Hơn 1 năm nay, tuyến đường thảm nhựa dài hơn 6 km đi qua 3 xã Xuân Hải, Xuân Yên và Xuân Thành (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng. Một số đoạn đi qua xã Xuân Yên còn xuất hiện chi chít ổ voi, ổ gà sâu 20-30 cm trên mặt đường.
Nhiều hộ dân sống dọc hai bên tuyến đường than trời vì cảnh bụi bay vào nhà những ngày nắng, còn ngày mưa nước bẩn từ đường tràn vào tận sân.
Đoạn đường lầy lội, hư hỏng nghiêm trọng. Ảnh: Phạm Trường. |
Ông Nguyễn Văn Hùng (48 tuổi, xã Xuân Yên), cho biết tuyến đường dù được thảm nhựa nhưng gần đây lượng xe tải qua lại quá nhiều khiến đường nhanh xuống cấp, hư hỏng. Người dân nhiều lần kiến nghị lên chính quyền địa phương song không thấy tu sửa.
“Đường đi qua xã hơn 2 km thì một nửa số đó đã nát bét. Mùa mưa nước đọng không thể thoát vì thiếu mương dẫn, xe trọng tải lớn chở vật liệu lại chạy quá nhiều. Bao nhiêu lần ý kiến lên để tu sửa nhưng đâu lại vào đó, đường hư vẫn hư”, ông nói.
Theo người dân, nguyên nhân khiến tuyến đường này nhanh xuống cấp bởi lúc quy hoạch làm đường đã không xây dựng hệ thống thoát nước khiến nước đọng thành vũng không có chỗ thoát. Ngoài ra, việc xe trọng tải lớn lưu thông dày đặc trên đoạn đường này cũng khiến đoạn đường chi chít ổ voi, ổ gà.
Xe cộ qua lại đoạn đường gặp khó khăn bởi ô trâu, ổ gà. Ảnh: Phạm Trường. |
Nhiều hộ gia đình có nhà ở hai bên tuyến đường đã dùng đá, cây khô chắn ra bên ngoài lề đường để ngăn xe quá tải qua lại và kiến nghị chính quyền sớm có phương án tu sửa, bảo trì.
“Nói là đường nhưng có còn là đường đâu, xe đi lại không quen có lúc ngã nhào ra vũng nước ướt sũng. Nắng thì bụi bặm bay kín mặt. Là huyện nông thôn mới mà giờ đường liên xã nát bét nhiều năm vẫn không tu sửa, không hiểu là như thế nào”, một người dân bày tỏ.
Trao đổi với Zing.vn, ông Trần Anh Khoa, Chủ tịch UBND xã Xuân Yên, thừa nhận con đường liên xã qua địa phương xuống cấp là do ôtô tải chở vật liệu xây dựng phục vụ cho tuyến đường ven biển đang trong giai đoạn thi công.
“Xã nhiều lần thuê một đơn vị lấp vá lại các ổ trâu, ổ gà nhưng do cả tuyến không có rãnh thoát nước nên chỉ thời gian ngắn là lại hư hỏng trở lại”, ông Khoa nói.
Người dân hai bên đường đặt gốc cây, đá trước cửa nhà để hạn chế xe tải qua lại cày nát đường. Ảnh: Phạm Trường. |
Còn ông Nguyễn Xuân Hải, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng cơ bản huyện Nghi Xuân, cho biết đơn vị đã có văn bản gửi Sở Giao thông vận tải trình lên UBND tỉnh Hà Tĩnh xin phê duyệt và triển khai dự án song đến nay vẫn chưa được thực hiện.
"Hơn 29 tỷ đồng được tỉnh bố trí và do UBND huyện Nghi Xuân huy động, bố trí làm đường đã có song đơn vị đang chờ phê duyệt mới triển khai được dự án", ông Hải nói.