Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dàn trận giữa Hoàng Sa

Sải lưới dài cả cây số quây giữa mặt biển đêm, tạo thành chiếc vợt khổng lồ giữa Hoàng Sa. Cánh chủ tàu miền Trung được đánh giá có tuyệt kỹ lưới vây rút chì ít vùng nào sánh kịp.

Kỳ nhân dụ cá

“Tắt đèn, thả mành, tất cả vị trí sẵn sàng làm nhiệm vụ!”, tiếng thuyền trưởng Phan Bé hét vang trên cabin. “Nước chảy xiên, 2 hải lý/giờ. Ổn!”, anh Bé lẩm nhẩm. Kế bên, anh Lê Văn Sang - chỉ huy trẻ nhất con tàu vỏ thép, quét một lượt máy dò đứng, tâm đắc: “Trúng lớn đấy! Vài chục tấn lận!”.

Những điểm vàng li ti, ken đặc chạy lích dích trên mặt máy dò. Phía dưới 20 thuyền viên đứng dọc dài be tàu tại các vị trí thả chì, bủa lưới, kéo tời… Hai dàn đèn cao áp rực sáng, bỗng tắt ngủm mạn bên phải. 

Phùng Vinh Hải (quê Thăng Bình, Quảng Nam) dáng người thấp đậm, chỉ vài động tác nhảy gọn xuống giữa lòng chiếc thúng (mành) nhỏ đang chao đảo giữa mặt biển cuộn sóng.

Đỡ máy phát điện, đấu nguồn vào chiếc lồng đèn kéo trôi, anh Hải tay đẩy mái chèo, lách sóng chạy về phía mạn đang chong đèn. Dàn đèn bên trái tiếp tục tắt ngủm, con tàu tối thui giữa màn biển đêm chỉ để lại điểm sáng duy nhất theo chiếc lồng đèn chao đảo. 

Mọi ánh mắt tập trung về tay chèo Vinh Hải. Anh Sang trầm ngâm, bảo: Ăn thua ở lão Hải này, không dụ cá, tăm cá chuẩn dễ bị lạc đàn. Nghề lưới vây cần điện đến dụ cá về phía tàu. Nhưng khi đánh bắt phải tập trung lại một điểm. Các mạn tàu lần lượt tắt đèn để gom cá về một bên và chờ cho “người mành” (đi manh) dẫn cá ra phía biển thuận lợi thả vây. 

Vây cá trên tàu vỏ thép đầu tiên giữa Hoàng Sa

Tàu cá vỏ thép Sang Fish 01 do anh Lê Văn Sang (phường Thuận Phước, quận Hải Châu, Đà Nẵng - đồng chủ tàu) trực tiếp chỉ huy ra ngư trường Hoàng Sa hành nghề lưới vây.

32 tuổi, anh Hải có gần 20 năm đi biển. Dạo nghề lưới vây phát triển ở phía Nam, anh vào tận Cần Thơ, Kiên Giang theo tàu đi biển. Đa tài, làm đủ vị trí kéo lưới, thả chì nhưng chủ tàu nào cũng “chọn mặt gửi vàng” đặt anh vào vị trí đi mành, dụ cá. 

“Chạy mành cần sức khỏe, dẻo dai đặc biệt, khả năng phán đoán luồng cá linh hoạt. Giữa mặt biển đêm lờ mờ sáng, cần phán đoán đúng từng vị trí tăm cá (bong bóng hơi) trên mặt biển. Tăm càng dày, cá càng nhiều”, anh Hải nói. 

Chiếc mành nhỏ tròng trành, có khi đánh dạt ra xa thuyền đến vài trăm mét. Anh Hải lúc chèo mành về phía đuôi, khi lại vượt lên mũi tàu để dẫn cá. 3 năm nay, anh Hải “gác kiếm” lên bờ theo nghề cơ khí. Tưởng bỏ biển nhưng nghe tiếng tăm đi mành của Hải, chủ tàu Lê Văn Sang lặn lội vào tận Thăng Bình “chiêu binh”.

Mẻ lưới trong đêm mưa giật, sóng lớn.
Mẻ lưới trong đêm mưa giật, sóng lớn.

Giới đi mành vui gọi Hải bằng cái tên “kỳ nhân”, bởi một khi xuống thúng dụ cá, chỉ khi hư máy, lưới rách mới rớt cá. Theo anh Hải, nghề lưới vây bủa lưới tốt nhất là khi trời êm, nước chảy 1 hải lý/giờ. Biển càng động, đi mành càng vất vả, và phải tính toán độ trượt của lưới để dụ cá đến điểm thích hợp mới hiệu quả.

“Trận địa” cá

Đêm, biển trời Hoàng Sa đen kịt. Các tàu lân cận tắt dàn đèn, hò nhau vây cá. Chờ anh Hải nhá pin ra hiệu, thuyền trưởng Bé hụ hồi còi lớn phát lệnh bủa lưới.

Anh Trần Văn Tuất (45 tuổi, Lệ Thủy, Quảng Bình) cùng tổ thả chì, hất mạnh vòng chì lớn theo thanh đỡ trôi tuột xuống lòng biển. Dọc be chắn sóng, các thuyền viên tuần tự thả lưới như dây chuyền tự động. 

Mé bên, tổ thả phao cũng nhịp nhàng hưởng ứng. Anh Bé nhích mạnh tay ga, rồ máy, đánh mũi tàu chẻ sóng lao vút về phía trước. Lưới cứ thế tuôn tràn xuống lòng biển. Boong tàu rầm rập không khí sôi động. Từng đôi bàn tay chai sần, cơ bắp rắn chắc của các ngư dân thoăn thoắt theo sải lưới rộng. 

Trên cabin, anh Sang chăm chú nhìn thế bủa lưới, chẳng khác nào một trận địa vây cá khổng lồ, tả xung hữu đột. “Khép vòng!”, anh Sang la lớn. Bánh lái trên tay anh Bé xoay đến vài chục độ. Con tàu vỏ thép cơ động “vẽ” vòng tròn lững lững giữa mênh mông trời biển, xoay quanh tâm nơi vị trí anh Hải đang chong đèn đi mành dụ cá. 

Chừng nửa tiếng đồng hồ, sải lưới 1.000 m, sâu 170 m nhanh chóng thả xuống lòng biển, khép điểm tròn tạo hình túi cá khổng lồ. Những chiếc phao nhỏ dập dềnh theo con nước, điểm trắng nơi mặt nước tối sẫm...

1h30 sáng. Sóng ầm ào, xô dồn mạn tàu. Nước có dấu hiệu chảy mạnh. Trời bất ngờ nổi giông gió, sấm chớp liên hồi. Lưới vừa thả dứt, bộ phận tời máy Tống Văn Tương tăng sức kéo tời chính.

Sang Fish 01 giữa biển lớn.
Sang Fish 01 giữa biển lớn.

Nhanh thoăn thoắt các ngư dân ghì chặt sợi dây rút chì to bằng cổ chân, chạy về phía con lăn để tiếp lực kéo. Hai bên tời rung lên bần bật, tiếng máy ghì gầm.

Sức nặng của 3 tấn chì, cùng lực kéo khiến sợi dây tóe khói ma sát. Anh Sang bỏ cabin, chạy thốc xuống boong tàu chỉ đạo. Với nghề lưới vây rút chì, việc căn vẽ vòng lưới và khép đáy là những phần quan trọng nhất. Nếu không căn chuẩn, lưới đi lệch ra tâm cá, khi rút đáy sẽ không trúng. Khép đáy nhanh gọn, khiến cá sẽ bị lưới giăng khắp phía không thể thoát ra ngoài. 

Hai máy tời rời được đặt ngay bên mạn be chắn sóng. Những sải lưới dài tóe nước lần lượt được tời, sức tay các ngư dân nhịp nhàng hò kéo lên boong. Việc căn chỉnh được tính bằng cảm nhận, những mét lưới xếp ngay ngắn theo từng vị trí. 

300 m lưới cùng gần chục vòng chì được rút lên boong, bỗng máy tời có dấu hiệu quá sức, anh Sang hò thuyền trưởng đánh lái để giãn lưới, giảm sức kéo tập trung. Anh Phan Ngọc Nga (45 tuổi, Thăng Bình) nhảy phóc xuống mặt biển, bơi nhanh theo phía phao lưới kiểm tra. “Có cá. Từ từ không phá lưới!”, giọng anh hét lớn. Tời chính được khắc phục, mẻ lưới dần đưa lên boong tàu.

Mưa tạt mạnh, gió thốc rát mặt người nhưng các ngư dân hồ hởi theo từng nhịp kéo lưới. Sau mẻ đầu thất bát vì sự cố tời hỏng, đây là mẻ lưới được cả tàu kỳ vọng nhất. Anh Sang gạt dòng nước lã chã trên khuôn mặt nhìn về phía lòng lưới nhô lên mặt biển, nhảy lao xao các loại cá nục gai, nục chuồn, lẫn cá hố… Chiếc vợt khổng lồ lấy lực từ thanh đỡ ngang, kéo dây về tời chính chao xuống lòng lưới. 

1 tạ - anh Tương hét vội, đổ mẻ vớt đầu tiên lúc nhúc cá nục bằng ngón tay, ngón chân, 2 tạ, 3 tạ… anh Tương hô đếm theo từng mẻ vợt đổ cá về boong, giữa tiếng mưa gió không dứt. Con tàu như chao nghiêng theo từng mẻ cá. Mệt nhưng vui, cả tàu đã có cá - anh Sang nói vui.

Tọa độ vàng Hoàng Sa 

Theo anh Sang, máy dò báo cá chừng 10 - 15 tấn. Những mẻ lưới vài chục tấn ngoài “tọa độ vàng” vây cá Hoàng Sa ngày càng thêm nhiều phương tiện, ngư cụ đánh bắt hiện đại. Nghề lưới vây có thể đánh cả ngày lẫn đêm. Khác với ban đêm phải sử dụng đèn cao áp dụ cá, ban ngày, các tàu chỉ cần phát hiện gốc cây lâu năm dập dềnh trên mặt biển sẽ có cá. 

Anh Hải đi mành dụ cá.
Anh Hải đi mành dụ cá.

Anh Hải bảo: Cá theo bóng mặt nước từ gốc cây, vật nổi này để trú ngụ, di chuyển. Nghề lưới vây đòi hỏi kỹ thuật đánh bắt công phu, nhịp nhàng giữa sức người và máy móc, đặc biệt là máy tời. “Cái nghề đang thịnh nhất ở ngư trường Hoàng Sa kéo dài đến cả Trường Sa. Biển càng lặng, nước chảy nhẹ, đánh lưới vây càng thuận lợi. Tốt nhất là đánh ở thời điểm nước chảy 1 hải lý/giờ”, anh Hải nói.

Anh Bé cho hay, mỗi ngày có vài chục tàu thuyền lưới vây tập trung đánh bắt ở những tọa độ truyền thống. Sau trăng (rằm giữa tháng), bủa lưới có phần khó khăn hơn. Biển động, nước chảy mạnh, thả lưới dễ bị lệch tâm cá. Có khi máy dò báo ở dưới biển có đến 30 - 40 tấn cá nhưng chỉ biết nhìn, không dám bủa lưới vì nước chảy mạnh, sóng lớn. 

Theo anh Sang, tháng 9 tới, tàu trang bị máy tầm ngư hiện đại nhập xịn từ Nhật về với giá 1,6 tỷ đồng thuộc dòng hiện đại nhất so với thiết bị ngư cụ Việt Nam bây giờ.

Khả năng dò ngang của máy sẽ quét chiều dài mặt biển, đánh giá trữ lượng cá, theo đó giảm việc di chuyển, săn “cá cây” và đánh bắt bằng kinh nghiệm tại các tọa độ truyền thống, như hiện nay. Nhiều ngư dân trúng mẻ 30-40 tấn cá, anh Sang kỳ vọng con tàu vỏ thép Sang Fish 01 lập kỷ lục “săn” mẻ cá 50 tấn cá trong chuyến biển tới. 

www.tienphong.vn/xa-hoi/dan-tran-750163.tpo

Theo Nguyễn Huy/Tiền Phong

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm