Một chiến thắng mang đậm dấu ấn chiến thuật của ông Mano Polking trước HLV Park Hang-seo.
Lựa chọn của Việt Nam
Với tâm thế buộc phải thắng, HLV Park Hang-seo tạo ra nhiều sự thay đổi trong đội hình xuất phát so với trận chung kết lượt đi. Một trong số đó là sự có mặt của tiền vệ trung tâm Nguyễn Tuấn Anh bên cạnh Nguyễn Hoàng Đức và Đỗ Hùng Dũng. Thay vì sơ đồ 5-3-2 khi phòng ngự ở trận lượt đi, chiến lược gia người Hàn Quốc lựa chọn phương án phòng ngự với sơ đồ 5-2-3. Hùng Dũng và Văn Đức chơi cao hơn so với cặp tiền vệ trung tâm với mục tiêu kiểm soát trực tiếp khả năng triển khai bóng qua khu vực trung lộ của đối phương.
Lựa chọn phòng ngự của ĐT Việt Nam. |
Thay vì lựa chọn gây áp lực trực tiếp lên tuyến triển khai bóng đầu tiên của Thái Lan như ở trận lượt đi, ĐT Việt Nam có xu hướng kiểm soát các đường chuyền vào trung lộ, chờ đối thủ đưa bóng ra biên, rồi mới đẩy cao áp lực.
Gây áp lực ở hai hành lang cánh. |
Có thể nhận thấy rõ việc chiến lược gia người Hàn Quốc muốn kiểm soát tuyến giữa của Thái Lan trong cách di chuyển của cả Văn Đức và Hùng Dũng. Hai cầu thủ này thường chọn vị trí phòng ngự hẹp ở khu vực trung lộ, chấp nhận để đối phương đưa bóng ra biên. Đó mới là khu vực mà đội khách nhắm đến để đoạt lại quyền kiểm soát bóng.
Văn Đức và Hùng Dũng lựa chọn kiểm soát các đường chuyền qua tiền vệ trung tâm của Thái Lan. |
Đó có thể xem là một lựa chọn chiến thuật tương đối điển hình của HLV Park. Trước khả năng kiểm soát thế trận tốt của người Thái, ĐT Việt Nam nhập cuộc trên sân cách theo cách thận trọng, và chủ ý chờ đợi thời cơ từ các tình huống tấn công nhanh.
Những pha dứt điểm đáng chú ý đầu tiên của đội khách trong hiệp 1 đều xuất phát từ các tình huống phát triển bóng vượt tuyến từ các trung vệ. Nỗ lực đi bóng và tung ra cú đá của Hoàng Đức đến sau một pha phất bóng dài của Quế Ngọc Hải, trong khi cú đá ở tư thế thuận lợi trong vòng cấm của Tiến Linh đến sau đường chuyền chất lượng của Bùi Hoàng Việt Anh.
Pha băng lên dứt điểm của Hoàng Đức đến sau 1 đường chuyền dài từ tuyến dưới. |
Đường chuyền của Việt Anh cho Tiến Linh. |
Ý đồ nhập cuộc của ĐT Việt Nam có thể xem là không tồi với bối cảnh của trận bán kết lượt về. Dẫu vậy, người Thái đã có một trận đấu xuất chúng và thể hiện tối đa những gì mạnh nhất của mình – khả năng kiểm soát thế trận.
Đẳng cấp của người Thái
Ra sân với đội hình không thay đổi so với trận chung kết lượt đi, đội bóng của ông Mano Polking tiếp tục thể hiện trình độ của mình với triết lý kiểm soát bóng.
Trong bối cảnh cả Theerathon Bunmathan, Peeradol Charasamee và Sarach Yooyen không dễ dàng nhận bóng ở khoảng trống giữa các tuyến, người Thái vẫn còn một tiền vệ trung tâm có khả năng xử lý bóng và điều tiết nhịp độ ấn tượng khác: Weerathep Pomphan.
Số 18 của đội chủ nhà từng là 1 trong 3 cầu thủ ngoài 23 tuổi được ông Mano Polking lựa chọn trong đội hình Thái Lan dự SEA Games 31. Ở giải đấu lần này, chiến lược gia người Brazil thậm chí “cất” Weerathep đến tận phút thứ 69 của trận bán kết lượt về. Khi các đối thủ của Thái Lan muốn kiểm soát tuyến giữa của đội bóng này một cách cực đoan hơn, thì tiền vệ trung tâm sinh năm 1996 xuất hiện, trở thành “máy đếm nhịp” của đội bóng này, ở vị trí trung vệ lệch trái.
Khi các lựa chọn ở trung lộ bị kiểm soát, Weerathep xuất hiện ở hành lang cánh trái. |
Weerathep chính là người có những nhịp xử lý cực kì điểm tĩnh ở sát đường biên dọc, trước khi có đường chuyền vào đúng khoảng trống lộ ra ở khu vực trung tuyến trong tình huống dẫn đến bàn thắng của Theerathon.
Đường chuyền xuất sắc của Weerathep. |
Theerathon có khoảng trống dứt điểm khi cả 2 tiền vệ trung tâm của Việt Nam đều bị kéo giãn ra cánh. |
Người Thái đưa thêm một cầu thủ có sở trường chơi tiền vệ trung tâm vào sân để điều tiết nhịp chơi bóng ở những khu vực mà họ muốn. Đối phương kiểm soát khu vực trung lộ, họ vẫn điềm tĩnh triển khai từ hai hành lang cánh, kéo giãn đối phương và dần dần mở ra những khoảng trống chính diện khung thành.
Khi ĐT Việt Nam không thể kiểm soát tốt hai hành lang cánh và đoạt bóng ở phạm vi này, thì những khoảng trống ở giữa sân trong cách phòng ngự với sơ đồ 5-2-3 mở ra theo một cách tất yếu. Bàn thắng của Theerathon xuất phát trực tiếp từ bối cảnh ấy, và mang tính đại diện cho sự ưu việt trong khả năng áp đặt trận đấu ưa thích của ông Mano Polking, trước hệ thống phòng ngự được HLV Park Hang-seo lựa chọn.
Không chỉ ưu việt ở cấu trúc đội hình khi kiểm soát bóng để tạo ra sự đa dạng trong lựa chọn các đường chuyền, người Thái còn biết cách dựa trên nền tảng ấy để tạo ra những áp lực liên tiếp ở thời điểm chuyển đổi từ có bóng sang không bóng để triệt tiêu hoàn toàn thời cơ của đối thủ trong ý đồ thực hiện các tình huống phản công.
Tuyển Việt Nam không có cơ hội phản công trước áp lực của Thái Lan. |
Thái Lan thường xuyên đoạt lại quyền kiểm soát bóng ngay trên phần sân của đối phương. |
Cấu trúc đội hình cân bằng được tạo nên bởi tốc độ lên bóng điềm tĩnh và tư duy chiến thuật của các cầu thủ Thái Lan giúp họ duy trì quyền kiểm soát bóng gần như xuyên suốt cả trận đấu. Một cuộc đối đầu mà đội chủ nhà cho thấy trạng thái thi đấu gần như vượt trội so với đối phương.
Trái ngược với hình ảnh ấy là sự đơn điệu trong các miếng tấn công của đội bóng được dẫn dắt bởi HLV Park Hang-seo. ĐT Việt Nam đưa bóng lên phía trước ở tốc độ cao bằng các đường chuyền dài vượt tuyến, nhanh chóng bị mất bóng và không nắm quyền chủ động trong tay.
Nhiệm kì thành công của chiến lược gia người Hàn Quốc tại Việt Nam đã kết thúc theo một cách đáng quên. Những thất bại tâm phục khẩu phục trước người Thái tại hai kì AFF Cup liên tiếp là vết gợn lớn nhất trong quãng thời gian làm việc của HLV Park Hang-seo ở ĐT Việt Nam.
Một hình ảnh đầy tính biểu tượng cho hai triết lý bóng đá hoàn toàn đối lập giữa hai đại diện hay nhất tại khu vực Đông Nam Á.
NXB Công Thương giới thiệu cuốn "Triết lý lãnh đạo Park Hang-seo", nghiên cứu những kỹ năng quản trị và phong cách lãnh đạo của ông Park, thứ đã góp phần tạo nên thành công của ông ở tuyển Việt Nam ngày nay.