“Mỹ 100% hoàn toàn kiên quyết trong cam kết giúp chính phủ Nhật Bản trước tình hình này”, Trung tướng Kevin Schneider, lãnh đạo quân đội Mỹ cấp cao nhất ở Nhật Bản, nói trong một buổi họp báo online. “365 ngày trong năm, 24 giờ mỗi ngày và 7 ngày một tuần”.
Tàu công vụ Trung Quốc đã đi vào vùng tiếp giáp (vùng nằm ngoài lãnh hải 12 hải lý, cách bờ từ 12 đến 24 hải lý) quanh quần đảo Senkaku trong hơn 100 ngày liền. Ông Schneider gọi tình hình này là “chưa từng có”, theo Nikkei Asian Review. Senkaku hiện do Nhật quản lý, nhưng Trung Quốc gọi là Điếu Ngư và cũng có tuyên bố chủ quyền với quần đảo này.
Tàu Trung Quốc thường “đi vào và đi ra vài lần mỗi tháng, nhưng bây giờ chúng ta thấy họ gần như ‘đỗ’ ở đó và thực sự thách thức sự kiểm soát của Nhật”.
“Khoảng thời gian vi phạm này vượt xa những gì chúng ta đã thấy lâu nay”, ông nói.
Một nhân viên trong trung tâm thông tin tác chiến trên tàu USS Germantown ở biển Hoa Đông. Ảnh: Hải quân Mỹ. |
Washington công nhận việc Nhật Bản đang quản lý quần đảo này và thường nói rằng Senkaku cũng nằm trong Điều 5 của hiệp ước an ninh chung Mỹ - Nhật, theo đó Mỹ cam kết giúp Nhật phòng thủ chống lại mọi đe dọa lãnh thổ.
Nhưng Mỹ cũng nói lập trường của Mỹ là trung lập trong tranh chấp về chủ quyền, và Washington hầu như luôn đứng ngoài các căng thẳng hàng ngày giữa Nhật và Trung Quốc tại vùng biển.
Việc ông Schneider bày tỏ sự ủng hộ rõ ràng như trên là hiếm hoi. Ông đưa ra tuyên bố đó ngay trước lệnh cấm đánh cá theo mùa của Trung Quốc vào giữa tháng 8.
Ông nói Mỹ đang hỗ trợ Nhật các công nghệ do thám để theo dõi, đánh giá tình hình.
Chỉ một ngày trước, Mỹ và Australia cùng cam kết tăng cường “mạng lưới các liên minh” để kiềm chế Trung Quốc. Mỹ và Australia gần đây cũng đều bác bỏ yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông. Quân đội Trung Quốc đang tập trận bắn đạn thật ở đây.
Kể từ khi Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố bác bỏ mạnh mẽ hơn các yêu sách hàng hải của Trung Quốc tháng trước, Hải quân Mỹ đã tăng cường hiện diện bằng các cuộc tập trận ba bên với Nhật, Australia và tập trận song phương với Ấn Độ.
Ông Schneider cũng kêu gọi hợp tác đa phương để ngăn Trung Quốc bành trướng ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Nhắc lại lập trường cứng rắn hơn của Washington, ông nói các hoạt động trên biển không phải là đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc mà là giữa cả thế giới với Trung Quốc.