, giật gân
Đạo diễn: Guy Ritchie
Diễn viên: Jason Statham, Scott Eastwood, Josh Hartnett
Đánh giá: 6.5/10
(*) Bài viết tiết lộ một phần nội dung phim
Sinh năm 1967, Jason Statham là một trong số ít diễn viên Anh thành danh tại Hollywood. Khởi nghiệp người mẫu rồi chuyển hướng diễn xuất, tài tử nhanh chóng bắt tay với đạo diễn Guy Ritchie khi ông mới làm phim điện ảnh.
Statham xuất hiện trong ba tác phẩm do Ritchie đạo diễn, bao gồm phim đầu tay Lock, Stock and Two Smoking Barrels (1998), Snatch (2000) và Revolver (2005). Thế nhưng, chính phim hành động The Transporter (2002) mới là bệ phóng đưa tên tuổi anh đến gần với khán giả toàn cầu.
Trong phim, anh vào vai người vận chuyển tài ba, có khả năng vượt qua mọi nguy hiểm để giao hàng đúng hẹn, đảm bảo hợp đồng. Tác phẩm tạo nên thương hiệu “gã mặt lạnh” cho Jason Statham, đồng thời mang đến cho Hollywood một ngôi sao hành động mới.
Sự tái hợp của hai tên tuổi lớn
Wrath of Man đánh dấu màn tái hợp giữa Jason Statham và Guy Ritchie sau 17 năm không làm việc chung. Lúc này, cả hai đều bước sang độ tuổi U60 nhưng phong độ vẫn vững vàng.
Ritchie đảm nhận ba vai trò: đạo diễn, đồng biên kịch kiêm sản xuất. Trong khi đó, Statham đóng chính và làm lu mờ tất cả bạn diễn, từ cái tên gây sốt một thời Josh Hartnett – ngôi sao của Pearl Harbor (2001), rapper đang ở thời đỉnh cao Post Malone, đến con ruột huyền thoại Clint Eastwood là Scott Eastwood.
Tác phẩm đánh dấu màn tái hợp giữa Jason Statham và đạo diễn Guy Ritchie. |
Tác phẩm là phim tội phạm (crime) tiếp theo Guy Ritchie thực hiện, ngay sau thành công của The Gentlemen (2019) - thu gần 120 triệu USD so với kinh phí vỏn vẹn 22 triệu USD. Kịch bản được viết dựa trên ý tưởng phim Le Convoyeur (2004) của Pháp. Trong phim, Jason Statham trở lại với hình mẫu nhân vật làm nên tên tuổi anh: một người vận chuyển.
Câu chuyện bắt đầu khi Patrick Hill (Jason Statham) quyết định thử sức với vị trí bảo vệ cho Fortico – đơn vị vận tải đặt trụ sở tại Los Angeles. Để được nhận vào làm việc, gã phải vượt qua bài kiểm tra khắc nghiệt nhưng nhanh chóng chứng minh được khả năng.
Nhiệm vụ của Hill tại Fortico cũng không đơn giản. Hàng ngày, các nhân viên công ty phải dùng xe bọc thép chở hàng triệu USD tiền mặt và đồ trang sức theo yêu cầu của khách hàng. Họ liên tục bị những nhóm cướp vũ trang tấn công với kế hoạch bài bản, chuyên nghiệp. Đó cũng là lúc Patrick Hill trổ tài và dần hé lộ chân tướng.
Màn trình diễn rợn người của Jason Statham
Sau hơn hai thập niên đóng phim hành động, Jason Statham thường được đặt cạnh những cái tên như Keanu Reeves hay Liam Neeson. Bộ ba có điểm chung là đều không phải người Mỹ nhưng lại có sự nghiệp thành công tại Hollywood.
Dù sở hữu gương mặt điển trai, Keanu Reeves thường không được đánh giá cao về diễn xuất. Tài tử lôi kéo khán giả bằng những màn hành động, đánh đấm nhiều hơn là các cảnh quay nặng về tâm lý. Gần nhất, tài tử khiến khán giả nhầm lẫn khi xuất hiện trong Ma trận 4 mà tạo hình chẳng khác John Wick.
Phim tiếp tục khẳng định bản lĩnh diễn xuất của tài tử Jason Statham. |
Trái lại, diễn tâm lý luôn là thế mạnh của Liam Neeson, giúp ông nhận đề cử Oscar, Quả cầu vàng, BAFTA cho đến Tony. Bước sang độ tuổi 69, tài tử không giữ được phong độ như thời trẻ nhưng vẫn siêng đóng phim hành động. Điểm trừ là ông thường xuyên giới hạn bản thân ở một loại vai, đâu đó vẫn có bóng hình người cha đi tìm con trong Taken (2008).
Trong khi đó, Jason Statham dung hòa tốt các cảnh tâm lý lẫn hành động, làm nổi bật tính giải trí cho phim. Anh có thể đóng tốt mọi dạng vai, dù là phản diện độc ác trong Fast & Furious 6 (2013) hay hài hước gây cười trong Spy (2015).
Với vai Patrick Hill trong Wrath of Man, tài tử tiếp tục chứng minh đẳng cấp diễn xuất và kinh nghiệm lâu năm. Nói không ngoa, đây là một trong những vai diễn ấn tượng trong sự nghiệp của ngôi sao người Anh.
Ở đầu phim, Jason Statham hóa thân gã đàn ông lạnh lùng, ít nói. Dù mới vào công ty, gã khiến các nhân viên khác phải nể sợ khi ra tay kết liễu bọn cướp chẳng khác dân chuyên nghiệp. Thế nhưng, luôn có một nỗi buồn bí mật ẩn sau gương mặt máu lạnh. Dường như cả một cơn thịnh nộ đang chờ chực bùng nổ bên trong lớp vỏ điềm tĩnh ấy.
Càng về cuối, Patrick Hill thực sự trở thành “gã điên báo thù”. Nhân vật bất chấp tất cả để đạt được mục đích. Khi đối đầu kẻ địch, gã tung những đòn thế nhanh gọn, đẹp mắt. Hill cũng không hề khoan nhượng khi đặt nòng súng trước mặt bất kỳ ai. Song, điều đáng sợ nhất phải là khuôn mặt lạnh như tiền, ánh mắt đầy sát khí khiến đối phương phải khiếp hãi.
Khi Guy Ritchie phá cách
Giống Jason Statham, Guy Ritchie cũng thường xuyên thay đổi phong cách. Trong số các nhà làm phim Anh nổi danh ở Hollywood, ông vốn là người đa năng và linh hoạt.
Khoảng thập kỷ gần đây, đạo diễn liên tục thử sức ở thể loại điệp viên với The Man From U.N.C.L.E. (2015), sử thi với King Arthur: Legend of the Sword (2017). Thậm chí, ông cũng sẵn sàng bắt tay Disney để làm Aladdin (2019) - bản người đóng (live-action) của phim hoạt hình nổi tiếng.
Phim có phong cách hoàn toàn khác các tác phẩm trước của đạo diễn Guy Ritchie. |
Dấu ấn của Guy Ritchie là nhịp phim nhanh, gọn, kịch bản đậm chất giải trí. Trái lại, Wrath of Man mang đến người xem hình ảnh mới về đạo diễn.
Kể lại câu chuyện của gã vận chuyển Patrick Hill, Guy Ritchie không nhấn mạnh yếu tố hành động mà thiên về giật gân. Ông chọn lối kể chậm rãi, xây dựng câu chuyện theo phong cách đun chậm (slow burn). Một số cảnh quay đậm tính bạo lực, gợi nhớ những thước phim của Quentin Tarantino.
Kịch bản do Guy Ritchie chấp bút cùng cộng sự cũng nhiều lớp lang. Câu chuyện gồm bốn phần, được kể theo cấu trúc phi tuyến tính. Các nút thắt được sắp đặt để làm bàn đạp đẩy mạnh kịch tính ở nửa sau. Khi phim qua 40 phút đầu, bí mật của Patrick Hill mới dần được tiết lộ. Lý do nhân vật biến thành “gã điên báo thù” cũng được giải thích rõ ràng hơn.
Song, Wrath of Man vẫn chưa phải là tác phẩm thực sự xuất sắc. Phim mang lại làn gió mới cho người hâm mộ Guy Ritchie nhưng còn tồn tại nhiều điểm trừ. Nửa sau phim không còn giữ được không khí nghẹt thở như ban đầu.
Kịch bản vẫn đi theo mô-típ báo thù kinh điển để rồi khép lại bằng cái kết không bất ngờ. Ngoài ra, lối kết không theo trật tự tuyến tính có thể khiến khán giả khó nắm bắt được câu chuyện. Điều đó khiến phim nhận ý kiến trái ngược từ giới phê bình khi ra mắt.