Kiwi là loài chim không bay bản địa của New Zealand. Theo dõi kiwi là công việc định kỳ và thường diễn ra vào ban đêm.
Các nhà khoa học sử dụng công nghệ âm thanh tương tự tai người để “lắng nghe” quần thể loài chim này trong khu vực. Sau đó, họ nhập dữ liệu thu thập được vào “kiwi listening blitz”, nền tảng sẽ tổng hợp và phân tích thông tin của 5 năm gần nhất.
Kết quả chỉ ra có đến 50% điểm nghiên cứu mới ghi nhận được tiếng kêu của chim kiwi, đồng thời những điểm trước đây vẫn tiếp tục thu được dấu hiệu của loài này từ năm 2016.
"Thật tuyệt vời. Chúng tôi rất vui mừng với kết quả này”, Ngaire Sullivan, điều phối viên tại Kiwi Coast, tổ chức bảo tồn chim kiwi, chia sẻ.
New Zealand không có động vật có vú sống trên cạn, dẫn đến việc các loài chim bản địa dễ bị đe dọa bởi loài du nhập như chuột, chồn và chó. Theo thống kê, chỉ 10% chim non sống sót đến tháng thứ sáu và hơn một nửa bị giết bởi loài chồn.
Nhân viên bảo tồn lắp đặt các thiết bị âm thanh trên khắp Northland để theo dõi chim kiwi. Ảnh: Bahamas News. |
Theo Guardian, để bảo vệ giống chim mang tính biểu tượng này, nhóm bảo tồn phải đặt bẫy nhằm tiêu diệt các loài săn mồi ngoại lai.
Bà Ayla Wiles, một nhân viên kiểm lâm thuộc Cục Bảo tồn Northland, New Zealand, cho biết: “Ngồi đây và lắng nghe xem có bao nhiêu chim kiwi ở ngoài kia làm cho nỗ lực đặt bẫy của chúng tôi trở nên xứng đáng”.
Hơn 150 nhân viên đã lắp đặt các điểm theo dõi kiwi trên khắp Northland từ 20 năm trước, nhờ đó ghi nhận số lượng loài chim này tăng đáng kể tại một số khu vực.
Chẳng hạn như vùng Whangarei Heads hiện có hơn 1.000 con từ chỉ 80 cá thể ban đầu. Theo bà Wiles, đó là thành quả của việc đặt bẫy và nỗ lực của cả cộng đồng.
Ngoài thu thập dữ liệu, các điểm lắng nghe còn mang đến cho nhóm nghiên cứu cơ hội quý giá để “gặp gỡ” loài chim vốn nhút nhát và hoạt động về đêm này.
“Đó là những công cụ giám sát tuyệt vời bởi đây là những con vật sống về đêm mà bạn khó bắt gặp. Bạn lắp đặt thiết bị, theo dõi từ tuần này sang tuần khác, và chỉ trong một vài khoảnh khắc, bạn lắng nghe được thành quả của mình”, bà chia sẻ.