Dự thảo đề xuất được thông qua bởi một nhóm trong đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền không đề cập cụ thể đến việc tấn công căn cứ của địch nhưng ngầm khuyến khích Nhật Bản phát triển năng lực này.
Đây là chủ đề đã được tranh luận từ tháng 6, khi kế hoạch triển khai lá chắn tên lửa trên bộ Aegis Ashore bị đình chỉ, theo Nikkei Asian Review.
Tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo của Trung Quốc ở Biển Đông. Bệ phóng tên lửa di động khiến việc tấn công căn cứ địch ít hiệu quả răn đe hơn trước. Ảnh: Reuters. |
Đề xuất nhấn mạnh sự cần thiết của năng lực "phòng không và phòng thủ tên lửa tích hợp" có thể bảo vệ toàn bộ Nhật Bản cùng lúc. Hệ thống hiện tại, tập trung vào các tàu được trang bị Aegis, không thể bảo vệ trong phạm vi như vậy.
Các nhà lập pháp kêu gọi tiếp tục duy trì động lực "kiếm và khiên" của liên minh Mỹ - Nhật trong khi xây dựng sức mạnh răn đe tổng thể mạnh mẽ hơn trước các mối đe dọa. Họ cũng kêu gọi cải thiện khả năng tình báo, giám sát và trinh sát của Nhật Bản.
Đề xuất của LDP sẽ được đệ trình lên chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe sớm nhất vào tháng 8. Chính phủ sẽ thúc đẩy các cuộc thảo luận của Hội đồng Bảo an Quốc gia về các vấn đề liên quan, bao gồm các lựa chọn thay thế cho Aegis Ashore và câu hỏi về việc có nên sở hữu năng lực tấn công căn cứ của địch hay không. Các quan chức sẽ đưa ra định hướng chính sách vào tháng 9.
Các phương án cho năng lực tấn công căn cứ bao gồm tên lửa không đối đất được phóng từ máy bay chiến đấu và tên lửa hành trình tầm xa từ tàu được trang bị Aegis.
Mặc dù các hệ thống như vậy có thể khá đắt đỏ nếu Nhật Bản phải mua tất cả thiết bị cần thiết, Tokyo có thể giảm thiểu chi phí bằng cách tận dụng quan hệ đồng minh với Mỹ, chẳng hạn như sử dụng hệ thống cảnh báo sớm dựa trên vệ tinh của quân đội Mỹ.
Ngôn từ được sử dụng bởi nhóm nghị sĩ LDP nói trên - "khả năng ngăn chặn tên lửa bên trong lãnh thổ của địch" - rộng hơn so với hai đề xuất trước đây thảo luận việc tấn công vào "các căn cứ chiến lược" và "năng lực phản công căn cứ của địch".
Các cuộc tấn công căn cứ riêng lẻ ít hiệu quả răn đe hơn trước, khi giờ đây bệ phóng tên lửa di động và gắn trên tàu ngầm - vốn không cố định ở một địa điểm - ngày càng phổ biến.
Khi Triều Tiên và Trung Quốc phát triển các vũ khí mới khó ngăn chặn hơn bằng các phương pháp truyền thống, đề xuất của LDP về cơ bản thúc giục chính phủ xem xét một loạt lựa chọn rộng hơn so với trước đây.
Thuật ngữ "tấn công căn cứ của địch" có nguy cơ bị hiểu sai ở nước ngoài. Tháng trước, Bộ trưởng Quốc phòng Taro Kono đã được một phóng viên nước ngoài hỏi rằng Nhật Bản có phải Tokyo đang xem xét khả năng tấn công phủ đầu hay không. Việc tấn công phủ đầu không phải để ứng phó mối đe dọa trước mắt có thể vi phạm luật pháp quốc tế.
Song đề xuất lần này không nói rõ phương thức phòng thủ mà thuật ngữ mới đề cập đến chính xác là gì, và thậm chí một số người trong nhóm soạn thảo đã kêu gọi giải thích ý nghĩa của nó.
Nhật Bản coi việc tấn công vào căn cứ của địch để ứng phó mối đe dọa sắp xảy ra là phù hợp với hiến pháp hòa bình nếu không có lựa chọn nào khác. Chính phủ đang xem xét những lựa chọn có sẵn trong giới hạn của cách hiểu này.