Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dân miền Tây thất thu cá linh vì ít nước lũ

Do nguồn cá linh mỗi năm ít đi, dân ở biên giới An Giang, Đồng Tháp sống bằng nghề thuê đất đánh dó, dớn, đáy… lỗ nặng vì bán cá bằng ngón tay út với giá 12.000 đồng/kg.

Theo dự báo, năm nay, nước lũ về sẽ lớn hơn so với các năm trước, cá tôm lẽ ra nhiều hơn. Tuy nhiên, nguồn thủy sản lại giảm đi, đặc biệt là cá linh.
Nhiều dớn cá linh được đặt trên đồng ruộng với số lượng dày đặc nhưng số lượng cá thu được không nhiều. Ông Trần Văn Hậu, ở xã Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú (An Giang) có hơn 15 năm trong nghề đấu thầu để đặt đóng đáy cá linh trong mùa lũ, cho biết: “Năm nay tôi trúng thầu giá 650 triệu đồng và được phép đánh bắt cá từ tháng 7 đến tháng 11”.
Nhưng sản lượng đánh bắt cá linh từ đầu mùa đến nay của gia đình ông Hậu rất thấp, một ngày chỉ thu được 100 -120 kg, bán với giá 12.000 đồng xem như lỗ tiền thuê nhân công.
Với 8 nhân công trả lương 3 triệu đồng/ngày, cá chỉ bán được hơn 1,3 triệu đồng.
Năm nay con sông đầu nguồn xã biên giới nở rộ các giàn đáy đánh bắt cá linh. Mỗi chiếc cách nhau khoảng 500m ở giữa lòng sông. Theo dân trong nghề, tuỳ theo khúc sông rộng hay hẹp, sâu hay cạn, mà sử dụng đáy có kích thước khác nhau. Thông thường, giàn đáy lý tưởng nhất để chạy cá linh nhất là miệng lưới rộng 7 đến 10m, sâu 5m, chiều dài 30m.
Còn ông Lê Văn Mười, ở huyện Tân Hồng (Đồng Tháp) với nhiều năm trong nghề lưới đáy cá linh cho biết, năm nay sang cánh đồng Coosunpư (huyện Pencho, Preyveng, Campuchia) thuê đất làm 2 miệng lưới đáy hơn 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, cá năm nay không nhiều như mọi năm. Ông kỳ vọng những con nước sau sẽ trúng cá nhiều hơn để đủ số tiền đầu tư.
Ông Mười cho biết thêm, nếu vào đợt cá chạy rộ, giàn đáy này thu được từ 3 – 4 tấn cá mỗi ngày. Còn năm nay con nước lớn vừa rồi giàn lưới của ông chỉ được 1-2 tấn/ngày.
Lưới đáy cá linh đặt nơi nước chảy, thường cứ 20-30 phút phải bắt cá một lần, nếu chậm cá bị chết ngộp bán mất giá.
Cá linh ở đầu nguồn sông Mê Kông được đánh bắt xong là có những ghe đục chở cá về miệt dưới như Cần Thơ, Hậu Giang, Vĩnh Long và TP.HCM…; phần còn lại được bán tại chỗ dùng ủ nước mắm, làm mắm, hoặc làm thức ăn cho cá.
Ông Huỳnh Tấn Đức ở ấp Tắc Trúc, xã Nhơn Hội huyện An Phú (An Giang) hiện sở hữu sáu giàn đáy, cũng là người có số giàn đáy cá linh nhiều nhất vùng đầu nguồn với 30 nhân công. “Nước lũ lớn thì có lời, còn lũ nhỏ là 'tiêu' luôn”, ông khẳng định.
Hiện tại cá linh đang lớn dần bằng ngón tay út. Tuy nhiên còn đầu mùa nên nhiều người dân hy vọng các con nước sau, cá sẽ chạy nhiều hơn để đủ tiền thuê đất làm đáy và trả tiền nhân công. Cá linh non đầu mùa vào tháng 7 giá từ 25.000 đến 30.000 đồng/kg trong khi đó vận chuyển đến các chợ lớn như An Giang, Đồng Tháp và Cần Thơ giá lên 140.000 đến 170.000 đồng/kg, nếu vào nhà hàng giá 200.000 đồng/kg.
Nếu cá linh càng lớn giá càng rẻ khoảng 10.000 -15.000 đồng/kg vào mùa rộ (từ tháng 10 đến tháng 11). Bà Trần Thị Lệ, 59 tuổi, ở ấp 5, xã Khánh An cùng người con trai neo chiếc ghe tại bến Mương Vú thuộc xã Khánh An để mua loại tươi làm mắm. Mỗi mùa như vậy, bà thu mua và làm ra hơn 20 tấn mắm cá linh để chở đi bán các nơi.

Cá linh xuất hiện trong mùa lũ thường chiếm u thế hơn các loài cá khác, tuy giá rẻ nhưng bù lại sản lượng lớn cho người đánh bắt. Theo giới làm nghề lưới đáy cá linh, nếu năm nào trúng mùa trừ hết chi phí năm đó lãi vài trăm triệu đồng, nếu thất mùa xem như trắng tay. Dân trong nghề cho rằng đây là nghề “trời định”.

Ngọc Trinh

Bạn có thể quan tâm