Đa số người dân Nhật Bản không muốn tổ chức Olympic Tokyo trong mùa hè 2021, khi đại dịch Covid-19 còn nhiều diễn biến phức tạp.
Theo khảo sát của Asahi Shimbun hồi tháng 5, 83% số người được hỏi phản đối chính phủ Nhật Bản tiếp tục tổ chức Olympic theo kế hoạch. Trong số đó, 40% muốn hoãn Olympic, còn 43% muốn hủy bỏ sự kiện.
“Nếu hủy bỏ Olympic, sẽ không có thêm ca tử vong nào. Nếu tiếp tục tổ chức, sẽ có người chết”, Aiko Tamura, một người dân Nhật Bản phản đối Olympic, nói với BBC. “Nếu trẻ em phải hủy bỏ các sự kiện thể thao của chúng, tại sao Olympic vẫn được tổ chức?”.
Mặc cho những chỉ trích, lễ khai mạc Olympic Tokyo vẫn sẽ diễn ra vào ngày 23/7 tới. Do các nguyên nhân về kinh tế, chính trị và cả ở cấp độ con người, Olympic trở thành sự kiện không thể bị hủy bỏ. Ngay cả khi thủ đô Tokyo bị đặt trong tình trạng khẩn cấp vào ngày 8/7, kế hoạch tổ chức Olympic vẫn tiếp tục, dù sự kiện sẽ diễn ra mà không có khán giả.
Thiệt hại kinh tế
Nhật Bản đã đầu tư nguồn lực tài chính lớn cho Olympic. Theo số liệu chính thức, nước này chi tổng cộng 15,4 tỷ USD cho cả Olympic và Đại hội thể thao cho người khuyết tật (Paralympic). Tuy vậy, cơ quan kiểm toán Nhật Bản nhận định con số thực tế cao hơn nhiều.
Nhật Bản đã đầu tư hàng chục tỷ USD để xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ Olympic Tokyo. Ảnh: Japan Times. |
Bên cạnh chính phủ, các công ty tư nhân Nhật Bản cũng đầu tư 3 tỷ USD vào Olympic, theo Mainichi Shimbun.
Nếu Olympic không được tổ chức, số tiền này sẽ “đổ xuống sông xuống bể”. Cùng với đó là sự sụt giảm uy tín của Nhật Bản trên trường quốc tế.
Không chỉ Nhật Bản chịu thiệt hại. Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) cũng sẽ mất khoản tiền lớn nếu Olympic không diễn ra như dự kiến. Trong trường hợp Olympic không được tổ chức, IOC sẽ phải hoàn lại số tiền lên đến 4 tỷ USD cho các đài truyền hình. Số tiền này tương đương với 73% thu nhập của IOC.
Dù được bồi hoàn tiền bản quyền, các đài truyền hình cũng khó lòng vui nổi nếu Olympic 2020 bị hủy bỏ. Từ lâu, Olympic luôn là miếng bánh béo bở của các đài truyền hình. Tháng 3/2020, NBC Universal, đài truyền hình nắm bản quyền Olympic tại Mỹ, bán được 1,25 tỷ USD tiền quảng cáo cho sự kiện này.
Năm 2016, NBC Univesal thu được 250 triệu USD tiền lãi từ Olympic Rio. Số tiền thu được từ Olympic Tokyo dự kiến còn cao hơn. Giám đốc điều hành NBC Univeral Jeff Shell từng khẳng định Olympic Tokyo “có thể là kỳ Olympic hái ra tiền nhất trong lịch sử công ty”.
Bên cạnh bản quyền truyền hình, khoản tiền tài trợ của các nhãn hàng dành cho Olympic cũng có giá trị hàng trăm triệu USD. IOC dĩ nhiên không muốn mất đi nguồn tiền này.
Các ủy ban Olympic quốc gia cũng không muốn IOC chịu thiệt hại, vì điều này có thể ảnh hưởng đến túi tiền của chính họ. Theo báo cáo của IOC năm 2020, tổ chức này chi 549 triệu USD để hỗ trợ các quốc gia thành viên.
Người dân Nhật Bản biểu tình phản đối Olympic Tokyo. Ảnh: Wall Street Journal. |
Đối với nhiều ủy ban Olympic quốc gia, đây là khoản tiền mang tính sống còn, dùng để đảm bảo mọi hoạt động từ chi phí vận hành đến đào tạo tài năng trẻ. Ví dụ, đối với quốc đảo St. Lucia ở biển Caribe, khoản tiền tài trợ của IOC chiếm một phần tư thu nhập của ủy ban Olympic nước này.
Quan chức thể thao ở các nước giàu cũng lo ngại viễn cảnh thiệt hại nếu Olympic tiếp tục bị hoãn hoặc hủy. Đầu năm 2021, Liên đoàn Olympic Anh cảnh báo nguy cơ rơi vào khủng hoảng tài chính nếu Olympic Tokyo không được tổ chức.
Vì lẽ đó, không mấy ngạc nhiên khi IOC đồng tình với Nhật Bản trong quyết định tiếp tục tổ chức Olympic. Ngày 21/5, Phó chủ tịch IOC John Coates xác nhận sự kiện vẫn được tổ chức, kể cả khi công chúng Nhật Bản không đồng tình.
Kể cả khi Nhật Bản không muốn đăng cai, IOC vẫn còn một “lá bài tủ” trong tay. Theo hợp đồng thành phố đăng cai được ký giữa thành phố Tokyo, IOC và Ủy ban Olympic Nhật Bản, IOC là bên duy nhất có quyền hủy Olympic.
Tuy vậy, trên thực tế, IOC ít có khả năng đâm đơn kiện nếu Nhật Bản đơn phương dừng tổ chức Olympic. Hai bên lúc này sẽ đàm phán đề tính toán số tiền bồi thường mà Nhật Bản phải trả cho IOC.
Dù phải đối mặt với nhiều biện pháp hạn chế và nguy cơ mắc Covid-19, đa số vận động viên vẫn lựa chọn đến Nhật Bản tranh tài. Trong trường hợp xấu nhất, nếu Olympic bị hủy bỏ, 15.500 vận động viên này - 11.100 ở Olympic và 4.400 ở Paralympic - mất hoàn toàn cơ hội tham dự sự kiện thể thao lớn nhất thế giới.
Trong trường hợp Olympic bị hoãn, họ sẽ phải tiếp tục tập luyện thêm nhiều tháng. Cùng với đó là rất nhiều kế hoạch cá nhân bị đảo lộn, kể cả kế hoạch kết hôn hay sinh con. Do đó, ít vận động viên muốn tiếp tục chờ đợi.
Hủy bỏ Olympic còn ảnh hưởng đến các vận động viên tham gia tranh tài. Ảnh: Olympics. |
Nhân tố chính trị
Chính quyền của Thủ tướng Yoshihide Suga cũng có nhiều lý do để tiếp tục tổ chức Olympic, dù bị người dân phản đối.
Đối với Nhật Bản, Olympic không chỉ là một sự kiện thể thao. Khi quyết tâm giành suất đăng cai Olympic năm 2013, cựu Thủ tướng Shinzo Abe nhận thấy Olympic Tokyo 2020 là cơ hội để Nhật Bản thể hiện một bộ mặt mới.
Việc đăng cai Olympic cũng thể hiện sức sống mãnh liệt của người dân Nhật Bản sau thảm họa động đất - sóng thần năm 2011.
Tháng 8/2020, Thủ tướng Shinzo Abe từ chức do điều kiện sức khỏe. Nếu không có đại dịch Covid-19, ông có thể tự tay khai mạc kỳ thế vận hội mà chính ông góp phần đưa về Nhật Bản.
Dù sao, tân Thủ tướng Yoshihide Suga vẫn quyết tâm hoàn thành mong muốn của người tiền nhiệm. Ông Suga có lý do cá nhân để làm điều này. Sinh mệnh chính trị của ông giờ đây gắn bó chặt chẽ với Olympic.
Nhật Bản sẽ tổ chức tổng tuyển cử vào tháng 9 tới. Ông Suga không chỉ phải đối mặt với các đảng phái khác, mà còn phải cạnh tranh với nhiều đối thủ tiềm năng từ trong nội bộ Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền, những người đang lặng lẽ đứng sau cánh gà chờ cơ hội.
Tổ chức thành công Olympic không chỉ giúp đảng LDP gần như nắm chắc chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 9 tới. Thành công này còn giúp nâng cao uy tín của ông Suga trong đảng LDP và là dấu ấn lớn đầu tiên của ông sau khi tiếp quản chiếc ghế thủ tướng từ ông Abe.
Olympic Tokyo sẽ quyết định vận mệnh chính trị của Thủ tướng Suga. Ảnh: Kyodo. |
Tuy vậy, quyết định tiếp tục tổ chức Olympic của ông Suga không chỉ đến từ nhân tố nội bộ. Ông còn nhìn sang những người hàng xóm Đông Bắc Á, cụ thể là Hàn Quốc và Trung Quốc.
Năm 2018, Hàn Quốc đã tổ chức thành công Olympic mùa đông Pyeongchang. Năm 2022, Trung Quốc sẽ tổ chức Olympic mùa đông Bắc Kinh, sự kiện mà Bắc Kinh kỳ vọng giúp gia tăng sức mạnh mềm Trung Quốc.
Nếu Nhật Bản hủy bỏ Olympic Tokyo, danh tiếng của nước này sẽ chịu tác động nặng nề. Đặc biệt, Nhật Bản không muốn bị so sánh với Hàn Quốc và Trung Quốc, hai người hàng xóm mà Tokyo đang có tranh chấp chủ quyền trên biển Hoa Đông và biển Nhật Bản.
“Cuối cùng, vấn đề không nằm ở việc liệu những khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng có sinh lời hay không. Vấn đề là liệu danh tiếng của đất nước có gia tăng hay không”, ông Jesper Koll, chuyên gia tư vấn đầu tư đã sống tại Nhật Bản hơn 30 năm, nhận định.