Chiến thắng 2-1 trước HAGL ở vòng 12 V.League giúp CLB Hà Nội nâng chuỗi trận toàn thắng lên con số 6. Một bằng chứng cho thấy bản lĩnh, đẳng cấp của đội bóng thủ đô.
Trước khi bước vào cuộc chạm trán Hà Nội, HAGL có 5 trận toàn thắng. Họ tới sân Hàng Đẫy với tâm thế một kẻ thách thức đáng gờm. Sau 90 phút, thầy trò Kiatisuk ra về tay trắng. Đến cả HAGL cũng thất bại trước Hà Nội, vậy đội nào cản bước được Văn Quyết và những đồng đội?
CLB Hà Nội với đội trưởng Văn Quyết đang trở lại với đẳng cấp cao nhất sau khởi đầu khó khăn đầu mùa. Ảnh: Minh Chiến. |
Ngôi đầu thuyết phục
Ngoại trừ cú sảy chân ở Đà Nẵng tại vòng 5, CLB Hà Nội chưa để thua bất kỳ đội nào. Họ như vô đối ở V.League khi giai đoạn lượt đi chuẩn bị khép lại. Hiếm CLB nào ở V.League khởi đầu chật vật ở nhóm cuối rồi lên đỉnh bảng theo cách thuyết phục như vậy.
Sau cuộc khủng hoảng nhân sự, CLB Hà Nội phải chờ tới HLV thứ ba mới ổn định. Không có Quang Hải, cách đá của Hà Nội vẫn mềm mại, uyển chuyển, không bị phụ thuộc và lỳ lợm, thực dụng hơn.
7 trong 8 trận thắng của CLB Hà Nội đều kết thúc với cách biệt tối thiểu, là 1-0 hoặc 2-1. Chiến thắng duy nhất có cách biệt 2 bàn là trận thắng 3-1 trước đội Sài Gòn. Dù trên sân nhà hay sân khách, Hà Nội đều thắng đủ để có 3 điểm. Khác biệt của một ứng viên nặng ký cho chức vô địch nằm ở đây.
Cách chơi thực dụng của Hà Nội thú vị ở chỗ, cứ đến cuối mỗi trận, BHL lại đổi sơ đồ chiến thuật từ 4-3-3 thành 5-4-1 hoặc 5-3-2. Khi đội nhà đang dẫn, thay vì tiếp tục tấn công gia tăng cách biệt, họ tăng quân số hàng thủ từ 2 lên 3 trung vệ để bảo toàn tỷ số.
Những chiến thắng quan trọng của Hà Nội cũng mang dấu ấn hàng thủ. Khi các trụ cột như Duy Mạnh, Văn Hậu trở lại, Tấn Trường duy trì sự tin cậy, hàng thủ Hà Nội ít phải nhận bàn thua nhất giải (8 bàn sau 11 trận).
Trên hàng công, Hà Nội có nhiều ngòi nổ đa dạng, biến hóa, khi thì Tuấn Hải, lúc Văn Quyết. Thậm chí, nhân tố ở hàng thủ như Thành Chung cũng lập công. Bên cạnh đó, sự hòa nhập nhanh của các ngoại binh phù hợp triết lý cũng đóng góp vào 16 bàn của Hà Nội, nhiều nhất giải, dù còn một trận chưa đá.
Ông Chun Jae-ho không phải mẫu HLV bảo thủ, dùng đi dùng lại một đội hình. Nhà cầm quân này thường thay đổi 1 đến 2 nhân sự mỗi trận, và thường xuyên trao cơ hội cho các cầu thủ trẻ, trong đó có những nhân tố U23.
Chiến lược gia người Hàn Quốc muốn áp đặt lối chơi với mọi đối thủ, nhưng cũng không ngại chỉ đạo học trò lui về đá phòng ngự phản công trước những đội sừng sỏ khi cần. Hiệp một trận gặp HAGL là ví dụ, Hà Nội nhường thế trận cho đối thủ ngay trên sân nhà Hàng Đẫy để tung đòn kết liễu trong hiệp hai.
Cho Tiến Long, Văn Tùng, những người lần đầu lên đội một, vào sân ở những thời điểm quan trọng tại V.League đủ để thấy ông Chun linh hoạt và tin tưởng thế nào vào hệ thống đào tạo trẻ của CLB. Một cơ sở cho tính kế thừa của CLB Hà Nội.
Không cần Quang Hải, CLB Hà Nội vẫn băng băng trên đường đua vô địch, đánh bại lần lượt thế lực này tới thế lực khác ở V.League. Càng khó khăn, họ lại càng đoàn kết, thể hiện thứ tinh thần làm nên chức vô địch những mùa trước. HLV Chun luôn gửi thông điệp rằng thành công của đội không được quyết định bởi cá nhân hay ngôi sao nào mà bởi sức mạnh tập thể.
Triết lý huấn luyện của HLV Chun Jae-ho phù hợp với truyền thống của CLB Hà Nội. Ảnh: Minh Chiến. |
Nỗ lực vượt khó
Đầu năm 2022, CLB Hà Nội từng bị hoài nghi về khả năng cạnh tranh chức vô địch. Đội chia tay HLV tài năng Chu Đình Nghiêm, người mở ra kỷ nguyên thành công nhất lịch sử CLB với hàng loạt danh hiệu, để đón về những HLV Hàn Quốc. Đội cũng có biến động về lực lượng cầu thủ, trong đó có sự ra đi của cầu thủ hay nhất Việt Nam Nguyễn Quang Hải.
Khi các đội “nổ máy” tưng bừng trên đường đua, CLB Hà Nội lại trục trặc ở động cơ. Họ là đội đầu tiên phải thay HLV trưởng, điều vốn thường xảy ra ở giữa mùa hoặc cuối mùa khi các CLB đối diện sức ép thành tích.
Nếu tính cả Giám đốc Kỹ thuật Hoàng Văn Phúc trong vai trò HLV tạm quyền, CLB Hà Nội thay HLV tới 3 lần đầu mùa giải năm nay. Sau Park Choong-kyun, Hoàng Văn Phúc, tới lượt HLV Chun Jae-ho thì đội bóng thủ đô mới từng bước ổn định và vào guồng.
Việc phải lui ngày ra quân vì dịch Covid-19 làm xáo trộn lịch trình của CLB Hà Nội, nhưng mặt khác đã giúp đội có thêm thời gian quan sát và chuẩn bị. Giai đoạn V.League nghỉ 4 tháng phục vụ các đội tuyển chính là khoảng thời gian HLV Chun Jae-ho xây dựng lối đá để làm nên thành công cho CLB Hà Nội. Bởi khi nhiều đội còn ì ạch lúc giải đấu trở lại, Hà Nội lúc đó đã sẵn sàng đua vô địch.
Như nhiều mùa giải trước, CLB Hà Nội có thói quen khởi đầu chậm chạp trước khi về đích. Trong 5 chức vô địch V.League, chỉ có đúng 2 mùa CLB Hà Nội dẫn đầu ở lượt đi. Mùa giải 2022, CLB Hà Nội đang có lợi thế rất lớn khi các đối thủ sa sút hoặc bộc lộ hạn chế. Với Hải Phòng là chiều sâu đội hình hạn chế, với SLNA là sự non nớt của dàn cầu thủ trẻ, còn HAGL là sự thiếu bản lĩnh.
Viettel, Hải Phòng, SLNA và thậm chí HAGL đã bại trận trước Hà Nội. Liệu Bình Dương (hiện xếp thứ 9) có chịu chung số phận khi tiếp đón đội bóng thủ đô ở vòng 13?