Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dân 'rốn lũ' chuyển bàn thờ lên gác nhà, trắng đêm canh lũ

Nước lũ dâng cao gây ngập hơn 2 m, người dân vùng rốn lũ huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) phải chuyển bàn thờ, đồ đạc lên gác nhà, thức trắng đêm canh dòng lũ chảy xiết dâng lên.

Lũ gần ngập nóc nhà, dân co ro canh nước lên Nước lũ dâng cao hơn 2 m gây ngập hơn 200 nhà dân ở vùng rốn lũ xã Phương Mỹ, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh). Người dân phải chuyển đồ đạc lên gác rồi ngồi canh lũ suốt đêm.

Đêm mùng 5 rạng sáng 6/9, rốn lũ xã Phương Mỹ, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) vẫn mưa lớn, dòng nước lũ đục ngầu vẫn cuồn cuộn dâng lên, chảy xiết.

Hàng trăm hộ dân nơi đây vẫn phải ẩn mình trên gác chạn, mái nhà, hay ở những ngôi nhà phao rộng chừng chục mét vuông. Tô cơm với cà muối đã là quá xa xỉ, thay vào đó chỉ là gói mỳ tôm ăn vội cho ấm bụng, có sức canh lũ.

Trắng đêm canh lũ

Ngồi trên chiếc thuyền ba lá pha ánh đèn pin lờ mờ về phía chiếc bè mảng lơ lửng giữa dòng nước đục ngầu, bên trên có đủ gà, chó, lợn và các vật dụng sinh hoạt, anh Nguyễn Văn Giáp (33 tuổi, thôn Ấp Tiến, xã Phương Mỹ) kể về những cực nhọc trong đêm canh lũ.

dem o ron lu Phuong My anh 1
Vùng rốn lũ xã Phương Mỹ ngập chìm trong nước. Ảnh: Phạm Trường.

Sáng 4/9, nước lũ từ sông Ngàn Sâu phía sau nhà dâng lên đến mép vườn, biết chắc lũ sẽ còn dâng cao làm ngập nhà, anh Giáp chở vợ cùng 3 con nhỏ vượt quãng đường hơn 5 km đến nhà ông bà ngoại tá túc. Con trâu đực bốn tuổi là tài sản duy nhất của cặp vợ chồng trẻ cũng được đưa lên vùng đất cao hơn để tránh bị cuốn mất.

Một mình trở về căn nhà gỗ 3 gian, anh vội vã dọn dẹp, bắt đàn gà, con lợn và bê từng đống đồ lên chiếc bè mảng đã đóng sẵn.

“Sống quen với lũ nhưng năm nay lũ dâng nhanh hơn, đồ đạc vơ được thứ gì thì cố vơ lấy để không bị cuốn mất. Cả đêm thức trắng vì sợ nước lên nhanh, mọi thứ sẽ bị cuốn mất”, anh Giáp nói.

Những ngày lũ, trên góc gác xép 5 m2 chật kín đồ đạc, hàng chục bao lúa xếp ngổn ngang, chồng chất kín cả lối chui ra, chui vào; xung quanh là nồi cơm điện, bếp ga, tivi; dưới cầu thang thì mỳ tôm, trứng, phích nước xếp sẵn và ít bộ quần áo ướt sũng treo lủng lẳng.

Từ khi dòng nước đục ngầu leo dần vào nhà, mọi sinh hoạt của người dân đều ở mức tối giản nhất, cái ăn có đủ cơm và miếng cà muối là xa xỉ. Với họ, nấu được nồi nước sôi, pha gói mỳ tôm ăn ấm bụng là điều cần nhất.

dem o ron lu Phuong My anh 2

“Ăn mỳ tôm là được rồi, cơm nước gì cho phức tạp, phải lo cho đàn lợn, con gà ở dưới không bị ướt nước hay trôi mất là vui rồi. Mưa lũ khó khăn thì không biết đâu mà kể, chỉ mong trời không mưa, nước không lên nữa…”, người đàn ông nói và không quên đùa rằng nước thế này thôi, chứ lên nữa mà ngập gác chạn thì chịu vứt hết mà chạy lấy thân thôi.

Cũng như người hàng xóm, hai ngày qua, mẹ con chị Nguyễn Thị Lương (43 tuổi, thôn Ấp Tiến) cũng chỉ ăn tạm từng gói mỳ được người trong thôn gửi tặng sau lần chuyển đồ lên cao giúp họ. Dù chị có thể chèo thuyền qua nhà họ hàng ăn cơm, nhưng sợ mưa lũ nguy hiểm nên quyết định ở lại trên gác. 

Chồng đi làm ăn xa, người phụ nữ phải một mình nuôi dạy hai đứa con cùng người em gái bệnh tật đeo bám.

Cũng như bao hộ dân ở vùng rốn lũ này, chị Lương sống quen với cuộc sống mùa nước lũ đổ về, nhưng nếu nước dâng thêm nữa thì sẽ cùng con sang tầng hai của UBND xã Phương Mỹ tạm trú.

Từ khi nghe tin nước lên nhanh, trời mưa trắng xóa, người phụ nữ tháo vát cùng cậu con trai út Nguyễn Văn Quyển (11 tuổi) thu dọn đồ đạc lên căn gác nhỏ. Những đồ dùng còn lại được phủ bạt để trên chiếc bè mảng giữa sân, nước lên đến đâu, bè lên đến đó.

“May mà có thằng nhỏ giúp mẹ khuân đồ lên, không thì một mình tôi không biết xoay xở thế nào. Mưa lũ khổ lắm, nước sạch cũng dần cạn, ăn uống thì pha gói mỳ tôm là được rồi, may hơn thì có bữa cơm ăn với cà muối, con cá hàng xóm qua cho”, chị Lương than thở.

dem o ron lu Phuong My anh 8
Chị Lương cùng người thân ngồi gác nhà chờ lũ rút. Ảnh: Phạm Trường.

Qua ánh đèn pin leo lắt, chị Lương hướng đôi mắt về gian thờ nhỏ đặt tấm di ảnh treo ở một góc nhỏ trên căn gác chưa đầy 5 m2, đôi mắt người phụ nữ đỏ hoe rồi trào ra giọt nước mắt chua xót. Bố mẹ chị vừa mất chưa lâu, nhưng căn nhà còn quá đỗi khó khăn khiến chị không thể xây cho mình căn nhà đủ cao ráo hơn, để ít nhất những lần lũ về, chị không lo không có chỗ thờ cha mẹ cho tử tế.

Hỏi về ngày khai giảng năm học mới nhưng không thể đến trường vì nước lũ, cậu bé 11 tuổi cúi gầm mặt rồi thỏn thẻn: “Con muốn lũ không lên nữa để đi học!”.

Với người dân vùng rốn lũ Phương Mỹ chắc không có giấc ngủ trọn vẹn cho những lần lũ về. Gần như họ thức trắng để canh con nước cuồn cuộn đổ về, cứ lên xuống thất thường.

Tình người trong lũ

Nhà ngay cạnh UBND xã Phương Mỹ, bà Hoàng Thị Tường (50 tuổi) may mắn hơn hàng xóm. Bà xin nối điện từ máy phát của xã để nấu cơm cho các cán bộ thường trực. Mỗi bữa cơm tối, bà Tường mời thêm hàng xóm đến ăn cùng. Đây cũng là “trạm điện” giúp những người dân ở lại canh giữ tài sản có nơi để sạc đèn pin, điện thoại, đảm bảo thông tin liên lạc.

dem o ron lu Phuong My anh 13
Người dân tập trung đến nhà bà Tường ăn cơm chung, xem đá bóng. Ảnh: Phạm Trường.

“Lũ năm nay cũng ngang với năm 2016 nhưng lên thất thường do mưa to, lại kéo dài. Sống với lũ quen nhưng khổ lắm, thiếu nước, thiếu thuốc men và đủ thứ khác. Chỉ mong nước đừng lên nữa nếu không mọi thứ sẽ bị cuốn trôi chẳng còn gì”, bà Tường lo lắng.

Người phụ nữ làn da chai sạm vui vẻ bông đùa rằng người dân Phương Mỹ một năm mà không có lũ là thấy thiếu lắm. Đêm nay, mọi người tập trung tại nhà bà Tường đông hơn. Sau bữa cơm tối chỉ có cà muối kho mớ cá do người chồng đánh bắt được, họ ngồi lại xem trận bóng đá giữa Việt Nam và Thái Lan.

Giữa vùng rốn lũ, họ vẫn lạc quan với cuộc sống trên mái nhà, dưới chân là dòng nước lũ đục ngầu cuồn cuộn chảy xiết. Tiếng hò reo cổ vũ cho những tuyển thủ xóa dần đi vẻ tĩnh mịch của màn đêm.

dem o ron lu Phuong My anh 14
Bữa cơm đơn giản ngày lũ. Ảnh: Phạm Trường.

Trao đổi với Zing.vn, Lê Quốc Hậu, Chủ tịch UBND xã Phương Mỹ, cho biết đến sáng 6/9, lũ đã rút khoảng 30 cm và rút chậm dần.

“225 hộ bị ngập lụt, nhà sâu nhất hơn 2,5 m nước. Ba thôn ngập nặng nhất là Trung Thượng, Ấp Tiến, Thượng Sơn. Xã đang cùng các lực lượng thống kê thiệt hại và triển khai các phương án hỗ trợ người dân xử lý hậu quả do lũ gây ra”, ông Hậu nói.

Dân rửa bùn cho bưởi Phúc Trạch vì lo rụng đầy cội sau lũ Mưa lũ kéo dài khiến hơn 1.000 ha bưởi đặc sản Phúc Trạch ở huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) bị ngập. Khi nước rút dần, người dân tát nước gột bùn để hạn chế rụng quả.




Phạm Trường

Bạn có thể quan tâm