Hình châm biếm khiến Bắc Kinh nổi giận đăng trên tờ Jyllands-Posten hôm 27/1, trong đó lá cờ Trung Quốc với những ngôi sao vàng bên góc trái được biến tấu thành hình ảnh những con virus corona mới.
Theo Telegraph, Đại sứ quán Trung Quốc tại Đan Mạch gọi tranh biếm họa này là “một sự xúc phạm đối với Trung Quốc”, “gây tổn thương tới cảm xúc của người dân Trung Quốc”.
Đại sứ quán cũng cho rằng cách biếm họa này đã vượt qua “lằn ranh đạo đức của tự do ngôn luận” và yêu cầu tờ báo của Đan Mạch cũng như tác giả của tranh biếm họa, Niels Bo Bojesen, “tự khiển trách bản thân vì lỗi lầm của họ và công khai xin lỗi người dân Trung Quốc”.
Nhật báo Jyllands-Posten của Đan Mạch đăng tranh biếm họa hôm 27/1. Ảnh: AFP. |
Tuy nhiên, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen nói rằng tự do ngôn luận của Đan Mạch bao gồm cả tranh biếm họa.
“Chúng tôi có một truyền thống rất mạnh ở Đan Mạch, không chỉ về tự do ngôn luận mà còn về những bức vẽ biếm họa, và chúng tôi vẫn sẽ duy trì chúng trong tương lai”, bà Frederiksen nói. “Đó là một lập trường được biết tới rộng rãi của Đan Mạch và chúng tôi sẽ không thay đổi điều đó”.
Sau khi khởi điểm bùng phát tại Vũ Hán, số ca nhiễm virus corona đã vượt quá 5.000 trường hợp hôm 29/1, với hơn 130 người tử vong.
Khoảng 50 ca nhiễm bệnh khác cũng được xác nhận ở bên ngoài Trung Quốc đại lục, bao gồm châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ.
Hôm 28/1, Tổng biên tập của tờ Jyllands-Posten, ông Jacob Nybroe, nói rằng tờ báo này sẽ không chọc ngoáy, đùa cợt vào tình hình ở Trung Quốc, nhưng ông cũng từ chối xin lỗi.
“Chúng tôi không thể xin lỗi đối với điều chúng tôi không thấy sai. Chúng tôi không có ý định hạ thấp hay chế nhạo, chúng tôi cũng không nghĩ bức vẽ đó có ý nghĩa như vậy”, ông Nybroe cho biết.
“Theo những gì tôi thấy, vấn đề ở đây chỉ là về cách thông hiểu văn hóa khác biệt”.
Họa sĩ biếm họa Niels Bo Bojesen thay 5 ngôi sao vàng trên cờ Trung Quốc bằng các virus corona. Điều này khiến Đại sứ quán Trung Quốc ở Đan Mạch phản đối và yêu cầu phía tờ báo xin lỗi. Ảnh: AFP. |
Tờ Jylland-Posten vốn không xa lạ với những tranh cãi. Năm 2005, tờ báo này từng xuất bản một số tranh biếm họa về Nhà tiên tri Mohammed được cho là góp phần vào các cuộc biểu tình bạo lực ở một số nước Hồi giáo sau đó.