Theo Politico, bộ luật của EU quy định phô mai có tên "feta" chỉ được bán trên thị trường nếu nó được sản xuất ở một số vùng nhất định của Hy Lạp, theo công thức truyền thống có từ lâu đời.
Hy Lạp từ lâu đã coi phô mai feta - làm từ cả sữa cừu và sữa dê - là một phần di sản văn hóa quốc gia. Nước này sản xuất khoảng 120.000 tấn phô mai feta mỗi năm và đây là thứ không thể thiếu nếu bạn muốn làm món salad.
Câu chuyện kiện cáo về phô mai feta đã bắt đầu từ hơn hai thập kỷ trước, khi một số quốc gia như Đan Mạch, Pháp và Đức ban đầu cố gắng vận động để chống lại kế hoạch này của Liên minh châu Âu.
Hy Lạp cuối cùng giành chiến thắng khi Ủy ban châu Âu (EC) cho rằng phô mai feta là sản phẩm độc đáo chỉ có ở quốc gia Địa Trung Hải. Quyết định đó được đưa vào hệ thống luật của khối như một loại chỉ dẫn địa lý trên hàng hóa, được gọi là "chứng chỉ bảo hộ xuất xứ" (POD).
Hy Lạp rất tự hào về feta, tuyên bố rằng loại phô mai này là một phần di sản văn hóa quốc gia. Ảnh: Reuters. |
Tuy nhiên trong nhiều năm, Đan Mạch vẫn xuất khẩu ra bên ngoài EU một số loại phô mai với tên gọi feta. Điều này dẫn đến việc Ủy ban châu Âu chính thức mở một cuộc chiến pháp lý với Copenhagen vào năm 2019. Được ủng hộ bởi Hy Lạp và đảo Cyprus, EC cáo buộc Đan Mạch vi phạm luật pháp châu Âu khi không ngăn chặn các công ty sữa của nước này xuất khẩu phô mai có tên gọi feta ra nước ngoài.
Copenhagen không phủ nhận rằng họ đang bán cái gọi là feta ra nước ngoài. Lập luận của Đan Mạch khi đó xoay quanh một tuyên bố cho rằng các chỉ dẫn địa của EU không áp dụng với hàng xuất khẩu.
Tuy nhiên, Tòa án Công lý châu Âu khẳng định rằng các quy định này áp dụng với cả hàng hóa xuất khẩu.
Các luật sư của Ủy ban châu Âu cho rằng với việc "làm ngơ" cho các công ty sữa xuất khẩu phô mai với tên gọi feta ra nước ngoài, chính phủ Đan Mạch đã gây nguy hiểm cho quyền được hưởng thu nhập công bằng của các nhà sản xuất thực phẩm Hy Lạp. Bên cạnh đó, việc này cũng được cho là làm suy yếu vị thế của EU trong quá trình đàm phán hiệp định thương mại với các đối tác.
"Bằng việc không ngừng sử dụng tên gọi 'feta' cho phô mai xuất khẩu sang các nước thứ ba, Đan Mạch đã không thực hiện nghĩa vụ của mình theo luật của EU", tòa án cho biết trong phán quyết và yêu cầu Copenhagen nhanh chóng tuân thủ.
Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra kiện cáo giữa các nước trong EU về thương hiệu xuất xứ của một sản phẩm. Vào năm ngoái, Italy và Croatia cũng tranh cãi về việc nước nào được phép sử dụng tên gọi "prosecco" cho sản phẩm rượu vang sủi bọt.