Tại ga Kachidoki ở phường Chuo, Tokyo, đám đông vẫn được nhìn thấy tại các cửa soát vé hôm 12/7, Japan News đưa tin.
“Chuyến tàu chật cứng và tôi nghĩ nó thậm chí còn đông hơn bình thường", một nữ nhân viên (22 tuổi) cho biết.
“Tình trạng khẩn cấp được áp đặt nhiều lần và mọi người đã quen với nó. Vì vậy, tôi tự hỏi liệu nó có hiệu quả không”, một nhân viên văn phòng sống ở Kawasaki cho biết.
Người đi làm đeo khẩu trang tại ga Shinagawa, Tokyo vào ngày 12/7. Ảnh: AP. |
Tại nhiều khu vực, loa đài liên tục phát ra thông báo kêu gọi người dân không nên ra ngoài và làm việc ở nhà.
Thế nhưng, đối với nhiều người Nhật, đại dịch kéo dài đã khiến tình trạng khẩn cấp trở thành một sự kiện thường xuyên và không có gì đặc biệt.
Trước đó, hôm 8/7, chính phủ Nhật Bản đã ban bố tình trạng khẩn cấp lần thứ 4 ở thủ đô Tokyo, có hiệu lực từ ngày 12/7 và kéo dài đến ngày 22/8, sau khi số ca mắc Covid-19 mới tăng đột biến.
Quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp đã làm đảo lộn kế hoạch mở cửa các sân vận động cho khán giả đến xem Thế vận hội mùa hè của giới chức Nhật Bản.
Sau quyết định sự kiện Olympic được tổ chức mà không có khán giả, nhiều khách sạn ở thủ đô Tokyo gặp phải khủng hoảng.
Một khách sạn ở quận Ariake của Tokyo, nằm gần các địa điểm tổ chức sự kiện Olympic, đã liên tục nhận được các cuộc điện thoại yêu cầu hủy đặt phòng kể từ hôm 8/7.
Nhật Bản đang trên đà hoàn thành việc tiêm vaccine cho người dân, nhất là tiêm cho người cao tuổi vào cuối tháng 7, để ngăn chặn sự gia tăng các ca bệnh. Tính đến nay, 22,7 triệu người Nhật, tương đương với khoảng 17,9% dân số, đã được tiêm chủng đầy đủ.
Trong khi đó, tính đến ngày 14/7, Nhật Bản ghi nhận hơn 825.000 ca mắc Covid-19, trong đó có gần 15.000 trường hợp tử vong.